Cái mặc định đầu tiên chẳng thể nào bác bỏ được là bất kì ai, già hay trẻ, nam hay nữ; đã tìm đến cổng đền, chùa, tất thảy đều biết "sợ" một điều gì đó, tuy không xác định được rõ ràng theo cái “nguyên tắc” tối giản do cha ông truyền lại, có thờ có thiêng, có kiêng, có lành.
Thật là "tai họa" nếu con người sống mà không hề sợ bất cứ điều gì.
Nếu đúng thế, những người đó dám bất chấp tất cả, kể cả việc hủy hoại cả nhân tính để cướp bóc, vơ vét; sẵn sàng đặt sự ích kỉ lên trên mọi giá trị, kể cả sự đồng cảm đối với những thân phận nghèo hèn.
“Sợ” ở đây nó mênh mông như cái cụm từ “đèn giời soi xét” từ niềm tin rằng chẳng có gì qua khỏi cặp mắt “thẩm định” của thần linh.
Albert Einstein (1879-1955) đã rất có lý khi nói rằng, ông tin vào Chúa, nếu không có Chúa thì chẳng mất gì; còn nếu có, thì “lợi” rất nhiều.
Lợi ở đây, theo hàm ý của Einstein là nhờ có Đức tin ấy mà con người sẽ trở nên tốt hơn; hay nói một cách chính xác là bớt xấu hơn...
Người viết bài này chẳng bao giờ xin xăm, chẳng bao giờ cúng lễ, viết sớ để cầu tài lộc, diệt trừ tai họa, giải hạn nhưng hơn chục năm nay, năm nào cũng thế, cứ mồng 2 tết là cùng mấy đứa em “tháp tùng” mẹ già đi lễ đền, chùa.
Mẹ vui là Tết vui; vả lại, ngày thường làm gì có chuyện cả mấy anh em bỏ công việc để đưa mẹ đi đây, đi đó? Trong những lần đi như thế, tôi đã tập cách quan sát hàng ngàn, hàng vạn người khác nhau.
Chẳng ai giống nhau về ăn mặc, mâm lễ, cung cách khấn vái; thế nhưng, điều lạ kỳ là thấy tất cả đều có một điểm chung: Ai cũng toát lên vẻ từ tâm, thiện căn mà ngày thường bị sự đua chen, bức bách đời thường đẩy lùi hoặc xóa mờ đi.
Chỉ chừng ấy thôi, có lẽ cũng là đủ đầy khi nói rằng đi lễ đền, chùa ngày tết là một nét văn hóa thật đẹp, thật nên.
Đừng nặng lời với việc cầu tài, lộc (nhờ vả thần linh) bởi chẳng ai muốn mãi nghèo hèn; thậm chí, nếu nói rằng nhờ vả hay dựa dẫm là một thói xấu thì ai dám khẳng định rằng trong cuộc sống, chưa một lần cậy nhờ ai đó, chuyện gì đó?
Tuy nhiên, bên cạnh cái nét văn hóa của từ tâm, thiện tính thì việc cúng bái, đốt vô số hàng mã, được dùng với mỹ từ "hóa vàng" quả là thảm họa.
Người ta đốt cả “xe hơi”, “nhà lầu”, “ngựa”, đủ các loại “tiền” – tất nhiên là đồ giả, với mong muốn “cung cấp cho thần linh (người âm)” mọi thứ vật dụng cao sang, quả là điều khó chấp nhận.
Cái bi hài nhất là những tờ sớ bằng chữ Nho mà cả người cho (viết) lẫn người xin, chẳng ai biết ai đúng, ai sai(!) Người viết có sai thì người xin cũng chịu; hơn nữa, chắc gì người ở cõi âm đọc được thứ chữ chỉ có khoảng một phần vạn dân số là có biết?
Tết năm nay, người viết bài này đến cả Đền Củi (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) và Đền Ông Hoàng Mười (Vinh, Nghệ An) ngày mồng 2 Tết, thấy cơ man người là người.
Mũ, áo, ngựa giấy nhiều không thể kể hết. Được biết, giá mỗi chú ngựa để giải hạn, loại nhỏ ít nhất 300 ngàn đồng, loại lớn, không dưới 500 ngàn đồng – giá cả còn tùy cái nỗi “xem mặt bắt... giá”.
Mỗi ngày, cả trăm con ngựa giấy, chưa kể mũ, áo, giường, nệm (bằng giấy) các loại được hóa vàng!
Cũng được biết rằng một số địa phương (như Đà Nẵng) đã cấm chuyện đốt giấy, rải “tiền” khi đưa tang; vậy, tại sao những địa phương khác lại khuyến khích?
Ước tính, mỗi ngày, mỗi ngôi đền như Đền Củi, số lượng hóa vàng, lễ vật không dưới vài trăm triệu; phí thu mỗi đầu xe con vào cổng là 30.000 đồng – tính gộp các khoản thu, quả là nhiều vô kể...
Phải chăng, đã đến lúc cần phải có một quy định thống nhất trên cả nước về việc... hóa vàng?
Tại sao cả nước có quy định thống nhất về làng văn hóa, nông thôn mới; nhưng việc đốt đồ hàng mã thì không? Ai mạnh nấy làm, nơi nào “thiêng” cứ việc tùy nghi... áp dụng.
Chắc chắn rằng rất nhiều địa phương, vô số đền, miếu đang “mở cửa” cho nạn đốt... "tiền thật"! Chưa có thống kê nhưng có lẽ, con số đốt giấy hàng mã – tức tre, nứa, gỗ để làm giấy, không ít hơn hàng trăm tỷ đồng.
Có thể biện minh là hàng vạn lao động sống nhờ vào nền “công nghiệp hàng mã”; nhưng thử hỏi, hàng trăm tỷ đồng đốt cho thành khói bụi để cầu vinh, chờ lộc có thật là điều nên?
Huế, 12.2.2016