"Việt Nam nên cử phóng viên đi cùng các tàu cá ra biển Đông'

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Tổng thư ký Hội nghề cá Việt Nam Trần Cao Mưu cho rằng, Việt Nam nên cử phóng viên đi cùng các tàu cá ra biển Đông để thông tin khách quan, rõ ràng những mưu đồ chiếm lĩnh biển Đông của Trung Quốc...

Việc Trung Quốc huy động 32 tàu cá xuống đánh bắt tại khu vực quần đảo Trường Sa, cùng các thông tin liên quan đến lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc; hoạt động của các tàu hải giám Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, kể cả việc tàu hải giám sử dụng vòi rồng để xua đuổi tàu cá của các nước khác… đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam.  

Trao đổi với PV vào chiều ngày 20/5, ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Trung ương Hội nghề cá Việt Nam, cho rằng: "Việc Trung Quốc huy động 32 tàu cá, bao gồm cả tàu 4.000 tấn... xuống đánh bắt tại khu vực quần đảo Trường Sa là hành động tiếp theo của các hành động năm 2012, khi Trung Quốc cho hàng chục tàu tiến về quần đảo Trường Sa để khai thác cũng như yêu sách “đường lưỡi bò” hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học mà chúng ta và thế giới đã kiên quyết phản đối...

Như vậy, Trung Quốc có kế hoạch hàng năm, đưa các tàu xuống để khai thác tại các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đây là hành động sai trái, ngang ngược và có hệ thống của phía Trung Quốc.

Sâu hơn nữa ở đây là có sự tính toán, mưu đồ của Trung Quốc nhằm từng bước độc chiếm biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam".

Ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam.
Ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam.

Cũng theo ông Mưu, ngoài việc đưa 32 tàu cá đánh bắt trái phép vùng lãnh hải ở các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Trung Quốc còn xâm phạm vào vùng quyền chủ quyền trên biển Đông của Việt Nam.

"Số lượng tàu cá của Trung Quốc xâm phạm vào cùng quyền chủ quyền của Việt Nam trong thời gian qua không chỉ có 32 chiếc này mà còn nhiều hơn thế. Điều này, ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động khai thác hợp pháp của ngư dân ta trên vùng biển thuộc chủ quyền. 

Đặc biệt là từ 12 giờ ngày 16/5/2013 đến 12 giờ ngày 1/8/2013, Trung Quốc còn ra quy định cấm khai thác cá. 

Việc cấm này, ở chủ quyền của Trung Quốc thì đó là quyền của họ, nhưng việc Trung Quốc vẽ đường cấm sâu xuống cả vùng biển Việt Nam là một điều đã vi phạm chủ quyền của chúng ta, mà hơn thế là quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và không phù hợp với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)", ông Mưu nhấn mạnh.

Ông Mưu nói thêm: "Với hành động đưa tàu cá ra Trường Sa để đánh cá và cử phóng viên đi theo để quay phim, chụp ảnh, đưa tin là một bước lấn tới nhằm thể hiện mưu đồ xảo quyệt theo kiểu 'vừa ăn cắp vừa la làng' trong khi tàu cá của họ đang khai thác xâm phạm trái phép vùng biển chủ quyền của Việt Nam nhưng truyền thông lại vẫn lu loa 'bịa đặt' ra việc ngư dân của họ bị tàu nước ngoài đe dọa, quấy rối...".

Từ việc Trung Quốc cử PV đi cùng các tàu cá nhằm mưu đồ  đưa ra những thông tin không chính xác, theo ông Mưu: "Ngoài việc tăng cường các lực lượng cảnh sát biển, hải quân, biên phòng thường xuyên tuần tra, bảo vệ cho ngư dân khai thác hợp pháp, Việt Nam nên cử các phóng viên, truyền hình đi cùng được các tàu cá là tốt nhất để kịp thời đưa tin chính xác, khách quan, rõ ràng, kịp thời lên án, tố cáo và đấu tranh thực sự quyết liệt, với những bằng chứng cụ thể về sự sai trái của Trung Quốc trên phần biển Đông thuộc chủ quyền của chúng ta. Đó là điều cần thiết.

Ngoài sự mềm dẻo, khôn khéo, kiên trì trên mặt trận ngoại giao thì điều mà chúng ta cần là phải thể hiện, khẳng định được là thái độ, sức mạnh, không run sợ trước những hành động bất hợp pháp, xâm phạm của ngoại bang trên phần lãnh thổ, chủ quyền thiêng liêng của dân tộc. 

Thực tế, lịch sử đã cho thấy, chúng ta yêu hoà bình nhưng chúng ta cũng chưa bao giờ khuất phục trước sự xâm phạm lãnh thổ sai trái".

Theo ông Mưu, trong thời gian, Hội nghề cá Việt Nam cũng đã có rất nhiều văn bản gửi đến hội nghề cá các tỉnh nhằm động viên ngư dân hăng hái kiên cường bám biển và đồng thời "xác định nhiệm vụ của mỗi ngư dân là không chỉ bám biển mà còn là một chiến sỹ khẳng định chủ quyền biển, đảo của tổ quốc. Khi có thuyền, có ngư dân của chúng ta khai thác trên vùng biển đó thì chính là sự khẳng định mạnh mẽ nhất là biển của ta đó, đảo của ta đó.

Để mỗi ngư dân khi ra khơi đều xác định rõ ràng, yên tâm hơn việc mình còn là một chiến sỹ nhằm khẳng định chủ quyền biển đảo thì trong thời gian tới cùng với các chính sách đang được thực thi, các cơ quan hoạch định chính sách cần phải có thêm những chính sách thiết thực hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân mạnh mẽ hơn nữa".

Đồng thời với đó, theo ông Mưu, ngoài sự hợp tác của các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN trong việc cùng đàm phán COC để cho ra được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông thì "sau sự hợp tác của các lãnh đạo cấp cao trong việc đưa ra các quy tắc ứng xử chung, ngư dân các nước  ASEAN liên quan trên biển Đông cũng nên có sự hỗ trợ, giúp đỡ, thông cảm lẫn nhau trong việc chống, ngăn cản điều gì đó bất hợp pháp với hoạt động hợp pháp của ngư dân trên vùng lãnh thổ, chủ quyền của quốc gia mình. Tuy nhiên, sự hợp tác đó phải có sự định hướng, chỉ huy từ các cấp lãnh đạo...".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại