Vụ "con ruồi nửa tỷ": Sao đến giờ anh Minh mới được gặp gia đình?

Hoàng Đan |

Theo các luật sư, khi quá trình điều tra chưa kết thúc thì toàn bộ nội dung liên quan đều là tài liệu bí mật, cho nên cơ quan điều tra không cho thân nhân gặp nghi can.

Không cho gặp là đúng quy định

Liên quan đến vụ chai nước ngọt có ruồi, chị Nguyễn Thị Luyến (vợ anh Võ Văn Minh - người đòi Công ty Tân Hiệp Phát đưa 1 tỉ đồng đổi lấy chai nước ngọt Number One, đang bị tạm giam) cho biết:

Ngày 17/7 chị cùng với con trai và ba mẹ chồng được cơ quan cảnh sát điều tra cho phép vào trại tạm giam Công an tỉnh Tiền Giang thăm chồng là anh Võ Văn Minh.

Trao đổi thêm với chúng tôi, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng Luật sư Interla (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, theo quy định của pháp luật hiện hành thì trong quá trình điều tra, gia đình sẽ không được gặp bị can.

"Theo quy định tố tụng thì khi quá trình điều tra chưa kết thúc, toàn bộ nội dung liên quan đến việc điều tra đều là tài liệu bí mật, cho nên cơ quan điều tra không cho thân nhân gặp nghi can.

Việc cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang không cho gia đình gặp nghi can Minh là đúng các quy định của pháp luật", luật sư Hòe nói.

Cũng theo luật sư Hòe, trong quá trình điều tra, nghi can chỉ được gặp luật sư là người bào chữa và những đối tượng có liên quan đến vụ án mà cơ quan điều tra triệu tập để đối chất.

Sau khi kết thúc điều tra thì cơ quan điều tra có thể cho phép người thân vào trao đổi, thăm nuôi theo định kỳ.

Luật sư Trương Quốc Hòe.
Luật sư Trương Quốc Hòe.

Bên cạnh đó, theo luật sư Hòe, trong trường hợp bị tạm giam, nếu nghi can ốm đau, phải đi cấp cứu hoặc có lý do khác chính đáng, cần kíp thì cơ quan điều tra có thể xem xét cho gia đình gặp nghi can, nhưng phải đảm bảo công tác điều tra.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thạch Thảo, Trưởng VP Luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cũng nhấn mạnh, theo quy định thì trong giai đoạn điều tra, gia đình sẽ không được gặp mặt nghi can.

Khi nào sẽ kết thúc điều tra và đưa anh Minh ra xét xử?

Theo luật sư Trương Quốc Hòe, thời hạn kết thúc điều tra sẽ phụ thuộc vào tính chất của vụ án là ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng.

"Theo quy định của luật, nếu nghi can bị nghi phạm tội ở khung hình phạt nào thì cơ quan điều tra có thể ra lệnh tạm giam ở khung tương ứng.

Ví dụ như khung hình phạt chung thân đến tử hình thì thời hạn tạm giam có thể ở mức 4 tháng, nhưng cơ quan điều tra có quyền gia hạn một lần, tổng cộng là 8 tháng.

Sau khi chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát thì có quyền trả hồ sơ, yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra lại theo thời hạn của Viện...

Như vậy, việc khi nào kết thúc điều tra và đưa anh Minh ra xét xử sẽ phụ thuộc vào quá trình điều tra", vị luật sư này cho hay.

Luật sư Thảo cũng cho rằng, việc bao giờ kết thúc điều tra sẽ phụ thuộc vào tính chất vụ án là đơn giản hay phức tạp.

Cụ thể, thời hạn tạm giam không quá 2 tháng đối với tội ít nghiêm trọng, không quá 3 tháng đối với tội nghiêm trọng và không quá 4 tháng đối với tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

"Ngoài ra, dựa vào vụ án có tính chất phức tạp thì có thể gia hạn để điều tra thêm. Ít nghiêm trọng được gia hạn 1 lần không quá 1 tháng. Nghiêm trọng được tạm giam 2 lần, lần 1 không quá 2 tháng và lần 2 không quá 1 tháng.

Đối với rất nghiêm trọng được gia hạn tạm giam 2 lần, lần 1 không quá 3 tháng và lần 2 không quá 1 tháng. Đặc biệt nghiêm trọng được gia hạn 3 lần, mỗi lần không quá 4 tháng", luật sư Thảo cho biết thêm.

Trước đó, theo chị Luyến, chị được cơ quan điều tra cho thăm anh Minh với lý do có con trai còn nhỏ, gia đình khó khăn.

Trong cuộc gặp gỡ, cả nhà anh Minh đã ôm nhau khóc nức nở. Câu chuyện trao đổi giữa chị và anh Minh chủ yếu là hỏi thăm sức khỏe, động viên nhau.

Ông Võ Văn Kỷ (cha ruột anh Minh) cho biết, từ khi anh Minh bị bắt cho đến nay cuộc sống gia đình gần như bị đảo lộn, gặp nhiều thiếu thốn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại