Bộ GTVT giao Vụ Vận tải và Tổng cục Đường bộ sửa đổi Thông tư số 63, đồng thời nghiên cứu bỏ quy định chấp thuận tuyến.
Có hay không việc chạy “lốt”
Theo Công văn 074 của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (HHVT), các DN, HTX vận tải của các tỉnh phía bắc có nhu cầu đầu tư phương tiện vận chuyển hành khách trên các tuyến cố định về Hà Nội đang gặp khó khăn do bến xe Mỹ Đình đang là 1 trong 3 bến xe không được phép tăng xe.
Với các bến xe còn có thể tiếp nhận được xe như Gia Lâm, Yên Nghĩa và Nước Ngầm, xe của các tỉnh trên không thể vào được vì bến Gia Lâm chỉ tiếp nhận xe đi từ QL1, QL1B tuyến Lạng Sơn - Thái Nguyên; bến Yên Nghĩa chỉ tiếp nhận xe đi từ đường Hồ Chí Minh, QL6 và bến xe Nước Ngầm chỉ tiếp nhận xe đi từ QL1, đường Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ GTVT phải thống nhất với UBND TP. Hà Nội về việc điều chỉnh quy hoạch và xác định các tuyến đi và đến các bến xe trên địa bàn.
Đồng thời thực hiện ngay việc điều chuyển các tuyến không đúng hướng tuyến theo lộ trình hợp lý để lập lại trật tự vận tải.
Trước những bất cập đó, tại cuộc họp với HHVT mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Vụ Vận tải và Tổng cục Đường bộ sửa đổi Thông tư 63 trong đó có nội dung nghiên cứu bỏ quy định chấp thuận tuyến.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng chỉ rõ, việc cước phí vận tải khách cao do các DN đang phải “cõng” rất nhiều loại phí và rất bức xúc việc quy định chấp thuận vào tuyến.
Do vậy cần phải sửa đổi thông tư cho hợp lý để đảm bảo quyền lợi cho DN vận tải và người dân. Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định việc quyết định bỏ việc chấp thuận tuyến và chịu trách nhiệm.
“Nếu tôi nói sai thì ông phải tham mưu, tại sao không làm được? Các ông chỉ thích xin - cho. Có người nói với tôi, xin một “lốt xe” vào bến Mỹ Đình mất đến 500 - 600 triệu đồng”.
Sau phát ngôn này của ông Thăng, ngày 16.10, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện gửi văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cung cấp thông tin cụ thể về việc tiêu cực để chạy “lốt” vào bến xe Mỹ Đình để kiểm tra, xác minh báo cáo UBND TP. Hà Nội và Bộ GTVT xử lý.
Bến xe không có thẩm quyền ký hợp đồng
Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, hiện giao thông của thành phố đang kết nối với 42 tỉnh, thành phố trên cả nước với 540 tuyến vận tải của 404 đơn vị vận tải.
Khối lượng vận chuyển hằng năm đạt trên 61 triệu lượt hành khách.
Riêng tại bến xe Mỹ Đình, nhiều năm qua UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo Sở GTVT và TCty Vận tải Hà Nội, Cty CP Bến xe Hà Nội không bổ sung tăng tần suất hoạt động của các tuyến vận tải khách liên tỉnh đi và đến bến xe Mỹ Đình.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, Phó Giám đốc bến xe Mỹ Đình Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, chức năng nhiệm vụ của bến là quản lý điều hành phương tiện ra vào bến, phục vụ hành khác tốt nhất còn việc ký kết hợp đồng luồng tuyến với các chủ phương tiện là Cty CP vận tải bến xe Hà Nội thuộc Sở GTVT TP. Hà Nội.
Mặt khác, 2 năm nay, bến xe Mỹ Đình không tiếp nhận thêm phương tiện.
“Để một xe được phép vào bến khai thác phải qua rất nhiều khâu và đầu tiên là phải được phép của Sở GTVT hai đầu đi và đến. Do vậy, không có chuyện chạy lốt trắng trợn và công khai như vậy.
Chỉ có thể là các nhà xe sau khi có lốt tại bến làm ăn không hiệu quả đã sang nhượng lại cho nhau” - ông Tuấn cho biết thêm.