Tốn tiền tỉ, hệ thống giao thông thông minh vẫn bất cập

Theo giới tài xế taxi, khi tiếp nhận được những thông tin trên các bảng quang báo này thì sự việc “đã muộn”.

Sau thời gian triển khai, hiệu quả từ các công trình còn nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết.

Trong khi đó, người dân hằng ngày vẫn phải đối mặt với nạn kẹt xe, tai nạn giao thông vẫn luôn rình rập.

"Cơ quan chủ quản cần phải giải trình với UBND TP và giải thích rõ cho người dân hiểu vì sao có chuyện đầu tư công nghệ lạc hậu, giờ lại xin thêm kinh phí để nâng cấp. Ngoài ra, phải làm rõ những kết quả mang lại sau khi lắp đặt hệ thống camera trên đường".

TS Nguyễn Hữu Nguyên (giảng viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) đặt vấn đề trước thông tin hệ thống camera trên đường Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ sử dụng công nghệ lạc hậu.

Lạm dụng bảng quang báo điện tử

Cuối năm 2012, Sở Giao thông vận tải TP triển khai lắp thí điểm 14 bảng quang báo điện tử với vốn đầu tư trên 1 tỉ đồng/bảng, nhằm hướng dẫn, điều hòa giao thông, cảnh báo tình hình kẹt xe. Đến nay đã có hàng chục bảng quang báo điện tử được đầu tư trên rất nhiều tuyến đường TP...

Nhiều người đi trên đường Hoàng Văn Thụ, đoạn gần công viên Hoàng Văn Thụ, thấy ngay bảng quang báo thể hiện rất nhiều nội dung như: “Đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy”, “Hãy nói không với rượu bia khi tham gia giao thông”...

Do tích hợp nhiều nội dung nên bảng quang báo này hầu như chớp tắt liên tục với những màu sắc, cỡ chữ khác nhau. Dưới bảng quang báo này còn có một bảng quảng cáo với đèn led cũng chớp tắt liên tục, màu sắc còn nổi hơn bảng quang báo.

Tuy vậy, anh Bi, chạy xe ôm khu vực Q.Phú Nhuận, cho biết hằng ngày anh thường chở khách qua khu vực này nhưng hầu như anh chẳng để ý đến những nội dung trên bảng vì giao thông phức tạp nên luôn phải nhìn đường để xử lý tình huống.

“Qua đây chỉ cần một thoáng lơ là có thể tông xe như chơi” - anh Bi nói. Từ đường Phan Thúc Duyện rẽ trái ra Trần Quốc Hoàn về vòng xoay Lăng Cha Cả tiếp tục có thêm một bảng quang báo nữa nhưng bảng này “núp” trong lùm cây xanh nên người đi đường không thấy được.

Còn nội dung trên bảng quang báo trước và sau cầu vượt Nguyễn Tri Phương - 3 Tháng 2 - Thành Thái - Lý Thái Tổ (“Cấm ôtô có tổng trọng lượng trên 10 tấn, người đi bộ, xe thô sơ, xe 3 bánh lưu thông qua cầu vượt Nguyễn Tri Phương - 3/2 - Thành Thái - Lý Thái Tổ”) quá dài khiến người đi đường chạy qua vẫn chưa đọc hết. Điều đáng nói là những nội dung trên bảng quang báo này trùng với các biển cấm đặt trước chân cầu vượt!

Theo giới tài xế taxi, khi tiếp nhận được những thông tin trên các bảng quang báo này thì sự việc “đã muộn”.

Anh Hùng, một tài xế taxi Hãng Vinasun, cho rằng thông tin trên bảng quang báo không hiệu quả bằng chương trình giao thông trên VOV giao thông (Đài Tiếng nói Việt Nam) vì thông tin trên bảng quang báo chỉ thông báo tình hình trật tự giao thông trong phạm vi hẹp, chủ yếu là các tuyến đường phía trước.

Khi người đi đường nhận biết được thông tin trên bảng quang báo thì rất ít khi chọn được lộ trình phù hợp. Trong khi chương trình trên kênh VOV giao thông lại thông báo tình hình tổng quát trên nhiều tuyến đường, khi đó tài xế mới có nhiều sự lựa chọn lộ trình hợp lý.

Đầu tư camera lạc hậu

Biển người xem pháo hoa, giao thông Hà Nội tê liệt Biển người xem pháo hoa, giao thông Hà Nội tê liệt

Tối 10/10, khắp các tuyến đường phố nơi gần 5 điểm bắn pháo hoa tầm cao ở Hà Nội rơi vào cảnh ùn tắc giao thông trầm trọng khi hàng trăm nghìn người đổ về thưởng thức.

Mới đây, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn (trung tâm) đề xuất xin đầu tư thêm đồng thời nâng cấp hệ thống camera hiện có trên tuyến đường Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ với kinh phí 4,7 tỉ đồng.

Theo đơn vị này, trên hai tuyến đường nói trên hiện có 20 camera giám sát tại các giao lộ có đèn tín hiệu giao thông. Tuy nhiên, trong số đó có đến 16 camera sử dụng công nghệ analog có độ phân giải thấp nên hình ảnh quan sát không rõ ràng, tín hiệu truyền dẫn về trung tâm không được liên tục.

Ngoài ra, hệ thống lưu trữ và hiển thị hình ảnh tại phòng vận hành kiểm soát hệ thống của trung tâm chưa ghi nhận đầy đủ và lưu trữ lâu dài hình ảnh từ các camera bởi dung lượng đầu ghi thấp.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trên hai tuyến đường này, tại giao lộ Phạm Phú Thứ - Võ Văn Kiệt, nút giao Ký Con - Võ Văn Kiệt, nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống và khu vực cầu Chà Và... chưa có camera.

Ngoài ra, theo trung tâm, tại một số điểm khác như cầu vượt Tân Kiên, cầu Chữ Y, cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Ông Lãnh, cầu vượt Cát Lái mới chỉ có một camera nên không phản ảnh, ghi nhận kịp thời tình hình giao thông tại những khu vực này.

Trong buổi tọa đàm “Ứng dụng hệ thống camera giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông” tổ chức tại Bạc Liêu mới đây, ông Phạm Đình Xinh - giám đốc Trung tâm nghiên cứu an toàn giao thông - cho biết hiện hệ thống camera giám sát an toàn giao thông trên cả nước hiệu quả không cao.

Cụ thể, do hệ thống này sử dụng công nghệ lạc hậu nên độ nhạy sáng, độ phân giải thấp, vì vậy hệ thống này chỉ phát hiện các lỗi vi phạm của ôtô như chạy quá tốc độ, đi sai làn đường chứ không ghi nhận được cụ thể phương tiện gây tai nạn rồi bỏ trốn nên không có cơ sở xử lý.

Những ý kiến trái chiều, những vấn đề người dân quan tâm về tính hiệu quả của hệ thống bảng quang báo, hệ thống camera trên địa bàn TP đã được chúng tôi chuyển đến Sở Giao thông vận tải TP bằng văn bản từ ngày 18-9.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải cũng đã có văn bản ủy quyền cho các phòng chức năng sở này trả lời theo quy định, nhưng sau nhiều lần liên hệ, đến ngày 10-10 chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời.

* TS Nguyễn Hữu Nguyên:

Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, việc lắp đặt bảng quang báo, cơ quan chức năng đã không điều tra, phân tích kỹ nên không phát huy hết tác dụng.

Ông dẫn chứng tại cầu Công Lý (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi, Q.3) có hai bảng quang báo đặt ngay dưới dốc cầu. Trong khi đó, người đi xe đổ dốc cầu phải tập trung lái xe vì giao thông ở hai đầu cầu khá lộn xộn nên không quan sát bảng quang báo, đó là chưa kể dòng chữ trên bảng quang báo hiện, tắt liên tục rất khó đọc.

Ông Nguyên đề nghị số tiền hơn 1 tỉ đồng để lắp đặt mỗi bảng quang báo điện tử nên đầu tư mua camera xịn gắn tại các giao lộ để theo dõi tình hình giao thông sẽ hiệu quả hơn.

* PGS.TS Phạm Xuân Mai (nguyên trưởng khoa giao thông Trường đại học Bách khoa TP):

Phải thông tin tình hình giao thông ở phạm vi xa

PGS.TS Phạm Xuân Mai cho rằng không nên lắp đặt bảng quang báo nhiều ở nội thành vì khu vực này đã có hệ thống biển báo khá hoàn chỉnh.

“Chỉ nên lắp đặt bảng quang báo ở những tuyến đường cửa ngõ vào TP để thông báo cho tài xế biết tình hình giao thông ở khu vực nội thành. Nghĩa là bảng quang báo phải thông tin tình hình giao thông ở một phạm vi xa, rộng chứ không phải ở phạm vi hẹp một vài tuyến đường phía trước” - ông Mai nói.

Riêng về nội dung tuyên truyền trên bảng quang báo, ông Phạm Xuân Mai cho rằng việc này đang bị lạm dụng. Theo ông Mai, bảng quang báo chỉ để thông tin tình hình giao thông, còn nội dung tuyên truyền phải chọn lựa hình thức khác.

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại