Đầu tháng 1-2016, trên Facebook của một người có tài khoản V.V.C xuất hiện tấm ảnh 2 phụ nữ đứng tuổi ngồi nhậu, hút thuốc kèm theo nội dung:
“Đây là những người Trung Quốc bắt cóc trẻ em, ai thấy mong báo công an, mọi người chia sẻ để đề phòng”. Chỉ trong vài giờ, thông tin nói trên được lan truyền một cách chóng mặt.
Khổ vì bị gieo tiếng xấu
Hai phụ nữ bị ghép tội bắt cóc trẻ em là bà Nguyễn Thị Ngà (51 tuổi) và Hồ Thị Tuyết Trinh (47 tuổi; cùng ngụ phường 1, quận 5, TP HCM). Bà Ngà cho biết tối 30-12-2015, bà cùng một số chị em trong xóm qua quận 8, TP HCM ăn tiệc.
Trong lúc ăn uống, cháu bé 9 tuổi tình cờ chụp hình bà và bà Trinh. Ngày hôm sau, mẹ của cháu bé đăng lên Facebook với câu nói vui: “Hai người phụ nữ bắt cóc trẻ em”.
Câu nói đùa bị nhiều người chia sẻ “thêm mắm dặm muối” với những tình tiết ly kỳ. Có người còn gửi lời bình: “Vừa bắt gặp 2 “nữ quái” cùng một bé trai trên đường Hồng Bàng… Đường dây này hoạt động chuyên nghiệp”.
Cũng theo bà Ngà, đến tối 16-1-2016, trong lúc bà chở cô ruột đi ngang qua ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ (quận 1) thì bị 2 thanh niên chỉ tay vào mặt, la to cho nhiều người cùng nghe:
“Hai người bắt cóc kìa”. Bà Ngà vội vã thanh minh: “Không phải cô bắt cóc đâu con ơi”. Trong lúc đó, người cô ruột của bà Ngà ngồi phía sau mặt tái xanh, miệng lắp bắp:
“Không phải tôi! Không phải tôi”. Hai cô cháu ngay sau đó rồ ga bỏ chạy trước ánh mắt nghi ngờ của người đi đường.
Bà Hồ Thị Tuyết Trinh cũng rất khổ sở vì mang tiếng bắt cóc trẻ em. “Sáng 17-1, tôi đến trường họp phụ huynh, phải lấy tờ giấy che nửa mặt để tránh đàm tiếu.
Trong lúc họp, mỗi khi có phụ huynh nào nhìn, tôi cũng luôn tìm cách né tránh, cứ như mình là kẻ có tội”.
Trong khi đó, Công an phường 1, quận 5 xác định bà Ngọc và bà Trinh sống tại địa phương gần 30 năm qua, không phải người Trung Quốc và không phải đối tượng bắt cóc trẻ em.
Một nạn nhân khác bị gieo tiếng ác trên mạng là chị Lê Thị Kiều H. (SN 1985; ngụ quận Tân Phú, TP HCM).
Mới đây, chị H. cầu cứu đến Báo Người Lao Động, nhờ giúp đăng tin “cải chính” sau khi bị kẻ xấu viết bài lan truyền trên mạng, quy kết là nữ quái “mắt lồi” chuyên dàn cảnh cướp giật.
“Đến giờ, tôi vẫn không hiểu vì sao mình bị bêu xấu như vậy” - chị H. bức xúc.
Coi chừng… đi tù
Ngoài những người bị kết tội oan, thời gian qua, xảy ra không ít trường hợp vì muốn tạo sự chú ý, muốn nổi tiếng đã đưa tin giựt gân, không đúng sự thật, tự biến mình thành nạn nhân của trò bỡn cợt, thậm chí vi phạm pháp luật.
Điển hình là anh Lê Văn Tú (SN 1992; ngụ quận Bình Tân, TP HCM). Anh Tú cho biết đầu tháng 12-2015, anh có nhờ người thân chụp ảnh anh cầm roi, giơ cao có ý định đánh sau lưng của mẹ.
Bức ảnh này được anh đưa lên Facebook kèm nội dung mà theo anh là đùa cho vui. “Không ngờ ai đó tải về rồi biến tấu lại và cứ thế, cộng đồng mạng bêu riếu tôi là đứa con bất hiếu, đánh mẹ để lấy tiền đi bar” - anh Tú phân trần.
Một cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) - Công an TP HCM cho biết thời gian qua, xảy ra hàng loạt vụ tung tin đồn sai sự thật, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Mới đây, một cô gái tên T.T.B.Tr (SN 1993; ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM), vì muốn mọi người quan tâm đến trang mạng kinh doanh quần áo của mình, đã tung tin nhặt được đứa con của một người cha sắp bị tử hình.
Thông tin ngay lập tức thu hút hàng chục ngàn lượt chia sẻ. Thế nhưng qua điều tra, cơ quan công an xác định cháu bé chính là cháu ruột của Tr. “Vụ việc chỉ dừng lại ở mức tin đồn.
Nếu Tr. nhận tiền của những người khác, có thể bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” - vị cán bộ công an nói.
Theo một điều tra viên thuộc Công an quận Bình Thạnh, TP HCM, cơ quan này từng điều tra một đối tượng vô tình tung tin trên mạng gây thiệt hại kinh tế đến người khác.
Chỉ đến khi bị triệu tập, người này mới biết việc làm của mình gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Có thể bị phạt từ 3 tháng đến 7 năm tù
Luật sư Nguyễn Anh Minh (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết thời gian qua có nhiều trường hợp tung tin sai sự thật trên mạng xã hội bị xử phạt hành chính, như vụ lập Facebook giả khiêu khích phiến quân IS; thông tin 2 người nhiễm virus Ebola ở Hà Nội; thông tin đập Tả Trạch (Thừa Thiên - Huế) sắp vỡ, người cá xuất hiện ở Quảng Nam…
Tuy nhiên, do thiếu ý thức, hạn chế hiểu biết pháp luật nên vi phạm vẫn thường xuyên diễn ra. “Pháp luật hiện hành nghiêm cấm các hành vi xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, nhân phẩm của người khác.
Theo Bộ Luật Hình sự, vi phạm một trong những hành vi trên bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt từ 3 tháng đến 7 năm tù” - luật sư Minh nhấn mạnh.