Xơi liền lúc 20 quả trứng vịt lộn
Ông tên là Phùng Văn Lự, người làng Tăng Cấu (xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, Hà Nội).
Tiếng tăm ăn khỏe nhất làng hoàn toàn trái ngược so với vóc dáng thấp gầy, nặng chưa đầy 45 kg của ông.
Tôi nói đùa: “Lực sĩ của làng nom như vừa ốm dậy vậy?”. Ông liền cười: “Nhỏ mà có võ đấy”.
Để thị uy sức mạnh, ông kéo tôi ra bờ ao chỉ vào hàng chục thân gỗ xoan, bạch đàn to như cột nhà đang rỉ nhựa nằm chềnh ềnh dưới đất rồi hắng giọng: “Tôi cưa số gỗ này chỉ trong một buổi sáng”.
Ông Lự bảo: Nhìn hình hài tôi hom hem, người ta tưởng là đói ăn. Nhưng đời tôi chưa bao giờ để dạ dày rỗng.
Thời Pháp thuộc, ở làng Tăng Cấu, gia đình ông Lự thuộc dạng khá giả.
Lúc nào trong nhà cũng có ít nhất 5 tay cày, 7 con trâu rái (trâu đực), hàng chục lợn nái, cổng cao tầng, nhà rộng bát ngát, vườn đầy trái, ao sâu cá mè.
Thời Pháp thuộc, tổng Đồng Bảng có chưa đầy 10 người được học trường Tiểu học do Pháp mở (học bằng tiếng Pháp), trong đó có ông Lự.
Đến khi Pháp chạy, ông Lự là người đầu tiên thi đậu vào trường Trung học Quốc lập Phùng Hưng A (cách nhà gần 20 km).
Nhà có điều kiện, mỗi tháng ông Lự được gia đình cấp 100 đồng Đông Dương để sinh hoạt.
Tiền nhiều ngang hạng “đại gia” trong giới học sinh, nhưng cứ 30 ngày ông lại đạp xe bô -giô về xin nhà 150 bát gạo Hải Dương (tương đương 60 kg gạo).
Ban đầu, ông Lự ăn bằng bát lùn nhưng ngán cảnh phải xới cả chục lần cơm mỗi bữa, ông chuyển sang ăn bằng bát loa.
Đôi đũa tre cũng phải vót dài hơn bình thường gấp rưỡi để đẩy cơm vào miệng cho dễ.
“May mà hồi ấy chưa có phim "Tây du ký", nếu không kiểu gì cũng bị bạn ví là Trư Bát Giới”, ông Lự nói vui.
Buổi trưa, bụng ông Lự réo ùng ục vì đói. Ông bảo: “Muốn biết già này ăn khỏe thế nào thì anh kiếm hai chục trứng vịt lộn đem về đây luộc.
Tôi ăn hết bay số trứng ấy rồi ăn “khuyến mại” thêm 1 - 2 loa cơm cho anh ghi hình”.
Công đoạn chuẩn bị xong xuôi, ông Lự khoanh chân lên mặt phản. Cô con dâu ngồi kế bên cầm dao bập vào quả trứng rồi tách vỏ xếp vào bát con.
Ông Lự cầm đũa gắp lia lịa vào miệng, hai hàm răng nhá liên tục rồi nuốt ngon lành trước con mắt kinh ngạc của tôi.
Trong chốc lát, cái nồi nhôm đẫy trứng bốc hơi trắng xóa đã trống rỗng, chỉ có chiếc âu nhựa đựng vỏ kế bên đầy phè.
Ông Lự vén áo ba lỗ để hở bụng, bĩu môi: “Vẫn lép kẹp, còn lâu mới đến độ kịch trần”.
“Trạng ăn” mở nắp nồi cơm điện, cầm muôi vục đẫy tô cơm, rắc lên vài hạt muối rồi và đẫy miệng.
Khi không còn một hạt cơm dính lòng bát, ông Lự toan mở vung múc thêm cơm, tôi hoảng quá nên can:
“Cụ mệnh hệ gì thì con tiêu đời”. Ông cười bảo: “Ai thách đấu với tôi chuyện ăn cũng phải sởn gai ốc”.
37 que kem + 10 lon bia
Kết thúc vụ mùa 1995, HTX Tăng Cấu liên hoan mặn tổng kết. Ông Lự là Tổ trưởng tổ sản xuất đội 3 nên được mời.
Hôm ấy trời lất phất mưa, nghe thấy tiếng “bem, bem” từ chiếc kèn của bà bán kem, ông Lự rỉ tai Chủ nhiệm HTX Tăng Cấu Nguyễn Anh Duyên nói:
“Mụ Vệ (bán kem) kiểu gì cũng ế hàng, bán rẻ. Đề nghị cán bộ mua cả thùng về đây cho anh em nếm trong lúc chờ cỗ”.
Ông chủ nhiệm lấy cớ từ chối khéo: “Mát trời thế này đến trẻ còn chẳng thấy thèm ăn nữa là người lớn.
Nếu anh ăn được 30 que kem liền một lúc thì tôi hứa sẽ trả tiền”. Ông Lự vỗ hai tay kêu đẹt rồi nhận lời thách thức. Bà bán kem đếm được 37 chiếc trong thùng.
Ông Lự cười hề hà tự tin: “Để em xơi hết”. Lần lượt từng que kem được lấy ra khỏi thùng xốp.
Khoảng 25 phút sau, thùng kem hoàn toàn giải phóng. Ăn ngần ấy kem, ai cũng nghĩ ông Lự đã buốt răng, căng bụng.
Thế mà lúc ngồi vào mâm, Phó chủ nhiệm HTX Phùng Văn Sơn lại khích: “Ông Lự uống thêm được 5 lon bia Hà Nội liền mạch thì tôi đây xin gọi là sư phụ”.
Đang đà phấn khích, “trạng ăn” giật nắp tu một mạch 10 lon, chứng kiến cảnh ấy, ai cũng nể phục.
Uống xong, ông Lự lại tiếp tục ăn cơm, uống rượu no say túy lúy đến lúc tàn cuộc.
Ông Phùng Văn Uy, nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Thái - nhân chứng của hai cuộc thách đấu, đã chứng thực với tôi điều này.
Cách đây 3 năm, “trạng ăn” cũng khiến mấy vị hậu bối phải ngậm ngùi móc tiền trong túi trả tiền thua cược.
Hôm ấy là buổi liên hoan lại mặt sau lễ thành hôn gái ông Dĩ (xóm Trung, thôn Tăng Cấu).
Thấy ông Lự ăn 6 bát cơm đẫy, gắp thức liên hồi lại tu thêm bát nước canh, cánh hậu bối gồm ông Thơ, ông Chức, ông Nghiệp, ông Giàng, ông Đức tìm cách thách đố:
“Nếu bác ăn được hết đĩa xôi (khuyết một góc nhỏ) trên mâm và một đĩa xôi nữa, mỗi người sẽ biếu bác 50.000 đồng.
Thấy thế, ông Lự gọi chủ nhà mang thêm hẳn 2 đĩa xôi (mỗi đĩa khoảng 0,6 kg) và ăn hết.
Ông Nghiệp, ông Chức phát hoảng, chắp tay trước ngực liên tục cầu khẩn: “A di đà phật! A di đà phật! Cụ đừng bội thực!”.
Chưa khi nào ốm
Thời trai trẻ, ông Lự giữ chức quán quân suốt nhiều năm liền ở các giải đấu vật làng Tăng Cấu. Chưa bao giờ người ta thấy ông ốm.
Anh con trai lập nghiệp ở miền Nam, 75 tuổi, ông vẫn dẻo sức cày hết 9 sào ruộng lấy lúa ăn.
Tôi khen ông vừa học hay lại cày khỏe. Ông bảo, anh cần phải bổ sung thêm 4 chữ nữa, đó là “ăn no vác nặng”.
Ông vỗ tay vào cái bàn xà cừ dày bịch mình đang ngồi rồi kể về lai lịch của nó:
Năm 1996, người ta mở rộng quốc lộ 32, phải chặt một cây xà cừ lớn rồi cưa thành 4 khúc, mỗi khúc dài 2 m.
Tôi thấy 3 công nhân làm đường mới khênh được một khúc có đường kính 55 cm nên vào giúp một tay.
Ông Đức (phụ trách thi công tuyến giao thông) thấy thế nói: “Ông vác được khúc gỗ về nhà (quãng đường hơn 2 km) mà không để rơi thì tôi cho ông luôn”.
Ông Lự nhờ 2 người khênh khúc gỗ đặt lên vai cho cân, rồi vác phăm phăm về. Cây gỗ ấy xẻ được 4 tấm, ghép thành cái phản rất đẹp.