Tướng Thước và chuyện kỳ lạ "10 năm được mời ăn cơm vắng mặt"

Lan Phương |

(Soha.vn) - Ngoài sự nghiệp lừng lẫy, mối tình cổ tích của Trung tướng với vợ cũng khiến rất nhiều người xúc động.

Sự nghiệp quân sự của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trở thành niềm tự hào của cả đất nước. Ngoài sự nghiệp lừng lẫy, mối tình cổ tích của Trung tướng với vợ cũng khiến rất nhiều người xúc động. 

	Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (ngoài cùng bên phải) trò chuyện vui vẻ cùng 

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (ngoài cùng bên phải) trò chuyện vui vẻ cùng Trung tướng Phạm Hồng Cư và Đại tá Trần Hồng tại cuộc giao lưu trực tuyến về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Báo điện tử Trí Thức Trẻ ngày 32/8/2013. Ảnh: Hoàng Hiển

Chúng tôi đã may mắn có cơ hội được lắng nghe Trung tướng chia sẻ về cuộc gặp gỡ bất ngờ và xúc động giữa ông và vợ sau 10 năm xa cách. 

"Về cuộc đời riêng của tôi, có người nói giống như trò đùa, 56 năm thành vợ thành chồng với 2 mụn con trong những "đợt tranh thủ", 45 năm có thể nói có cũng như không, chỉ 11 năm cuối đời mới là một cuộc sống trọn vẹn. Cuộc đời lúc không lúc có, khắc không khắc có, khắc gần rồi lại khắc xa cho đến mãi cuối đời, lúc về hưu lấy vợ cũng như đánh giặc 15 ngày đã thành vợ chồng chưa có tình yêu với sự mai mối của người thân. 

Có vợ rồi lại đi biệt xứ trong chống Mỹ 10 năm, lúc ra Bắc để nhận nhiệm vụ chiến dịch Tây Nguyên mới có điều kiện gặp lại. Cuộc gặp mặt không phải tại nhà mà tại ngay bến phà Bến Thủy trong một hoàn cảnh vợ tôi sau 10 năm không có tin chồng thân gái dặm trường vào tận Quảng Bình, Vĩnh Linh để hỏi thăm tin tức nhưng không có câu trả lời đành trở ra. 

Cùng hôm đó, tôi từ Tây Nguyên ra Hà Nội đi chuyến xe khách thứ hai đến phía Nam phà Bến Thủy, hai chiếc xe chuẩn bị xuống phà thì bỗng nhiên xuất hiện một người trông quen lắm, té ra là vợ mình trước con mắt trong 100 vị khách. 

Quá bất ngờ, hai vợ chồng chẳng nói với nhau được gì, tôi chỉ hỏi được hai câu: "Hai con có khỏe không? Em đi đâu?" Vợ tôi nói: "Em đi tìm anh, vào Quảng Bình nhưng không có tin tức đành quay trở về." Về đến nhà, hai đứa con không biết mẹ mình dẫn một ông giải phóng là ai, sợ quá bỏ chạy. Vì lúc ra đi, đứa lớn mới có 1 tuổi, đứa bé mới sinh được 1 giờ.

Chuyện về vợ tôi thì dài lắm. 10 năm không chồng nuôi con trong điều kiện chiến tranh muôn điều cơ cực. Câu chuyện rất xúc động, tôi nghe bà con kể lại: Cứ mỗi bữa cơm, 3 mẹ con nhưng có 4 bát và 4 đôi đũa. Bát và đũa thừa đó là giành cho tôi. Và bà dặn con là phải nói mời ba về ăn cơm.

Câu chuyện thứ 2, 10 năm bặt tin tức con cái ốm đau dư luận đàm tiếu nhiều. Người thì nói 'anh ấy chết rồi', người thì nói ' anh ấy có bồ, có vợ trong miền Nam rồi nên đi bước nữa để có chỗ dựa cho hai đứa con'. Nghe bà con nói lại rằng, nhà tôi bảo: "Có sao chăng nữa, tôi vẫn giữ hai giọt máu cho anh ấy. Nếu anh ấy hi sinh thì còn có người sau này để hương khói cho anh. Nếu anh ấy bội bạc thì anh ấy sẽ thấy ai là người trung thành."

Còn nhiều câu chuyện nữa kể không hết, năm 2002 nhà tôi ngã bệnh bị tai biến mạch máu não, nghĩ rằng cuộc đời bà ấy đã hi sinh cho mình, một người phụ nữ không có tuổi thanh xuân đôi lứa, khi gặp nhau rồi thì lại ngã bệnh thực sự lúc này tình thương yêu lại càng sâu đậm và tôi nghĩ rằng sự nghiệp mà tôi có được là công lao của người vợ hiền đã hi sinh suốt cuộc đời cho mình. 

Bây giờ bà ấy ngã bệnh, ngồi xe lăn, suốt cuộc đời không được hưởng một cuộc sống vật chất, tình cảm trọn vẹn mà chỉ biết hi sinh cho chồng con, tôi đã xin nghỉ việc để về chăm sóc bà ấy để đền đáp lại công ơn bà ấy đã dành cả cuộc đời cho cho tôi, cho con cái và gia đình tôi. 

Bằng mọi việc của một người "osin" chăm sóc người bạo bệnh, tôi đã làm tất cả với tình thương, tình yêu để bù đắp lại công lao của bà ấy. Vừa để trả nợ đời, vừa để cho con cháu noi theo. Và có lẽ 11 năm này tôi thấy hạnh phúc nhất trong suốt cuộc đời.", Trung tướng chia sẻ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại