TS Alan Phan qua đời và dự án bỏ ngỏ

Hoàng Đan |

Trái tim TS Alan Phan đã ngừng đập và rồi đây, ông sẽ hòa vào với đất mẹ như biết bao người khác trên trái đất này, nhưng góc nhìn Alan và những "giấc mơ" thì sẽ vẫn còn đó.

"Giấc mơ" khởi nghiệp ở tuổi 69

Gần 1 năm trước đây, vào cuối năm 2014, TS Alan Phan đã viết trên trang cá nhân của mình những lời chào tạm biệt Việt Nam và cho biết, ông chắc sẽ đi lâu.

Đến chiều 20/10, rất nhiều người đã sững sờ, đau xót khi nhận được hung tin chính thức, ông đã qua đời sau những ngày được tích cực điều trị trong tình trạng hôn mê sâu.

Có thể nói, là một người bận rộn, nhưng trong suốt 8 năm ở Việt Nam, TS Alan Phan gần như chưa từng từ chối các cuộc phỏng vấn của báo chí.

Ông luôn đúng hẹn và sẵn lòng trả lời tất cả các câu hỏi của phóng viên qua điện thoại cầm tay khi rảnh hoặc qua email nếu thời gian không cho phép nói chuyện được quá lâu.

Kể cả khi ông rời Việt Nam về Mỹ thì những email trả lời các câu hỏi vẫn thường xuyên được ông gửi đi cho các phóng viên báo chí.

Là một chuyên gia kinh tế, diễn giả nhưng đồng thời cũng là một doanh nhân có tiếng nên như chính ông đã từng chia sẻ, trong 8 năm ở Việt Nam, ông đã đầu tư thử nghiệm và mất khoảng 2 triệu đô la "trong cuộc chơi này".

"Nhưng đây chỉ là một thất bại nhỏ, không quan trọng khi nhìn từ đại cuộc. Tôi không lao hết lực vào dự án nào ở Việt Nam vì sau khi nghiên cứu khảo sát cẩn thận, tôi thấy kỹ năng của mình hoàn toàn không thích hợp", TS Alan Phan chia sẻ.


Trang cá nhân của ông

Trang cá nhân của ông

Khi ông rời Việt Nam đi, nhiều người đã từng đưa ra những góc nhìn có phần bi quan, nhưng chính cá nhân TS Alan Phan lại nhấn mạnh: "Cơ hội vẫn rất nhiều và rất tốt cho những doanh nhân biết nắm bắt".

Vị doanh nhân khi rời Việt Nam lúc đó ở tuổi 69, cũng bày tỏ tự tin là mình sẽ đóng góp hữu hiệu cho các đối tác và nhân viên song hành trong công việc hàng ngày.

Nhưng chính ông cũng chia sẻ, sự thành công của một doanh nghiệp tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố, quá phức tạp để có thể dự đoán chính xác.

"Cứ đem hết khả năng tham dự cuộc chơi và để “số phận” định đoạt thành bại?", ông Alan Phan bày tỏ.

TS Alan Phan cũng đã từng cho hay, trước khi rời Việt Nam, ông đã thiết lập một quỹ đầu tư nhỏ cùng 2 đối tác Mỹ lâu năm trong nghề.

"Họ đã có sẵn cơ sở, nhân viên, mạng lưới tài chánh… và tôi cũng đã làm hơn 20 năm trong lĩnh vực này, nên chắc sẽ còn dư thì giờ làm những phi vụ khác.

Thực sự, tôi muốn thiết lập một doanh nghiệp mới dựa trên công nghệ in 3D, tạo ra một sản phẩm đặc thù và xây dựng hoàn thiện một thương hiệu mình có thể hãnh diện", ông nói về dự định của mình.

Đồng thời, TS Alan Phan cũng "dự trù sẽ đầu tư ít nhất 20 năm nữa của cuộc đời mình (nếu sống mạnh khỏe được đến đó) và sau đó sẽ cần một thế hệ lãnh đạo mới cho công ty trong nhiều thập kỷ khác.

Còn tỷ lệ thành công thì chắc cũng như các khởi nghiệp khác, khoảng 10 đến 20%".

Tuy nhiên, khi tất cả còn mới đang trong giai đoạn bắt đầu thì như chính ông từng thừa nhận "sức khỏe là sự quan tâm hàng đầu" đã không còn cho phép ông thực hiện tiếp giấc mơ đó.

Ông đã mãi đi xa, nhưng những tâm huyết, góc nhìn rất riêng - góc nhìn Alan của ông thì vẫn còn đó và sẽ là bài học cho nhiều người trên con đường khởi nghiệp.

20 triệu máy tính bảng cho học sinh Việt Nam

Một "giấc mơ" khác của TS Alan Phan và các cộng sự cũng đang còn dang dở, đó chính là dự án 20 triệu máy tính bảng dành cho học sinh Việt Nam, được "thai nghén" từ những năm 2012, với tổng số kinh phí lên tới 2,8 tỷ USD.

Ông nói giải pháp của mình là khả thi và tiết kiệm, thời gian thu hồi vốn trong vòng 2 năm, việc này sẽ trao cho thế hệ trẻ chìa khoá kiến thức của thế kỷ 21.

"Mục tiêu của chương trình 20 triệu máy tính bảng là làm sao để mọi học sinh, giàu hay nghèo, thành phố hay thôn xa, bỏ tiền mua hay được tặng, sẽ có một máy tính với đầy đủ giáo trình và chức năng tiện dụng trong việc học.

Chúng tôi mong nhận được sự tiếp sức không vụ lợi của mọi người”, Tiến sĩ Alan Phan nói.

Nhưng cũng như "giấc mơ" khởi nghiệp ở trên, "giấc mơ" 20 triệu máy tính bảng cho học sinh Việt Nam của ông đã phải "tạm gác lại" bởi sự "sinh - tử" đã không cho ông tiếp tục nữa.

Dù có những ý kiến phản biện khác nhau, nhưng như ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện quản lý Việt Nam viết trên trang cá nhân của mình sau khi nghe hung tin về ông thì:

"Những gì anh tâm huyêt với thế hệ trẻ - em và nhiều bạn nữa đã, đang và sẽ làm tiếp tục. Như anh thường nói với chúng em - hãy có niềm tin và ơn trên sẽ thấy được chúng ta".

Còn nhiều nữa những "giấc mơ", những công việc mà TS Alan Phan còn dự định sẽ phải thực hiện, nhưng có lẽ sự "tréo ngoe" của tạo hóa đã không còn cho phép ông thực hiện nữa.

Trái tim ông đã thực sự ngừng đập và rồi đây, Alan sẽ hòa vào với đất mẹ như biết bao người khác trên trái đất này nhưng góc nhìn Alan - một góc nhìn rất riêng thì sẽ vẫn còn đó.

Nó sẽ như một lời khuyên cho những ai muốn tìm đến sự thành công cho mình trên thương trường nhiều hoa hồng mà cũng lắm chông gai.

Theo thông tin từ gia đình, sau một thời gian điều trị, TS Alan Phan đã qua đời ở Mỹ vào chiều 20/10 (giờ Việt Nam) hưởng thọ 70.

Tang lễ của ông sẽ được gia đình thông báo sớm trên báo chí và các trang mạng để mọi người có thể đến viếng lần cuối.

Ông được biết đến là một là sáng lập viên của Alan Phan Associates (APA), có trụ sở tại California và Hongkong.

APA chuyên về hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) liên lục địa và tư vấn chiến lược kinh doanh toàn cầu cho các công ty đa quốc gia.

Ông cũng là doanh nhân Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên sàn chứng khoán Mỹ (1987), người đầu tiên giới thiệu hệ thống bán cổ phiếu qua mạng và giáo dục online tại Trung Quốc.

TS Alan Phan từng điều hành Quỹ Viasa Fund tại Hongkong chuyên đầu tư vào thị trường Trung Quốc (2002 - 2008).

Ông cũng là sáng lập viên và CEO của nhóm Công ty Hartcourt có 7 công ty con về IT tại Trung Quốc (1995 - 2002). Ông còn là tác giả của 11 cuốn sách về kinh tế, xã hội của các thị trường mới nổi...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại