Sau khi Tuổi Trẻ ngày 19-10 đăng tin “An ninh hàng không được mang vũ khí lên máy bay” theo quy định mới của nghị định về an ninh hàng không vừa được Chính phủ ban hành, nhiều bạn đọc thắc mắc vì sao có quy định này.
Ông Lại Xuân Thanh, cục trưởng Cục Hàng không VN, cho biết sau vụ đánh bom ngày 11-9, nước Mỹ quyết định thiết lập trở lại lực lượng an ninh trên không có mang vũ khí.
Các nhân viên này không theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) vì các thành viên ICAO thỏa thuận tập trung mọi nguồn lực để ngăn chặn các nguồn vũ khí có thể mang được lên máy bay.
Theo thỏa thuận này, tại các nhà ga sân bay sẽ được thiết lập hệ thống soi chiếu an ninh để chặn mọi nguồn đưa vũ khí lên máy bay.
Quyết định nói trên của Mỹ là vấn đề gây tranh cãi khi cơ quan quản lý hàng không, hãng hàng không lại cho phép đưa vũ khí lên máy bay mặc dù nguồn vũ khí này được kiểm soát bởi người có năng lực.
Trong khi ICAO chưa quyết định chính thức về việc buộc phải có an ninh trên không, thì Mỹ đã buộc các chuyến bay từ nước ngoài vào Mỹ và những chuyến bay do các hãng hàng không của nước này khai thác phải tuân thủ quy định có nhân viên an ninh trên không.
Các quốc gia có chuyến bay vào Mỹ vì thế buộc phải tuân thủ quy định, trong vài trường hợp phải có nhân viên an ninh có mang vũ khí trên chuyến bay nếu không sẽ không được phép vào Mỹ.
Do vậy về nguyên tắc dù chưa có quy định của ICAO, nhưng muốn bay được vào Mỹ thì các hãng hàng không phải có an ninh trên không.
Đây cũng là một trong những quy định trong thỏa thuận giữa Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA) và Cục Hàng không VN liên quan đến việc mở đường bay thẳng từ giữa hai quốc gia mà đến nay vẫn chưa thực hiện được.
* Như vậy các chuyến bay từ Mỹ sang VN lâu nay vẫn có các nhân viên an ninh hàng không mang vũ khí?
- Đúng, FAA phải xin phép VN về việc bố trí an ninh trên không trên các chuyến bay của các hãng hàng không Mỹ bay vào VN và ngược lại.
* Lực lượng này thuộc Bộ Công an hay của lực lượng an ninh hàng không hiện có ở các sân bay, thưa ông?
- An ninh trên không phải là công chức nhà nước, thay mặt Nhà nước thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh an toàn, chống khủng bố.
Để duy trì lực lượng có năng lực, trình độ, kỹ năng... đảm bảo người này có đủ năng lực mang vũ khí lên máy bay an toàn là không dễ dàng.
Vì vậy lực lượng an ninh trên không thuộc tổ chức, biên chế của Bộ Công an. Nhân viên an ninh trên không được trang bị và sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ thích hợp; chịu sự chỉ huy chung của người chỉ huy máy bay.
Khi xảy ra hành vi can thiệp bất hợp pháp trên chuyến bay, nhân viên an ninh trên không hành động theo quy tắc do bộ trưởng Bộ Công an ban hành.
Tất nhiên không phải chuyến bay nào cũng có an ninh trên không vì chỉ có các trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định chuyến bay có khả năng xảy ra hành vi can thiệp bất hợp pháp hoặc theo yêu cầu của quốc gia nơi tàu bay đến mới phải bố trí lực lượng an ninh trên không cho chuyến bay đó...
Sự có mặt của lực lượng an ninh trên các chuyến bay là điều bí mật và không phải bất cứ chuyện rắc rối nào xảy ra trên chuyến bay thì an ninh trên không cũng ra mặt.
Lực lượng này chỉ xuất hiện khi có các hành vi khủng bố, không tặc, bạo loạn... đe dọa an toàn, an ninh, cướp máy bay.
* Liệu giá vé máy bay có tăng để bù đắp cho chi phí nhân viên an ninh đi cùng chuyến bay?
- Nhà nước không có ý định thu phí từ hãng hàng không hay của hành khách để sắp xếp chỗ cho nhân viên an ninh trên không. Đây là nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn hàng không của Nhà nước mà cụ thể là giao cho Bộ Công an thực hiện.
Cấm bay vĩnh viễn hành khách đe dọa an toàn bay
Nghị định mới này còn quy định hành khách gây rối, không thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng; phát ngôn mang tính đe dọa sử dụng bom, mìn, chất nổ, vật liệu nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh học trong khu vực làm thủ tục vận chuyển, khu vực cách ly, sân bay, trên máy bay; cố ý tung tin, cung cấp thông tin sai về việc có bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh hóa học gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hoạt động hàng không dân dụng; sử dụng giấy tờ giả để đi máy bay; có hành vi vi phạm trật tự công cộng, kỷ luật tại cảng hàng không, sân bay, trên máy bay sẽ bị cấm đi máy bay có thời hạn từ 3 đến 12 tháng.
Hành khách chiếm đoạt, gây bạo loạn tại cảng hàng không, sân bay và cơ sở cung cấp dịch vụ điều hành bay, đã bị xử lý nhưng vẫn vi phạm một trong các trường hợp bị cấm đi máy bay trên 12 đến 24 tháng sẽ bị cấm đi máy bay vĩnh viễn. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 27-11.