- Phần trước ông có đề cập đến hệ thống giao thông công cộng trong việc chống ùn tắc giao thông Hà Nội. Vậy theo ông, hệ thống giao thông công cộng ở Hà Nội hiện nay, chủ yếu là xe buýt, đã đáp ứng được yêu cầu chưa?
Ts. Nguyễn Xuân Thủy: Bây giờ chỉ cần so sánh với một thành phố trung bình như Braha của Tiệp Khắc, người ta có hàng nghìn xe buýt và hàng trăm km tàu điện ngầm, hàng trăm km tàu điện và một hệ thống ô tô điện.
Như vậy người ta có năng lực gấp 5-7 mình. Mình chỉ có 1000 xe buýt ăn thua gì!
Theo tôi, Hà Nội muốn đảm bảo được 30-40% người dân đi xe công cộng thì ít nhất phải có 15-20.000 xe buýt. TPHCM cũng phải có từ 20-25.000 xe buýt. Thế nhưng, nếu xe buýt nhiều như vậy thì làm gì có đường mà đi nữa.
Do vậy, chúng ta phải đi trên đi dưới. Phải đi tàu điện ngầm, phải đi trên cao để tận dụng không gian đô thị.
Còn 1.000 xe buýt mỗi năm chỉ đáp ứng 8-10% nhu cầu đi lại, vậy còn 90% còn lại người ta đi lại bằng gì, do đó, buộc phải mua ô tô, xe máy để đi. Do đó, ùn tắc càng bức xúc, áp lực.
Người ta hay nói bây giờ phải đầu tư hạ tầng trước. Tuy nhiên, phải cân đối có bao nhiêu tiền để tính toán xem cái nào nên đầu tư trước, cái nào đầu tư sau mới là cái giỏi của ngành giao thông.
Nếu Bộ trưởng Bộ GTVT giỏi thì phải có đầu tư chiến lược, có tầm nhìn xa. Phải đầu tư cho hạ tầng giao thông đô thị trước, bớt những cảng biển.
Theo báo cáo, các cảng biển hiện nay chỉ tận dụng được 20-30% công suất thế thì số tiền hàng nghìn tỷ đầu tư cho cảng biển làm gì?Cả nước hiện có hơn 250 cảng biển, có hàng trăm sân bay…
Ts. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông.
Là một người làm trong ngành giao thông lâu tôi nhìn thấy việc đầu tư cho hạ tầng giao thông hiện nay không hợp lý, hiệu suất đầu tư thấp vì cái đáng đầu tư không đầu tư.
Cái đáng đầu tư trước là đô thị thì chúng ta lại không đầu tư mà đô thị là nơi tạo ra cho đất nước khoảng 30-40% GDP nhưng chúng ta đầu tư cho quá ít thì ùn tắc thôi.
Chúng ta quản lý trời, quản lý đất, kể cả nhà quản lý giỏi nhất nếu không giải quyết được bài toán, nếu hạ tầng và giao thông công cộng không được đầu tư thỏa đáng mỗi năm từ 60% thì không giải quyết được vấn đề.
- Bây giờ nếu đầu tư thêm xe buýt để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân sẽ không có đường đi. Vậy, bài toán phát triển giao thông công cộng của Hà Nội phải trông chờ vào đâu?
Như tôi đã nói, nếu anh đầu tư 15-20.000 xe buýt mới chở hết 40% nhu cầu. Tuy nhiên, nếu xe buýt đầu tư như vậy làm gì có đường để đi nữa.
Chẳng có nước nào người ta làm như vậy cho nên phải phát triển hệ thống đường sắt đô thị. Tức là ta phải đi trong lòng đất (tàu điện ngầm) hoặc đi trên cao.
Nhiều nước người ta đã làm như thế rồi. Tại sao Tokyo người ta đi tới 2-3 tầng? Tại sao ở NewYork, Sedney người ta làm cái đường cho monorail chạy?
Những cái đó người ta đều tận dụng không gian đô thị, không thể nào cứ mãi phá nhà để mở rộng đường mãi được, gây khổ sở cho người dân. Chúng ta phải tận dụng không gian bằng cách phải phát triển đường sắt đô thị.
Đường sắt đô thị có công suất gấp 5 -7 lần so với xe buýt mà lại đi ngầm dưới lòng đất hoặc đi trên cao, không chiếm không gian.
Thứ hai, chúng ta đừng xây quá dày đặc nhà trong đô thị mà phải kéo giãn ra, thậm chí xây dựng thành phố vệ tinh để kéo bớt mật độ dân số ra thì sẽ bớt ùn tắc và tai nạn.
- Ông vừa đề cập đến vai trò của tàu điện trên cao và tàu điện ngầm trong việc chống ùn tắc giao thông. Hiện Hà Nội và Bộ GTVT đang xây dựng ở Thủ đô một số tuyến đường sắt đô thị.
Ông đánh giá thế nào về việc xây dựng hệ thống giao thông công cộng này?
Theo tôi, hiện nay Bộ GTVT và Hà Nội triển khai việc xây dựng đường sắt đô thị quá chậm. Cách đây ít nhất 15 -20 năm tôi đã đề nghị ít nhất đến năm 2005 Hà Nội đã phải có một tuyến tàu điện ngầm cho người dân đi rồi, tuy nhiên, đến bây giờ chưa có gì cả.
Trong khi đó, mật độ dân số tăng lên 5-7 lần, phương tiện giao thông tăng lên 10 lần nhưng đường sá thay đổi không đáng là bao cho nên ùn tắc là đương nhiên.
Hiện mới có một vài tuyến tàu điện ngầm chưa ăn thua gì. Tuyến ga Hà Nội – Nhổn thì phải 2-3 năm nữa mới xong.
Tuyến đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh nói là cuối năm nay xong nhưng tôi đảm bảo và dám cược là cuối năm nay xem có chạy được không? Bây giờ chưa có gì cả, đi thăm quan mới chỉ có cái trụ còn bao nhiêu nhà ga vẫn chưa xong.
Việc này như muối bỏ biển so với nhu cầu hiện nay. Còn chưa nói chuyện anh xây dựng xong rồi, anh quản lý không tốt người dân người ta sẽ không đi mấy.
Dân Hà Nội người ta rất mong nhưng anh làm xong, phải tổ chức thế nào để thu hút, kết nối các tuyến vận tải với nhau, tổ chức tốt cho người dân đi lại người ta mới đi. Nếu một tuyến tàu điện trên cao vài chục nghìn tỷ nếu người dân ít đi, lúc đó mới chết.
Ngay bây giờ xây dựng tuyến xe buýt nhanh có bao nhiêu người đi? Đi chưa chắc đã hơn xe buýt thường. Xe buýt thường đi thuận lợi hơn. Cho nên làm cái gì công tác cán bộ cũng quyết định.
Trước khi triển khai một dự án gì nên tham khảo ý kiến những người có kinh nghiệm người ta phân tích, chứng minh nên thế này thế kia, hợp lý thì làm.
Chứ đừng nghĩ bây giờ hỏi một anh nào đó mang danh giáo sư ở nước ngoài về chưa chắc bằng anh trong nước. Vì anh trong nước anh đã nghiên cứu kỹ.
Nói thế để thấy rằng, một vài tuyến đường sắt đô thị chưa giải quyết được gì đâu.
Còn nữa...