Ảnh hưởng không nhỏ tới thương hiệu của toàn thành phố
Dưới góc nhìn của ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng thì sự việc một nhà hàng bán hộp cơm cho du khách giá 200 ngàn đồng không ảnh hưởng lớn đến hình ảnh du lịch nơi đây.
Ông Vinh cho rằng, sự việc rồi sẽ sớm rơi vào lãng quên do đây là sự vụ nhỏ.
Tuy nhiên, chuyên gia truyền thông, ông Phạm Hùng Thắng (CEO & Founder Học viện Công nghệ và Truyền thông HEADS đồng thời là CEO & Founder Vitot Seafood - Hải sản tươi sống thực phẩm sạch) đánh giá:
“Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nói thế là quá dại, đi sai, đi ngược lại hoàn toàn những gì mà bác Nguyễn Bá Thanh đã xây dựng.
Vì với bác Thanh, dù việc nhỏ bằng con kiến, bác ấy cũng luôn nghe điện thoại và xử lý”.
Với con mắt của một nhà truyền thông, marketing, digital marketing, ông Thắng đã có những nhận định ngược lại hoàn toàn so với nhận xét của giới chức Đà Nẵng về vụ hộp cơm bị “chặt chém” vừa qua.
Ông Thắng cho rằng, Đà Nẵng đã xây dựng thương hiệu mang tính thành phố từ nhiều năm nay và đạt đến tầm cao nên khi có một “hạt sạn” dù là nhỏ cũng ảnh hưởng không nhỏ tới thương hiệu của toàn thành phố.
Ngoài ra, yếu tố quan trọng hơn cả là thương hiệu về con người Đà Nẵng. Nếu như chủ quán bán cơm kia là người gốc Đà Nẵng, chứ không phải dân tỉnh lẻ trà trộn vào, thì “đây là một điều rất nguy hiểm và đáng buồn”.
Ông Phạm Hùng Thắng
“Nếu không ai biết đến, sự việc sẽ dừng lại ở một điểm trừ rất nhỏ, có thể coi là một hạt sạn giữa sa mạc nhưng khi đã được dư luận biết đến nhiều, được lan truyền, được báo chí nhắc liên tục cũng như giới truyền thông quan tâm, đây lại là một việc lớn.
Điều này sẽ có 2 tình huống xảy ra. Thứ nhất, có thể quán đó đang bị “chơi xấu”. Nếu không biết cách “dập” cho khéo thì sẽ là một “sự cố” mạnh hơn nữa.
Lý do tiếp theo có thể vì người dân Đà Nẵng từ nhiều năm nay tin tưởng quá nhiều nên khi xảy ra một “hạt sạn” như vậy thì người ta muốn làm sáng tỏ.
Người lãnh đạo một doanh nghiệp hay một thành phố phải làm sao để giải quyết câu chuyện đó một cách ổn thỏa nhất” – ông Thắng nhấn mạnh.
Ông cũng “mách nước” cách xử lý trong trường hợp này, đó là Đà Nẵng nên tìm căn nguyên, gốc gác của sự cố trên, xem người chủ quán đó có phải là người gốc Đà Nẵng hay không.
Nếu không phải dân Đà Nẵng gốc thì họ dập tắt một cách rất dễ dàng và nhanh chóng.
Nếu thực sự là người Đà Nẵng, giải quyết “khủng hoảng” này cũng không quá khó khăn, người ta có thể đứng lên xin lỗi.
Chính quyền địa phương hay chính quyền thành phố có thể nói rằng, trong một biển người, không thể tránh khỏi một cá nhân hành động đi sai tư tưởng, nền nếp của cả một thành phố đang muốn xây dựng.
Sự cố như vậy giúp Đà Nẵng phát hiện thêm nhiều nhân tố làm ảnh hưởng tới nét đẹp và tiếng tăm của thành phố. Đây cũng là cơ hội để loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh”, Đà Nẵng sẽ khiển trách hoặc có biện pháp xử lý răn đe…
Sau khi xử lý, chính quyền Đà Nẵng nên khuyên nhủ chủ quán đã làm phật lòng khách hàng kia, nhắc họ đứng ra xin lỗi và đền bù khách hàng.
“Lãnh đạo nếu làm được như thế sẽ được lòng nhiều phía. Thứ nhất là được lòng người dân Thành phố Đà Nẵng, được lòng khách du lịch và nhiều địa phương khác.
Bởi lẽ, người ta sẽ nhìn vào cách hành xử của giới chức Đà Nẵng, cách bảo vệ thương hiệu và nhìn vào cả cách mà lãnh đạo Đà Nẵng dù vụ việc nhỏ như con kiến nhưng họ vẫn hành xử rất đẹp.
Hình ảnh Đà Nẵng lúc này sẽ vẫn rất tuyệt vời và lý tưởng và càng tuyệt vời hơn bởi trong cuộc sống người ta có thể biến bất lợi thành có lợi, nhiều thương hiệu trên thế giới đã đổi ngược tình thế, thay đổi nước cờ biến thua thành thắng là vì vậy.
Trong vụ hộp cơm 200.000 đồng này, bất lợi này quá nhỏ và hoàn toàn có thể lợi dụng để trở thành điểm có lợi cho Đà Nẵng” – ông Thắng nhận xét.
Ông Thắng cũng cho rằng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng và Chủ tịch TP nên lên tiếng để "vừa được tiếng tăm, vừa được lợi ích mà còn giữ được hình ảnh của Đà Nẵng.
Đà Nẵng nên học hỏi Singapore trong xử vụ lừa khách Việt mua iPhone 6
Còn nhớ, năm 2014, cửa hàng bán điện thoại ở Sim Lim Square Singapore đã lừa một du khách Việt mua iPhone 6.
Scandal này đã ảnh hưởng tới trung tâm thương mại Sim Lim Square nói riêng và ngành du lịch Singapore nói chung, khiến báo chí và người dân đảo quốc Sư tử hết sức bất bình.
Ngay lập tức, chính quyền Singapore đã xử lý rất nghiêm và rất rắn vụ việc này, làm rõ hành vi lừa đảo và xử tù 4 đối tượng có liên quan.
Đà Nẵng nên xử lý vụ hộp cơm "chặt chém" 200.000 đồng thật nghiêm để lấy lại hình ảnh đẹp cho du lịch Đà Nẵng (Ảnh minh họa: Phương Nhi).
“Khi Singapore xử nghiêm và cả xã hội lên án, tẩy chay rầm rầm, tôi lại thấy Singapore rất đáng yêu. Đà Nẵng nên học và làm theo như thế, sẽ biến được cái "hung" thành ra "cát" trước mặt thiên hạ.
Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin và toàn cầu hóa, những gì mang tính truyền thông và lan truyền thì đều mang một tầm giá trị nhất định.
Đà Nẵng cần hiểu đúng và thận trọng trong xử lý. Nếu bưng bít hay cho qua loa thì tác hại sẽ là khôn lường” – Ông Trần Quốc Hưng, Trưởng phòng du lịch hành hương công ty du lịch Panvin nói.
Theo ông Hưng, trong lúc mọi người đang vất vả thì việc “chém 1 hộp cơm như thế 200.000 đồng là hành xử chợ búa và không bao giờ chấp nhận được”.
Thêm vào đó, dư luận và báo chí muốn TP Đà Nẵng xử lý quán cơm này với mục đích làm gương. Theo luật thì rất khó vì quán cơm đã bán đúng giá niêm yết, nhưng nếu nói “nó không ảnh hưởng đến du lịch hay hình ảnh Đà Nẵng” thì không ổn.
Ông Hưng cho rằng, trăm cái nhỏ sẽ biến thành cái to.
Từ việc nhỏ này sẽ lan truyền ra nhiều việc lớn khác, nếu Đà Nẵng không dàn xếp vụ này êm xuôi thì từ hộp cơm “chặt chém” 200.000 đồng, người ta sẽ “bới bèo ra bọ”, thêm nhiều hình ảnh xấu về Đà Nẵng nữa.
“Có thể, trước đây người ta đã gặp tình trạng tương tự nhưng người ta bỏ qua vì vẫn thấy Đà Nẵng là một hình ảnh đẹp và cách cư xử của con người cũng rất đẹp hay cách lãnh đạo, quản lý rất đẹp.
Nó cũng giống như bài toán của Tân Hiệp Phát vụ con ruồi thôi” – CEO Học viện công nghệ và truyền thông HEADS cho hay.
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia marketing Hoàng Tùng, CEO Pizzahome cũng lưu ý: “Tôi nghĩ rằng, sự việc có thể có ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của Đà Nẵng.
Vấn đề là hướng xử lý của cơ quan có thẩm quyền sao cho các dịch vụ phải được niêm yết với mức giá rõ ràng và minh bạch, tương xứng với chất lượng và dịch vụ.
Một lời cam kết mạnh mẽ cùng với những hành động cụ thể của cơ quan địa phương để làm sao cho những sự việc tương tự không lặp lại nữa sẽ giúp người tiêu dùng cũng như khách du lịch yên tâm sử dụng dịch vụ”.
Ông Hoàng Tùng bày tỏ sự nuối tiếc: “Tôi đã đi du lịch tại Đà Nẵng nhiều lần và đó luôn là những ấn tượng đẹp về vùng đất này.
Tôi hy vọng trường hợp trên chỉ là một sự vụ đơn lẻ.
Nếu chính quyền địa phương có những biện pháp cam kết bảo vệ khách du lịch cũng như có những biệp pháp buộc các cơ sở kinh doanh du lịch niêm yết giá cả mình bạch và rõ ràng đúng với chất lượng sản phẩm thì tôi sẽ vẫn tiếp tục trở lại đây”.
Cũng theo ông Tùng, sự việc xảy ra có một phần lỗi từ người mua hàng khi không khảo giá trước khi quyết định mua hàng. Thêm vào đó, khách cũng phản hồi đến cơ quan có thẩm quyền chậm nên cơ quan thẩm quyền cũng rơi vào thế khó.
Đến giờ, quán đã ngưng kinh doanh nên hướng xử lý là hạn chế.
“Tuy nhiên, trong trường hợp có nghi vấn về sự thiếu minh bạch trong niêm yết giá và cố tình gài bẫy khách hàng, ép buộc khách hàng phải nhận hàng kém chất lượng thì cơ quan có thẩm quyền nên can thiệp để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Trong trường hợp này, tôi không hiểu tại sao một quán ăn bình dân niêm yết mức giá quá cao lại có thể tồn tại và kinh doanh và có khách được!” – ông Tùng thắc mắc.
Trước đó, như chúng tôi đã đưa tin, chị Nguyễn Thị Diệp Thy (khách du lịch TP.HCM) cùng một người bạn đến TP Đà Nẵng du lịch trong dịp Tết Bính Thân 2016.
Chiều tối 10/2, chị Thy cùng bạn vào quán ăn bình dân Đỉnh Khôi (vòng xoay đường Võ Văn Kiệt – Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) mua hai hộp cơm xào hải sản mang về.
Tại đây, quán ăn làm hai hộp cơm rồi giao cho chị Thy.
Tuy nhiên, chị Thy choáng váng khi nhân viên tính tiền và thông báo 2 hộp cơm hải sản có giá 400.000 đồng. Mỗi hộp có giá 200.000 đồng.
Ngày 13/2, quán cơm này đã bất ngờ nghỉ bán sau khi bị Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra.
Theo xác nhận của Đoàn kiểm tra, quán bán đúng giá niêm yết nhưng không xuất hóa đơn khi khách có yêu cầu.