Vệ sinh an toàn thực phẩm: Cần một cơ quan quản lý độc lập!

Thanh Xuân |

Chưa khi nào, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trở nên nhức nhối như thời điểm này với hàng loạt vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, phun thuốc trừ sâu độc hại cho rau, củ. Làm sao giảm thiểu tình trạng này?

Dân Việt đã trao đổi với ông Nguyễn Tử Cương – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản (Bộ NNPTNT).

ATTP đang là vấn đề được Bộ NNPTNT coi là nhiệm vụ trọng tâm số một của ngành những năm qua và cả thời gian tới. Theo ông, vì sao đến giờ vấn đề này vẫn nhức nhối, chưa giải quyết triệt để được?

- Đúng là vấn đề ATTP hiện còn nhiều tồn tại, từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao mất ATTP.

Bản thân tôi là người từng làm quản lý về lĩnh vực này và có kiến thức, có thực tế, nhưng không phải lúc nào cũng có thời gian để nhận biết và lựa chọn thực phẩm kỹ lưỡng.

Ngoài ra, còn rất nhiều vấn đề mất ATTP phải qua kiểm nghiệm của máy móc mới phát hiện được nên hầu hết người tiêu dùng đành “phó mặc” cho người bán thực phẩm và người sản xuất ra thực phẩm.

Rất nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc mất vệ sinh ATTP nằm ở khâu quản lý của Nhà nước. Theo ông, việc quản lý hiện nay gặp khó khăn gì?

- Đúng là vấn đề quản lý chất lượng ATTP của chúng ta vài năm gần đây suy giảm nhiều so với trước đây.

Bằng chứng là các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa các thông tin, trong quá trình trồng trọt và chăn nuôi, nhiều người sử dụng các chất  cấm, chất gây ngộ độc...

Tôi đồng quan điểm với đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đã phát biểu: “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn đến thế”. Với tình trạng mất ATTP như hiện nay, ý kiến của ông Vinh rất có lý.

Rất nhiều hành động không yêu cầu trong quy trình sản xuất cũng được thực hiện, như phun chất kích thích tăng trưởng cho rau, đưa thuốc diệt cỏ và ủ cho chuối chín đều, cho vàng ô vào chăn nuôi để tạo màu vàng cho da gà, cho salbutamol vào để lợn tạo nạc, tăng trọng nhanh...

Hiện việc quản lý ATTP ở nước ta đang rất chồng chéo khi có tới 3 Bộ: Y tế, NNPTNT, Công Thương cùng kiểm soát. Điều này theo ông có gây lãng phí, chồng chéo không?

- Về mặt pháp lý, hiện chúng ta có Luật ATTP, dưới luật là Nghị định 38 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện luật, mỗi bộ lại có các thông tư hướng dẫn thực hiện.

Tuy nhiên, với mỗi thông tư lại có nội dung và cách viết khác đi, không hề giống nhau.

Chỉ vì “lợi ích nhóm” nên mới dẫn tới chuyện không làm theo luật, khi triển khai có sự chồng chéo, không hiệu quả, khi xảy ra sự cố chẳng ai chịu trách nhiệm.

"Hiện nay, vấn đề quản lý ATTP đang xảy ra tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, ngay như ở mảng nông nghiệp ở các địa phương đang thành lập Chi cục Chăn nuôi - Thú y, một bên chỉ lo nuôi, một bên chỉ lo kiểm soát, nên không có sự thống nhất”.

Ông Nguyễn Tử Cương

Để giải quyết những tồn tại trên, hiện nay, các nước trên thế giới 3 xu hướng khác nhau để giải quyết. Đối với các nước ít sản xuất mà chủ yếu nhập khẩu thực phẩm về sử dụng là chính, họ giao Bộ Y tế quản lý tất cả vấn đề liên quan tới ATTP, như ở Thụy Sĩ, Italia, Mỹ…

Đối với nước sản xuất là chính, ít nhập khẩu, họ giao quản lý ATTP cho Bộ NNPTNT, như Pháp, Canada, Indonesia; Hàn Quốc…

Đối với các nước xuất khẩu và nhập khẩu thực phẩm cân bằng nhau thì họ giao cho một cơ quan trực thuộc Chính phủ chứ không giao cho 3 bộ như nước ta. Cụ thể, Liên minh châu Âu có Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng châu Âu; Trung Quốc cũng thành lập một cơ quan riêng để quản lý ATTP từ năm 2004 đến nay rất hiệu quả.

Như vậy, để quản lý hiệu quả vấn đề ATTP, theo ông chúng ta có cần thành lập một cơ quan như các nước đã làm? 

- Để quản lý ATTP hiệu quả, theo tôi cần thực hiện 3 nội dung cơ bản, trong đó có việc xây dựng bộ tài liệu quốc gia để đào tạo cho người sản xuất, người tiêu dùng thông thái hơn và đặc biệt là đào tạo cho các cán bộ quản lý ATTP.

Các cán bộ làm công tác quản lý trong lĩnh vực ATTP phải học và thi đỗ, được cấp chứng chỉ thì mới được tham gia vào quản lý lĩnh vực ATTP.

Thứ hai đã đến lúc phải xem xét lại Luật ATTP, sửa lại luật chi tiết chứ không phải luật khung như hiện nay để tránh tình trạng khi xuống tới thông tư lại trái luật.

Thứ ba, cần thành lập một cơ quan quản lý về ATTP trực thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm toàn bộ vấn đề ATTP.

Cơ quan này phải được giao quyền kiểm soát ATTP từ trang trại tới bàn ăn, kiểm soát tất cả vấn đề ATTP từ xuất khẩu tới nhập khẩu…

Xin cảm ơn ông!

Tại Mỹ, theo Luật Nông nghiệp do Quốc hội nước này phê chuẩn, việc quản lý ATTP sẽ được chuyển từ Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm (FDA) sang Cục Kiểm dịch, Thanh tra và An toàn thực phẩm (FSIS), thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Còn tại Việt Nam hiện nay, theo Luật ATTP năm 2010, Bộ NNPTNT quản lý từ khâu sản xuất đến chợ/ siêu thị; còn Bộ Y tế quản lý từ chợ/siêu thị đến bàn ăn; Bộ Công Thương quản lý vấn đề ATTP trong quá trình lưu thông.

 

Ông Nguyễn Xuân Hồng – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật  (Bộ NNPTNT):  Cái gì không rõ đã giao Bộ Y tế!

Quản lý ATTP của nước ta hiện nay có 3 bộ quản lý nhưng vẫn nằm trong một Ban chỉ đạo T.Ư do một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban. Nếu giao hẳn cho một bộ quản lý về ATTP là không làm được do đảm bảo ATTP trong sản xuất là Bộ NNPTNT quản lý giai đoạn hướng dẫn sản xuất; chỉ tiêu như thế nào là ATTP thì phải do Bộ Y tế đưa ra, và Bộ Công Thương quản lý quá trình chế biến.

Tất cả các lĩnh vực đã được phân chia rất cụ thể cho các bộ ngành, riêng cái gì mà không rõ ràng giữa các bộ thì hiện nay được giao lại cho Bộ Y tế quản lý.

TS Trần Duy Khanh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam : Có sự đùn đẩy trách nhiệm

Không chỉ có quản lý chất cấm trong chăn nuôi, mà thực sự là cả vấn đề ATTP và nhiều lĩnh vực khác ở nước ta cũng đang quá chồng chéo và có sự đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. 

Do có quá nhiều cơ quan quản lý nên mới xảy ra một thực trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, không có một đơn vị chỉ huy chung, giống như đá bóng, mỗi ông đá một góc, lúc thủng lưới chẳng ai chịu trách nhiệm.

Hậu quả cuối cùng chính là người dân, người tiêu dùng phải gánh chịu. Cá nhân tôi nghĩ là chắc chắn phải có cơ quan quản lý thực phẩm, nhưng thành lập một bộ riêng thì không nên mà cần có một ban nằm trong một bộ nào đó, được điều hành chung và thực sự có hiệu lực. Nếu để xảy ra sự cố thì ông trưởng ban đó phải chịu trách nhiệm còn như hiện tại do có quá nhiều bộ ngành nên có hiện tượng phó mặc, buông lỏng...

Phương Vy (ghi)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại