Xử lý nghiêm việc trốn, nợ thuế
Sáng nay, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn về các vấn đề cử tri quan tâm.
Liên quan việc doanh nghiệp nợ, trốn thuế trên địa bàn thành phố, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Thành ủy, Giám đốc Công an TP cho hay, công an Hà Nội đã hợp tác với Cục thuế để xử lý doanh nghiệp trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh.
Theo tướng Chung, công an thành phố đã phối hợp và xác định 300 công ty, truy thu thuế của các công ty bỏ trốn.
"Năm 2014 CATP đã phát hiện ra công ty do anh Nguyễn Trường (ở Thanh Nhàn) thành lập 16 công ty từ năm 2008 đến năm 2014 như công ty TNHH Mạnh Tuấn, Phúc Minh, Xuân Lộc…
Đối tượng đã bàn với Chu Thị Ngọc Thảo làm kế toán trưởng để xin thành lập 16 công ty kinh doanh các ngành nghề khác nhau và tự in hóa đơn, thuê in hóa đơn trong TP.HCM để hợp thức hóa đầu vào công trình xây dựng…
Qua quá trình điều tra, đối tượng Trường thành lập 16 công ty và bán hóa đơn cho các DN, thủ đoạn là các công ty sau khi mua hóa đơn, ký hợp đồng, ra ngân hàng rút tiền mặt, chi lại 12% cho Trường", tướng Chung thông tin.
Cũng theo tướng Chung, công an TP đã hoàn chỉnh hồ sơ để truy tố các đối tượng còn lại. Với 2.295 doanh nghiệp liên quan, công an đang phối hợp điều tra về 3 vấn đề chi tiêu công, hóa đơn khống về vấn đề xây dựng.
Và có vấn đề tham nhũng nên CA TP đã chia các nhóm đối tượng có vi phạm pháp luật truy tố và đối với các công ty có vi phạm thuế thì phối hợp với Cục thuế để truy thu thuế…
Toàn cảnh buổi họp Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.
"Qua quá trình điều tra, CA phát hiện 3 vấn đề: Với thời gian 3 ngày thành lập DN nên việc xác minh không thể rõ ràng, giám sát của các chi cục thuế trong quá trình hoạt động không chặt chẽ. Cơ chế quản lý tiền mặt trong ngân hàng không chặt chẽ.
Niên hóa đơn mà công ty tự in vì thế Cục thuế đã đề xuất cần thiết lập hệ thống mạng dùng chung để quản lý hóa đơn của DN.
Thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với cục thuế để quản lý doanh nghiệp tốt hơn. Những hành vi vi phạm thành lập công ty để bán hóa đơn giả sẽ bị xử lý và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng", tướng Chung nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến nợ thuế, ĐB Nguyễn Nguyên Quân đặt câu hỏi Cục đã có giải pháp gì để giúp thành phố thu hồi hơn 20 nghìn tỷ đồng nợ trong năm 2016, tập trung nội dung gì?
Số liệu thuế chúng ta quản lý không chính xác, vừa qua chúng ta đã chấn chỉnh công tác này như thế nào? Ngành thuế có cam kết với DN về tình trạng thống kê số liệu không chính xác này hay không?
Sẽ cải thiện mạnh năng lực cạnh tranh Hà Nội
Trả lời câu hỏi về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của ĐB Nguyễn Tùng Lâm, Giám đốc sở KH&ĐT Ngô Văn Quý cho biết, trong năm 2014, có 3 chỉ tiêu TP Hà Nội được đánh giá là chỉ tiêu về CNTT.
Chỉ tiêu về cải cách thủ tục hành chính, Hà Nội xếp thứ ba, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh thì xếp thứ 26/63, tăng 7 bậc so với năm 2013, có 9 tiêu chí đánh giá PCI như:
Tiêu chí gia nhập thị trường, chỉ tiêu tiếp cận đất đai và sử dụng đất đai, minh bạch thông tin, chi phí thực hiện, thời gian thực hiện của nhà nước, chỉ tiêu không chính thức, môi trường cạnh tranh không bình đẳng, tính năng động của lãnh đạo...
Trong đó Hà Nội có 3 chỉ tiêu ở mức tốt còn 4 chỉ tiêu ở mức cuối gồm: Môi trường cạnh tranh bình đẳng, chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và sử dụng đất đai và tính năng động của lãnh đạo. Hà Nội vẫn phấn đấu để ở mức cao nhất.
Qua phân tích, ông Ngô Văn Quý cho biết, trong thời gian tới, Hà Nội phấn đấu cải thiện chỉ số CPI ở mức cao nhất.
Các biện pháp đưa ra là tiếp tục phát huy các tiêu chí đã được đánh giá tốt như minh bạch thông tin, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, dịch vụ hỗ trợ DN.
Các chỉ tiêu cần tiếp tục cố gắng như tiếp cận đất đai theo hướng tiếp tục cải cách hành chính, có giải pháp giảm giá cho sản xuất kinh doanh để DN tiếp cận nhiều hơn đến các khu công nghiệp.
Thành phố cũng đã ban hành giải pháp thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh.
Trả lời câu hỏi của ĐB Bùi Đức Hiếu, trên 20 năm nay Công viên Tuổi trẻ chưa được đầu tư xây dựng, để nhiều đơn vị khai thác không có hiệu quả.
Mảnh đất này thành nơi trông xe ô tô, làm nhiều việc không đúng tính chất một công viên... Giám đốc Sở XD Hà Nội cho biết, đối với Công viên Tuổi Trẻ, câu hỏi là xây dựng công viên hoàn chỉnh và tháng 3/2010 công viên thực hiện theo quy hoạch mới.
"Với 13 điểm, chúng tôi rà soát tổng thể, yêu cầu 31/12/2015 hết hợp đồng với ba bãi xe đó và chúng ta có thêm diện tích cho vườn hoa, thảm cỏ cho người dân. Chúng tôi đã dọn dẹp các công trình bị chiếm hữu từ Đông sang Tây.
Còn 9 điểm với UBND quận Hai Bà Trung, chúng tôi rà soát với sân tennis, nhà hầm, sân bóng đá mini để thực hiện phương án cưỡng chế...", ông Lê Văn Dục cho hay.
Theo dự kiến phiên chất vấn, trả lời chất vấn sẽ kéo dài hết ngày 3/12.