UBTVQH chỉ rõ 4 nguyên nhân gây khiếu nại, tố cáo về đất đai

hoanghuyen |

UBTVQH đang thảo luận Báo cáo giám sát kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại.

Đoàn giám sát đã trực tiếp làm việc với đại diện của 8 bộ, ngành, 21 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 21 quận, huyện. “Khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai có xu hướng ngày càng tăng cả về số lượng cũng như tính chất phức tạp”, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Trưởng đoàn giám sát cho biết.

Tình hình khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính về đất đai có nhiều nguyên nhân, nhưng theo Đoàn giám sát, chủ yếu do 4 nguyên nhân.

Sự bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai

Báo cáo của Đoàn giám sát nhận định: chính sách pháp luật của nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, thiếu tính ổn định, kế thừa, còn bất cập, chưa đồng bộ, có những quy định chưa sát thực tế, thiếu cụ thể.

Trong thời gian ngắn, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành thể hiện tính thiếu ổn định, không nhất quán về chính sách đất đai đã gây lúng túng trong việc thực hiện, vận dụng của các ngành, các cấp trong quá trình thực thi chính sách pháp luật về đất đai.

Khi Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành cũng tạo tâm lý so sánh thiệt hơn giữa người được đền bù trước đây và người được giải quyết sau dẫn đến khiếu nại .

Thực tế tại các địa phương cho thấy quy định mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng tiền từ 1,5 đến 5 lần giá đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi chưa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Ông Giàu dẫn chứng: tại các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội thì sau khi tính cả mức hỗ trợ thì giá đất vẫn còn cách biệt lớn so với giá thị trường, trong khi tại các địa phương khác lại cho rằng mức hỗ trợ như vậy là lớn, nhiều dự án gặp khó khăn vì phát sinh chi phí.

Mặt khác, việc quy định mức hỗ trợ dao động trong khoảng 1,5 đến 5 lần cũng gây ra khiếu nại vì người dân yêu cầu áp dụng mức hỗ trợ cao nhất.

Chính sách thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư được thực hiện chưa đồng bộ. Giá đền bù chưa sát giá thị trường (có nơi chỉ bằng 40-60%).

Việc quy định xây dựng bảng giá đất và công bố vào ngày 1 tháng 1 hàng năm cũng gây ra khó khăn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng do tâm lý người dân chờ đợi giá mới của năm sau (thường cao hơn so với giá cũ), người chấp hành tốt lại thiệt hơn người chây ì, không chấp hành. 

Việc ban hành các quyết định hành chính có nhiều hạn chế

Khảo sát tại tỉnh Khánh Hòa cho thấy, có dự án chỉ có thông báo giải phóng mặt bằng nhưng không có quyết định thu hồi đất, không thông báo trước về kế hoạch, phương án thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi, thực hiện cưỡng chế giải phóng mặt bằng trong khi chưa bố trí đất tái định cư.

Đây là một ví dụ minh họa cho nhận định: Một số quyết định hành chính trong lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất nhằm mục đích phát triển kinh tế-xã hội, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai... còn có sai sót như: bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng chưa đúng đối tượng, việc áp giá bồi thường, vị trí đất, diện tích đất có trường hợp chưa đúng, chưa đủ; chưa chấp hành đúng và đầy đủ trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Bên cạnh đó, việc thu hồi đất không có căn cứ theo quy định tại Điều 38 Luật đất đai, không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật; khi thu hồi đất để giao cho một số doanh nghiệp sử dụng đất với mục đích kinh doanh lại áp giá bồi thường đối với loại đất được sử dụng vì mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế mà không thực hiện việc tổ chức cho các bên thỏa thuận về việc bồi thường...

Đối với một số dự án việc bồi thường, hỗ trợ giữa những người bị thu hồi đất còn chưa kịp thời, thiếu công bằng, thiếu công khai, dân chủ. Có địa phương sai sót trong quyết định thu hồi đất dẫn đến quyết định cưỡng chế cũng sai .

Yếu kém trong thi hành, sự sa sút về phẩm chất đạo đức

Theo Đoàn giám sát, việc triển khai một số dự án chưa đảm bảo những điều kiện cần thiết theo quy định; trong quá trình triển khai thực hiện có những sai phạm như không tuân thủ trình tự, thủ tục, thiếu công khai, dân chủ; công tác tái định cư, giải quyết các chính sách cho người dân có đất bị thu hồi làm chưa tốt, chưa công bằng, chưa quan tâm giải quyết các lợi ích chính đáng của người dân.

Cơ chế và sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các cơ quan chưa tốt, còn có tình trạng lập phương án hoặc điều chỉnh phương án quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn không phù hợp, gây xáo trộn đời sống sinh hoạt của người dân.

Còn có tình trạng giao đất trái thẩm quyền; giao đất, cho thuê đất không đúng đối tượng, không đúng quy hoạch; sử dụng tiền thu từ quỹ đất công ích trái quy định của pháp luật. Một số cơ quan trả lời những kiến nghị, hướng dẫn, giải thích thắc mắc của nhân dân không cặn kẽ, rõ ràng, không đúng trọng tâm.

Còn có tình trạng cửa quyền, nhũng nhiễu trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai; quá trình giải quyết hồ sơ chậm, gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân.

Một bộ phận cán bộ, công chức cơ sở năng lực yếu, hạn chế về kiến thức pháp luật, không được đào tạo sâu chuyên môn, nghiệp vụ, thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; có một bộ phận sa sút phẩm chất đạo đức, tiêu cực, gian lận trong lập phương án bồi thường về đất đai, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm dụng các chương trình, dự án của nhà nước để trục lợi, lợi dụng chức quyền để chia chác đất đai .

Có một số địa phương do nôn nóng để thực hiện dự án, công tác điều tra, xác minh chưa đầy đủ, thấu đáo dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Người dân thiếu ý thức chấp hành pháp luật

Đây là nguyên nhân cuối. Báo cáo của Đoàn giám sát cho rằng, nhận thức của người dân về chính sách, pháp luật đất đai và pháp luật về khiếu nại, tố cáo nhìn chung còn nhiều hạn chế, trong khi việc tuyên truyền, phổ biến của các cơ quan có trách nhiệm chưa tốt.

Khiếu nại đông người tăng còn có nguyên nhân người dân cho rằng khiếu nại đơn lẻ sẽ khó đạt được kết quả, ngoài ra, nhiều trường hợp được giải quyết hợp lý, hợp tình, đúng pháp luật nhưng vẫn khiếu nại, thậm chí gây áp lực với địa phương hoặc bị một số phần tử có động cơ vụ lợi, quá khích kích động, lôi kéo nhằm gây sức ép đối với cơ quan Nhà nước.

Qua công tác thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm như sử dụng đất không đúng quy hoạch, không phù hợp với quy hoạch 19.179 ha, giao đất cho thuê đất không đúng thủ tục quy định 241.995 ha; sử dụng đất sai mục đích, chậm tiến độ, không hiệu quả 21.409 ha; chuyển mục đích sử dụng, chuyển quyền sử dụng đất, cho thuê trái pháp luật 3.237 ha; lấn chiếm, sử dụng vượt diện tích được cấp, được giao 22.343 ha. Sai phạm, vi phạm về tài chính liên quan đến đất đai với tổng số tiền là 833.642 triệu đồng .


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại