Trong chuyến công tác về thôn Quế ở xã Trà Bùi, huyện vùng cao Trà Bồng, chúng tôi nghe người dân rủ nhau vào núi Cà Đam để “săn” cỏ nhung- một loại cỏ có giá cả triệu đồng 1 ký và xem đây là nghề kiếm cơm hằng ngày của họ.
“Người dân chúng tôi đi tìm nhổ cỏ nhung từ hơn 1 năm nay rồi, kiếm được bao nhiêu thương lái ở dưới xuôi lên cũng mua, không biết họ mua làm gì?
Nhưng thấy họ mua với giá cao nên bà con chúng tôi lặn lội vào rừng tìm, chỉ biết có nó là có tiền nên đi nhổ mang về bán để có thêm thu nhập”- ông Hồ Quang Trường (65 tuổi) ở thôn Quế, xã Trà Bùi thật thà cho biết.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, cây cỏ nhung mà người dân địa phương ở đây săn tìm còn có nhiều tên gọi khác như: Kim cương, kim tuyến, kim tuyến liên, mộc sơn thạch tùng, thạch tằm, lan gấm…
Đây là một loại cỏ thân mềm, cao khoảng 20cm, lá có màu xanh tía hoặc xanh nhạt, trên lá có đường gân trong óng ánh. Cỏ nhung thường mọc nơi có độ ẩm, nhất là dọc theo các con suối hoặc ở hốc đá, dưới tán rừng kín thường xanh ẩm…
Điều đặc biệt, với đặc tính sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm, chịu được thời tiết có sương mù dài ngày nên cỏ nhung mọc nhiều ở khu vực núi Cà Đam. Trước đây loại cỏ này mọc nhiều trên núi, người dân không buồn nhổ.
Tuy nhiên, từ khi thương lái đặt mua với giá cao nên không chỉ riêng người dân sống ở khu vực xung quanh núi Cà Đam mà ở các địa phương lân cận khác cũng tranh thủ băng rừng, lội suối lên núi Cà Đam để tìm về bán cho thương lái.
Ông Hồ Văn Hùng ở thôn Quế, xã Trà Bùi cho hay: Giá cao, thương lái lại vào tận nơi để thu mua, đặt hàng trước người dân nên sau một ngày vào rừng, mỗi người chỉ cần kiếm được 3-4 lạng cỏ nhung là đã có trong tay 300- 400 nghìn đồng.
Thậm chí có người “trúng mánh” thu nhập cả tiền triệu. Với bà con ở miền núi thì đây là số tiền không hề nhỏ so với nhu nhập hằng ngày từ tiền công đi làm thuê.
Song, trước mức thu nhập hấp dẫn từ cây cỏ này, kéo theo số lượng người vào rừng truy tìm ngày càng nhiều khiến cho cỏ nhung ngày càng khó kiếm.
Ban đầu là khai thác điểm gần, dần dà người dân cứ leo cao dần, ngày sau lại đi xa hơn ngày trước. Không ít trường hợp người dân trở về tay trắng sau một ngày lặn lội trong rừng.
“Ngày trước cỏ nhung ở núi Cà Đam nhiều lắm, mỗi ngày vợ chồng mình vào rừng kiếm được vài lạng hay cả ký là chuyện bình thường.
Nhưng giờ hiếm rồi, kiếm khó lắm, để tìm được cỏ nhung, phải đi tận vào rừng sâu, núi cao, người may mắn lắm thì cũng chỉ kiếm được 1-2 lạng/ngày thôi”- bà Hồ Thị Xinh cho biết.
Thế nhưng, dù cỏ nhung ngày càng ít đi và khó kiếm nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, người vào rừng săn tìm vẫn không ít đi .
Bởi thu nhập vượt xa những mặt hàng nông sản mà người dân trồng được, khiến làn sóng người dân đổ xô vào rừng tìm vận may từ cỏ nhung là chuyện không hiếm.
Cùng chung số phận với nhiều loại thảo dược khác, cỏ nhung có nguy cơ bị tận diệt, nếu khai thác quá mức.
Có thể nói, cùng chung số phận với nhiều loại thảo dược khác như rễ mật nhân, cà gai dây leo, sâm 7 lá…cỏ nhung sau khi được thương lái thu mua thì đã người dân ráo riết săn tìm về bán mà không hề biết công dụng thật sự của loại cỏ này và bán đi đâu, khiến cho loại cỏ này có nguy cơ bị tận diệt.
Tìm hiểu về công dụng của cỏ nhung cho thấy, theo Đông y, cỏ nhung là một loại thảo dược có vị ngọt, hơi chát, tính mát, có tác dụng chữa các bệnh thần kinh suy nhược, ho khan, đau họng, tăng huyết áp, suy thận; chữa di tinh, đau lưng, phong thấp, làm tiêu đờm, giải độc, giải nhiệt, viêm khí quản, viêm gan mạn tính, an thần, nhuận phế (mát phổi) và tăng cường sức khỏe, giúp khí huyết lưu thông.
Thiết nghĩ, nếu các cấp, ngành, địa phương không có biện pháp ngăn chặn kịp thời; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ các loại thảo dược quý và có hướng bảo vệ loại cỏ nhung nói riêng và các loại thảo dược khác nói chung, thì trong tương lai không xa, các loại thảo dược này sẽ có nguy cơ biến mất.