"Người lĩnh xướng bài ca Đà Nẵng" là tựa sách gồm 24 mẩu chuyện ghi chép của tác giả Đặng Trung Hội - nguyên Trưởng đại diện báo Quân đội Nhân dân khu vực miền trung –Tây Nguyên) viết về cuộc đời ông Nguyễn Bá Thanh.
Đây là cuốn sách đầu tiên viết về ông Nguyễn Bá Thanh sau khi ông qua đời ngày 13.2.2015.
Tác giả Đặng Trung Hội chia sẻ về cơ duyên viết cuốn sách "Người lĩnh xướng bài ca Đà Nẵng"
Nói về cơ duyên viết cuốn sách về ông Nguyễn Bá Thanh, tác giả Đặng Trung Hội nhớ lại:
“Tôi còn nhớ trong một buổi tối cách đây đã khá lâu, đi dự chương trình biểu diễn ra mắt Đoàn ca múa nhạc thành phố. Đến chương trình hát đồng ca, tôi thấy ông Bá Thanh đứng dậy ra hành lang hút thuốc. Tôi cũng đi theo sau, ra ông đưa tôi gói thuốc.
Chợt ông hỏi, ông thích nghe hát đồng ca? Không để tôi trả lời, ông nói ngay, hát đồng ca mình không biết giọng ai hay, ai dở. Tôi bảo, giọng người lĩnh xướng là rõ nhất anh. Ông ừ, giọng người lĩnh xướng là rõ ràng rồi...!
Sau này có mấy chuyện nữa.
Có một ông khách người Hà Nội đánh xe tới văn phòng đại diện báo Quân đội tại miền Trung, ông kể với tôi câu chuyện ngày ông vào Đà Nẵng chạy xe ô tô vào đoạn đường ngược chiều, có ông xe ôm trông dữ dằn chạy rất nhanh, phóng xe đón đầu xe lại.
Ông nghĩ như mấy nơi khác, thấy biển số lạ đón đầu lại để xin đểu, đang định rút máy gọi công an thì bác xe ôm bảo, bác đi sai đường rồi, giờ bác đi đâu tôi chỉ cho, chứ chạy thêm là công an phạt. Bác xe ông dẫn ông đường khác.
Để cảm ơn, ông có biếu bác xe ôm vài chục ngàn đổ xăng, nhưng bác xe ôm không nhận. Ông nói, ông cảm động, không biết sao bác xe ôm lại tốt thế. Ông đi mấy nơi không thấy được…
Bật lên những câu chuyện đó, tôi nghĩ thành phố này như một bài ca đẹp. Tôi nghĩ, nếu ví Đà Nẵng như một dàn đồng ca, thì ông Nguyễn Bá Thanh chính là giọng lĩnh xướng nên bài ca đó. Mặc dù ông đi xa, nhưng điều ông để lại là Đà Nẵng vẫn đi lên.
Giọng âm hưởng của ông vẫn còn, tác động của ông vẫn còn. Đó là lý do tôi đặt tên cuốn sách là “Người lĩnh xướng bài ca Đà Nẵng”.
24 câu chuyện trong cuốn sách là 24 câu chuyện tôi từng chứng kiến, nghe, ghi chép lại trong những năm làm báo, được biết, làm việc cùng ông Nguyễn Bá Thanh.
Câu chuyện đầu tiên là câu chuyện ông Bá Thanh là “kiến trúc sư trưởng” của thành phố, khi ông bắt đầu công cuộc chỉnh trang đô thị thành phố, đến những quyết sách 5 không, 3 có; những chuyến vi hành đến cái phòng vệ sinh của khoa phụ sản bệnh viện, khi thong thả ngồi xích lô rong ruổi phố phường hay khi “lê la” với bà bán ốc vỉa hè.
Cũng từ những chuyến vi hành ấy, ông mới có quyết định chia đôi vỉa hè, nửa dành cho người đi bộ, nửa để mấy người buông thúng, bán bưng có đất sinh nhai…”.
“Tôi viết cuốn sách với một tấm lòng dành cho một một người anh, người bạn rất là quý trọng, với danh nghĩa của một công dân thành phố đang được hưởng lợi từ những công trình, từ cuộc sống an lành, văn minh như bao công dân khác đang làm việc ở Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Bá Thanh không khoảng cách với người dân, sẵn sàng ngồi nhiều giờ liền lắng nghe ý kiến của cử tri về các vấn đề còn bất cập của TP. Đà Nẵng
Ấp ủ ra đời cuốn sách sau 100 ngày mất của ông nhưng không được. Cuốn sách này ra đời gần vào ngày giỗ đầu của ông như một nén nhang tưởng nhớ và tri ân.
Không chỉ riêng tôi, mà người dân Đà Nẵng ai cũng quý mến, tưởng nhớ ông Nguyễn Bá Thanh. Một người lúc đầu khi mới gặp, nhìn gồ ghề, lành lạnh. Ai ngờ, phía sau một sự lạnh lùng, gai góc là một tấm lòng nhân hậu.
Có rất nhiều câu chuyện về ông Nguyễn Bá Thanh nhưng những câu chuyện trong cuốn sách chỉ là một góc rất nhỏ về ông. Để có một cuốn sách đầy đủ về ông Nguyễn Bá Thanh, phải 5 năm, 10 năm sau nữa mới hết” - tác giả Đặng Trung Hội nói thêm.
"Người lĩnh xướng bài ca Đà Nẵng" là cuốn sách được in 1.000 bản, dày 165 trang, do NXB Văn học ấn hành vừa ra mắt vào ngày 27.1 vừa qua.
Cuốn sách gồm 24 câu chuyện kể về cuộc đời và sự nghiệp của ông Nguyễn Bá Thanh từ thời ông Thanh làm Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hòa Nhơn 3, cho đến khi làm Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, rồi Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, Trưởng Ban nội chính Trung ương cho đến khi ông nhắm mắt xuôi tay về với đất mẹ.
Ngoài ra, phần phụ lục còn có 9 bài thơ, bài nhạc viết về ông Nguyễn Bá Thanh; đặc biệt là bài “Thơ gửi ba” của con gái ông viết về ba mình khi ông vừa mất.