Chiều 21.3, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết sau sự cố sập cầu Ghềnh, việc điều chỉnh lịch trình chạy tàu chủ yếu thực hiện đối với khu đoạn từ Nha Trang trở vào.
Phương án chạy tàu điều chỉnh được thực hiện theo nguyên tắc hạn chế thấp nhất phiền hà cho hành khách.
Đồng thời, việc điều chỉnh biểu đồ chạy tàu đảm bảo đủ thời gian tác nghiệp kỹ thuật, chỉnh bị đầu máy toa xe để đảm bảo an toàn chạy tàu.
Cụ thể, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn duy trì chạy 2 đôi tàu Hà Nội – Nha Trang (SE1/2, SE7/8); 5 đôi tàu khách Hà Nội - Sài Gòn và ngược lại (TN1/2, SE3/4, SE5/6, SE21/22, SE25/26); duy trì chạy 3 đôi tàu khách địa phương (Vinh – Sài Gòn, Quy Nhơn – Sài Gòn, Nha Trang – Sài Gòn).
Phương án trên được thực hiện có sự chuyển tải hành khách giữa ga Sóng Thần và ga Biên Hòa. Hiện ga Biên Hòa đang được tính là ga cuối trên tuyến đường sắt Bắc – Nam sau sự cố cầu Ghềnh.
Đối với hành khách có nhu cầu đổi trả vé, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết sẽ không phải thanh toán phí đổi, trả. Hành khách sử dụng dịch vụ đường sắt trong giai đoạn này cũng không phải chi trả chi phí chuyển tải.
Ông Đoàn Duy Hoạch – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: “Trách nhiệm của ngành đường sắt là đưa hành khách đến ga cuối ghi trên vé, nên hành khách không phải trả chi phí chuyển tải do sự cố cầu Ghềnh”.
Còn đối với vận tải hàng hóa, ngành đường sắt sẽ vận chuyển hàng hóa từ các ga phía Bắc đến ga Bình Thuận và ngược lại. Hàng hóa tại khu vực phía Nam sẽ được tổ chức xếp dỡ tại các ga Long Khánh, Trảng Bom, Hố Nai.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, sau khi cầu Ghềnh bị sà lan đâm sập, hoạt động giao thông đường sắt qua đây đã bị tê liệt hoàn toàn, ảnh hưởng đến việc tổ chức chạy tàu của 13 đôi tàu khách và 7 đôi tàu hàng.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã phong tỏa khu gian và dừng chạy tàu khu gian Biên Hòa – Dĩ An, không để xảy ra thiệt hại về người và phương tiện.
Tính đến sáng nay 21.3, đã có 5.207 hành khách đi trên 21 đoàn tàu được chuyển tải an toàn.