Vụ tàu Sunrise 689 bị cướp biển tấn công: "Họ khống chế bất ngờ"

"Họ đi bằng hai chiếc canô và tàu cá áp sát bất ngờ. Một nhóm người ập vào buồng lái khống chế thủy thủ rồi nhanh chóng cắt hết các thiết bị liên lạc" - thuyền trưởng nói.

Đại tá Đinh Quốc Ruân, chủ nhiệm chính trị Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3, cho biết với tốc độ 5 hải lý/giờ, dự kiến 7g sáng 11-10 tàu Sunrise về đến Vũng Tàu.

Chiều 10-10, tại trụ sở Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3 (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), các cơ quan ban ngành chức năng gồm: Cảnh sát biển VN, Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu, Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu đã có cuộc họp bàn về việc tiếp nhận tàu Sunrise 689 cũng như các thuyền viên.

10 tên cướp biển ập vào từ 3 tàu, lăm lăm súng và dao 10 tên cướp biển ập vào từ 3 tàu, lăm lăm súng và dao

Điện thoại phóng viên vang lên giọng nói mệt mỏi của thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng trên tàu Sunrise 689 vừa thoát khỏi sự khống chế của cướp biển.

Sau khi kết thúc cuộc họp, các cơ quan ban ngành đã cử cán bộ chức năng lên tàu của Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3 ra biển để đón tàu Sunrise 689.

Trao đổi với PV, một thủ trưởng của Bộ tư lệnh cảnh sát biển VN cho biết mục đích của chuyến đi là để “làm nghiệp vụ, thu thập chứng cứ, điều tra”.

Cuối giờ chiều qua, trao đổi với PV qua điện thoại, ông Nguyễn Quyết Thắng (thuyền trưởng tàu Sunrise 689) cho biết hiện còn cách Vũng Tàu khoảng 80 hải lý, dự kiến sáng nay (11-10) mới vào đến đất liền.

Theo ông Thắng, hiện sức khỏe của các thuyền viên trên tàu đều tốt. Các chiến sĩ cảnh sát biển đã tiếp cận và lên tàu để hỗ trợ thủy thủ đưa tàu vào bờ, các sĩ quan quân y cũng điều trị cho những thuyền viên bị thương do bị cướp biển đánh.

Về vấn đề không thể liên lạc về công ty cũng như các tổ chức cứu nạn trong và ngoài nước, ông Thắng kể:

“Họ đi bằng hai chiếc canô và tàu cá áp sát bất ngờ. Một nhóm người ập vào buồng lái khống chế thủy thủ rồi nhanh chóng cắt hết các thiết bị liên lạc. Nhóm cướp biển cũng lấy luôn các thiết bị định vị, phương tiện thông tin liên lạc trên tàu và điện thoại của anh em khi thả chúng tôi”.

Theo lời kể của ông Thắng, khi nhóm cướp biển ập lên tàu, trong phòng buồng lái có hai người là lái chính và phó 2. Người phụ trách các trang thiết bị trong buồng lái là phó 2 Lê Văn Trung.

Trao đổi qua điện thoại, ông Trung cho biết vì bị họ khống chế bất ngờ nên không kịp bấm báo động gửi thông tin về công ty.

Ông Trung kể: “Họ có bốn người lên tàu ập vào buồng lái trước, sau đó một nhóm người ập vào khống chế thủy thủ ở các phòng khác. Tất cả đều bịt mặt mang theo súng và dao. Tôi bị một người đạp vào ngực ngã xuống sàn. Họ khống chế mình bất ngờ nên không kịp bấm báo động.

Rồi họ cắt hết các thiết bị liên lạc, các bộ phận máy cấp cứu VFF, hệ thống GMFF cũng bị chặt đứt, các trang thiết bị, dây ăngten cũng bị phá hủy luôn nên tàu không thể kết nối thông tin được”.

Cuộc điện thoại lúc 5h20 của vợ thuyền trưởng tàu gặp cướp biển Cuộc điện thoại lúc 5h20 của vợ thuyền trưởng tàu gặp cướp biển

Chị nghe máy và như vỡ oà khi nghe thấy giọng nói của chồng. Anh Thắng báo tin ngắn gọn: “Tàu đã được thả và đang trên đường về Việt Nam”.

Cướp biển rất chuyên nghiệp

Theo lời ông Trung, ngay sau khi khống chế tàu, nhóm cướp biển dồn ông cùng lái chính xuống phòng máy trưởng kiểm soát. Trên tàu có hai phòng bố trí hệ thống nút báo động là buồng lái và phòng kép dưới cabin.

“Tôi nghe anh em kể lại lúc đó thủy thủ có bấm nút báo động trong phòng kép nhưng không kịp, thông tin không thể gửi về công ty vì toàn bộ hệ thống liên lạc, định vị bị nhóm cướp biển chặt đứt.

Nhóm này rất chuyên nghiệp và chuẩn bị kỹ từ trước. Họ mang theo cả những cái nhỏ nhất như dây trói, băng keo, điện thoại vệ tinh.

Tôi có la lên nhưng bị họ dán băng keo vào mồm luôn. Một người gí dao vào cổ và nói bằng tiếng Anh dọa nếu chống cự sẽ giết” - ông Trung kể.

Trước đó, khi con tàu còn bặt vô âm tín, chưa có thông tin liên lạc từ các thuyền viên, ông Đào Văn Quảng - giám đốc Công ty CP Đóng tàu thủy sản Hải Phòng - nhận định khả năng lớn con tàu bị cướp biển bắt giữ.

Theo ông Quảng, đường đi của tàu Sunrise chệch đến 20 độ so với tuyến đường hay đi từ cảng Horizon (Singapore) về cảng Cửa Việt (VN). Vị trí cuối cùng của tàu trước khi mất tín hiệu ghi nhận được tại điểm 2 độ 57’07”N, 105 độ 24’01”E, cách Singapore 125 hải lý, cách Côn Đảo 360 hải lý và gần với một số đảo của Indonesia.

Một điều bất thường nữa là các phương tiện thông tin trên tàu được trang bị rất hiện đại gồm hai nút báo động cấp cứu ở một buồng lái và một buồng khác trên tàu, chỉ cần nhấn một nút báo động là lập tức có tín hiệu báo về.

“Nhiều khả năng đây là nhóm cướp rất chuyên nghiệp, các thuyền viên bị khống chế và không ai kịp ấn nút để gửi thông tin từ tàu về công ty” - ông Quảng nhận định.

 

Tàu nào cũng phải có 2 nút báo động bí mật

PGS Lương Công Nhớ, hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải VN, cho biết theo các quy định quốc tế và VN thì các tàu biển đều phải được trang bị hệ thống báo động an ninh trên tàu.

Đặc biệt gần đây trên thế giới nạn cướp biển hoành hành nên quy định về an ninh hàng hải cũng bổ sung nhiều quy định nhằm đảm bảo an ninh tối đa sinh mạng thuyền viên và cho con tàu.

Với các thiết bị báo động trên tàu, trong trường hợp sự cố mà không báo động kịp thì chỉ có thể là do tàu chưa được trang bị hệ thống báo động khẩn cấp, hoặc có mà bị trục trặc.

Hoặc có thể do lý do nào đó mà sĩ quan chỉ huy tàu đang không ở gần nút báo động khẩn cấp đặt bí mật ở đâu đó. Cũng có thể do sĩ quan chỉ huy tàu đã bị khống chế...

Ông Bùi Thanh Huân - phó trưởng khoa điều khiển tàu biển Trường ĐH Hàng hải VN, vốn là một trong những thuyền trưởng giỏi - cho biết: từ nhiều năm nay, quy định các tàu vận tải tuyến quốc tế đều phải có hệ thống báo động khẩn cấp.

Hệ thống này thường có hai nút bấm rất nhỏ, đặt bí mật ở đâu đó trên tàu mà chỉ sĩ quan, thuyền trưởng mới biết. Thường thì một nút đặt trong buồng thuyền trưởng, còn một nút đặt ở buồng lái.

Hệ thống báo động an ninh này được nối với thiết bị thông tin liên lạc vệ tinh Inmarsat. Khi gặp sự cố, chỉ cần bấm một trong hai nút báo động khẩn cấp này thì thông tin cấp cứu sẽ được chuyển thẳng qua hệ thống vệ tinh Inmarsat để phát thông tin báo động khẩn cấp tới các địa chỉ chỉ định là chủ tàu, đến cơ quan an ninh chức năng của quốc gia, quốc tế.

Theo ông Huân, thông thường khi tàu qua các khu vực có nguy cơ mất an toàn cao thì toàn tàu phải đặt trong tình trạng cảnh giác cao, buồng chỉ huy, buồng lái phải trực 24/24 giờ, toàn tàu chủ động canh phòng.

Cửa buồng lái và các buồng khác đều phải chốt từ phía trong. Khi đó tàu sẽ sử dụng cả hai hệ thống rađa để tăng cường quét, phát hiện sớm các tàu lạ.

Trong trường hợp tàu Sunrise 689 vừa qua, tàu có hệ thống báo động khẩn cấp nhưng nếu đúng có việc không chuyển tin báo động về thì có thể do tàu đã không phát hiện được các tàu cướp biển khi lại gần.

Có thể do tầm nhìn hạn chế hoặc cướp dùng canô nhỏ, lại tiếp cận từ phía sau nên rađa có “khoảng mù” mà không phát hiện được.

Và khi cướp đã lẻn lên được tàu, theo khuyến cáo thì thuyền trưởng, thủy thủ đoàn không nên chống cự vì sẽ ảnh hưởng đến sinh mạng mọi người trên tàu.

Lúc này nếu bấm nút báo động mà bị cướp phát hiện cũng nguy hiểm cho cả người bấm lẫn các thành viên khác trên tàu.

Đã để cướp lên được tàu thì nên tuân theo chúng, bởi cướp biển thường được trang bị súng, vũ khí và rất manh động.

Nguồn: (VTV)

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại