Vay nợ 100 triệu, người mẹ nghèo bốn lần đưa con đi thi đại học

Đình Phong |

(Soha.vn) - Đã 4 lần đưa ba đứa con đi thi đại học nhưng cô Dinh (49 tuổi) vẫn có tâm trạng hồi hộp khi con vào phòng thi. Để con thực hiện ước mơ, nuôi con ăn học thành phố, người mẹ nghèo đã làm mướn khắp nơi, vay hơn 100 triệu.

Làm thuê, làm mướn nuôi 2 con học đại học

Đó là cô Dinh (ở Đục Khê, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Mặc dù đã 49 tuổi nhưng cô vẫn đồng hành với cậu con trai thứ 3 lên Hà Nội thi đại học. Lần thứ 4 đưa con đi thi, cô lại phải bán thóc, vay lãi suất để có tiền lo cho con thực hiện ước mơ đỗ đại học.

Cô Dinh cười hạnh phúc khi nhắc đến những lần đưa con đi thi đại học.

Cô Dinh cười hạnh phúc khi nhắc đến những lần đưa con đi thi đại học.

Nhắc đến những lần đưa con đi thi đại học, cô Dinh tươi cười, những nếp nhăn xô lại hằn rõ trên khuôn mặt khắc khổ, đen sạm của cô. Cô kể rằng, hai năm cô đưa đứa con gái đầu (SN 1991) dự thi khối A, ĐH Kinh tế được 22.5 điểm nhưng không đỗ và giờ đang học năm cuối ĐH Mở Hà Nội; năm ngoái cô đưa con trai thứ hai (SN 1993) lên Hà Nội thi ĐH Công nghiệp nhưng không đỗ nên đang học ĐH Nông nghiệp.

Năm nay, cô Dinh tiếp tục đồng hành cùng cậu con trai thứ 3 tên Bùi Văn Quyền, học chuyên Hóa, Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Đông dự thi vào Trường ĐH Kinh tế (khối A) và Trường ĐH Khoa học tự nhiên (khối B).

“Mặc dù cháu học chắc lại học chuyên Hóa nhưng cô vẫn lo lắm, sợ năm nay lấy điểm cao, nó bảo Lý khối A không làm được mấy. 4 lần đưa con đi thi nhưng lần nào cũng hồi hộp như lần nào hết. Tâm trạng lo lắng, cũng chỉ mong con làm bài tốt, tinh thần thoải mái là mình yên tâm”, cô Dinh tâm sự.

Trò chuyện với cô, được biết, gia đình cô trông chờ vào hơn hai sào ruộng ở quê. Chẳng thể đủ ăn nên vợ chồng cô kiếm thêm thu nhập bằng việc đi làm thuê trong thôn, trong xã, bán rau cỏ…

Không có công việc ổn định, gia đình gặp nhiều khó khăn, chỉ được mấy ngày tháng Giêng, vào dịp lễ hội ở chùa Hương, hai vợ chồng cô tranh thủ chèo thuyền thuê ở bến Đục để kiếm thêm thu nhập cho con ăn học trên Hà Nội.

“Ai thuê gì làm nấy, người ta thuê cấy, gặt thì mình làm. Nếu không phải mùa màng thì đi đổ bún bán được dăm ba chục mỗi ngày. Tiền chở khách lễ hội chùa Hương chẳng được bao nhiêu, hôm nào đông khách thì vài trăm, có hôm không mời được khách, về tay không. Nếu chở thuê được 100 – 150 nghìn đồng/chuyến, còn may mắn đi mời khách thì được 30 nghìn đồng/người”, cô Dinh cho biết.

Làm lụng vất vả, cấy hái thuê không đủ nuôi con học đại học, cô Dinh phải vay tiền với lãi suất cao để có tiền mỗi tháng cho 3 đứa con mỗi người hơn 1 triệu đồng để vừa chi tiêu ăn uống, thuê trọ trên thành phố.

“Làm gì có thu nhập cố định hả cháu, ngày đi chợ được dăm ba chục thôi. Không có việc cố định mệt lắm, ở tuổi này của cô có đi làm thuê cũng không ai mướn. Xã cho nhà cô hộ nghèo được 1 năm thì cắt bỏ, giờ vẫn đi vay nợ mà không biết bao giờ mới trả hết”, cô Dinh mắt đỏ hoe xúc động nói.

Mong con có công việc ổn định

Nuôi ba người con học trên thành phố, mỗi tháng người mẹ nghèo chu cấp cho mỗi con 1,2 – 1,5 triệu/ tháng. Nhiều lần, con gái về xin tiền tháng, cô lại lặng lẽ giấu con đi vay tiền hay bán hơn 2 tạ lúa lấy tiền đưa cho con.

Nuốt nước mắt vào trong, cô chia sẻ: “Nhiều lần chúng nó về nói rằng mẹ cứ lo cho con học hành, bố mẹ không có tiền thi vay cho chúng con đi học, ra trường chúng con sẽ bươn chải để trả nợ. Một lần chúng nó khóc bảo rằng: lúc chúng con thành đạt mà không có bố mẹ thì chẳng còn ý nghĩa gì nữa”.

Đợi ở cổng trường không thấy con ra, cô sốt ruột đứng lên ngồi xuống mắt hướng về phía cổng trường ĐH Tự nhiên.

Đợi ở cổng trường không thấy con ra, cô sốt ruột đứng lên ngồi xuống mắt hướng về phía cổng trường ĐH Tự nhiên.

Lần này đưa con đi thi hai khối A, B, cô phải vay 5 triệu đồng lo chi phí trên này. Cô bày tỏ, đã 4 lần đưa con đi thi đại học, điều quan trọng là cần phải bình tĩnh hơn con để động viên con làm bài tốt.

“Đưa con đi thi hy vọng con đỗ được trường con ưng ý. Quan trọng là con mình sau này có công ăn việc làm ổn định, làm cha làm mẹ cảm thấy toại nguyện. Bố mẹ sinh ra con thì phải có trách nhiệm lo cho con. Nên vợ chồng tôi cứ chạy vạy, lo cho từng đứa, lúc nào tôi cũng động viên chúng mình là con nhà nông, bố mẹ ba đời làm ruộng, phải cố gắng để sau này đỡ khổ. Dù phải đi vay nợ, làm thuê làm mướn cũng cho chúng học đại học để đỡ khổ về sau”, cô Dinh nói.

Vừa dứt lời, cô lau vội nước mắt rồi đứng dậy ra cổng trường ngóng con khi tiếng trống báo hiệu hết giờ làm bài.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại