Đó là nhận xét của Phó GS. BS Lê Hành, Chủ tịch Hội Phẫu Thuật thẩm Mỹ TP.HCM, Giám đốc Viện Thẩm Mỹ Lê Hành về nhiều bệnh nhân mà ông đã gặp.
Bác sĩ Việt hiểu hơn về sắc đẹp Á đông
Chị Lê Kiều Trang, 39 tuổi, Việt kiều Nga là một trong những trường hợp như thế.
Chị Trang qua Nga từ năm 2005. Suốt 9 năm làm lụng vất vả nơi xứ người, đây là lần đầu tiên chị Trang về nước.
“Do hoàn cảnh kinh tế, mải làm ăn, tới bây giờ mình mới tạo dựng được chỗ đứng cứng cáp. 9 năm trời xa quê, tất nhiên ai chẳng muốn cha mẹ, anh chị em thấy mình thành đạt, đẹp đẽ trong lần trở về.
Bên đó bận bịu, chẳng có thời gian đã đành, nay một công đôi việc, xuống sân bay mình tới thẳng viện thẩm mỹ để nâng mũi, sửa sang lại cho đẹp hơn. Mình đẹp cha mẹ nhìn thấy yên tâm, tự hào, nở mày nở mặt với bà con làng xóm”, chị Trang tâm sự.
Ngoài chị Trang, Việt kiều Mỹ tên Lê Thị Nhâm, 43 tuổi vừa về tới Việt Nam cũng lập tức tới thẳng viện thẩm mỹ "tút" lại nhan sắc.
Chị Nhâm đã nâng mũi ở bên Mỹ nhưng sau khi hoàn tất lại thấy “chiếc mũi mới” có vẻ không phù hợp với gương mặt của mình.
Từ đó, bác sĩ Hành chia sẻ: “Nhiều trường hợp khách hàng không hài lòng với kích cỡ túi ngực, hoặc hình dáng chiếc mũi sau khi phẫu thuật tại nước ngoài, phải về Việt Nam sửa lại. Tôi nghĩ rằng chúng tôi hiểu rõ hơn ai hết hình thái và cơ thể học của người Việt để tạo ra được những sản phẩm đẹp phù hợp với người Việt”.
Việt kiều và người nước ngoài về Việt Nam phẫu thuật thẩm mỹ rất đa dạng, thông thường nhiều nhất vẫn là đặt túi ngực, căng da mặt, làm trẻ hóa vùng mặt và hút mỡ.
Tay nghề cao, giá thành rẻ
Với nhiều năm công tác ở vị trí quản lý cũng như hoạt động chuyên môn trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ, bác sĩ Hành cho rằng lĩnh vực này của ta khá phát triển, tay nghề bác sĩ cao chứ không như thời gian gần đây bị mọi người đánh giá.
Nói về tay nghề bác sĩ thẩm mỹ tại Việt Nam đã được khẳng định bởi giới chuyên môn trong và ngoài nước.
Điều đó có thể thấy từ sau Hội nghị quốc tế về phẫu thuật thẩm mỹ lần đầu tiên tổ chức tại TP.HCM (tháng 8/2004) với sự tham dự của nhiều giáo sư, bác sĩ nổi tiếng trên thế giới như Melvin Shiffman (Mỹ), GS Pierre Fournier (Pháp)…, từ đó ngày càng có nhiều đoàn bác sĩ từ các nước đến Việt Nam để trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ.
Ngoài ra, các bác sĩ trong nước thường xuyên ra nước ngoài tu nghiệp và học hỏi tay nghề cũng như những phương pháp phẫu thuật hiện đại nhất để áp dụng cho bệnh nhân của mình.
Và ngay bản thân bác sĩ Hành, thời gian qua cũng thường xuyên đại diện cho Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TPHCM được mời tham gia giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm tại các hội thảo lớn trên thế giới và trong khu vực.
Song song với tay nghề, các cơ sở thẩm mỹ chính thống trong nước cũng không ngừng phát triển để đáp ứng đủ tiêu chuẩn của Bộ Y tế và nhu cầu đa dạng hóa của bệnh nhân.
Những cơ sở, bệnh viện thẩm mỹ tư nhân của ta cũng có cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế không thua kém gì những bệnh viện thẩm mỹ hàng đầu ở Mỹ, Hàn Quốc, Pháp… và giá lại thấp hơn từ 10% - 50%.
Tiếng xấu vì một số bác sĩ “đi ngang về tắt”
Thời gian gần đây, những vụ tai nạn nghề nghiệp trong ngành giải phẫu thẩm mỹ làm người dân có cái nhìn tiêu cực. Điều này ảnh hưởng xấu đến uy tín của các bác sĩ trong lĩnh vực thẩm mỹ tại Việt Nam.
Có bác sĩ rất giỏi, được đào tạo bài bản nhưng cũng có không ít người “đi ngang về tắt”. Đương nhiên, không hiếm bác sĩ coi trọng chuyện kiếm tiền hơn là tính thẩm mỹ và sự an toàn cho khách hàng.
Do đó bác sĩ Hành lưu ý người dân hãy bảo vệ mình bằng cách tìm đến những cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ uy tín. Một bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ giỏi phải có kiến thức y khoa cơ bản vững chắc, được đào tạo về thanh trùng, ngoại khoa.
“Vấn đề của chúng ta là đội ngũ bác sĩ của ngành giải phẫu thẩm mỹ hiện nay đến từ nhiều nguồn. Bác sĩ đa khoa, nhi khoa đến cả bác sĩ... vệ sinh dịch tễ cũng nhảy sang giải phẫu thẩm mỹ”, bác sĩ Hành nói.
Để tránh chảy máu ngoại tệ trong lĩnh vực giải phẫu thẩm mỹ, với cương vị là một Chủ tịch Hiệp hội Phẫu thuật thẩm mỹ Việt Nam, bác sĩ Lê Hành và các thành viên trong Hội đã và đang lên kế hoạch tổ chức ngày càng nhiều hơn những cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và tay nghề giữa các bác sĩ trong nước cũng như là giữa Việt Nam với quốc tế, tạo cơ hội cho bác sĩ Việt Nam khẳng định tên tuổi, nâng cao tay nghề của mình cả trong và ngoài nước.
Bác sĩ Lê Hành dẫn chứng một điều mà rất ít người biết, rằng trước năm 1975 ngành giải phẫu thẩm mỹ của ta phát triển ở mức khá hơn cả Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia... và chỉ thua Nhật Bản, thu hút được nhiều khách ở các quốc gia. Tuy nhiên giải phẫu thẩm mỹ lúc đó làm còn lẻ tẻ, chủ yếu là tự học tự đào tạo, chưa có hội đoàn nghề nghiệp.
Chỉ từ những năm 2000, nhu cầu phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ tăng rất mạnh, một số bệnh viện công lập đã nhanh nhạy thành lập khoa phẫu thuật thẩm mỹ như Chợ Rẫy, Trưng Vương... Sau đó là sự ra đời của hàng loạt bệnh viện, phòng khám chuyên khoa giải phẫu thẩm mỹ tư nhân khác.
Nay thì ngay cả một bệnh viện quận như Bệnh viện Phú Nhuận cũng có khoa giải phẫu thẩm mỹ.