Cơ quan Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện tình trạng nhiều địa phương buông lỏng trong chấp hành kỷ luật ngân sách.
Theo Bộ Tài chính, nguồn lực của địa phương có hạn, không được phân bổ ngân sách nhưng tỉnh Bạc Liêu vẫn quyết định đầu tư nhiều công trình hoành tráng, hệ quả tất yếu là vượt quá khả năng chi trả của địa phương.
“Xây lấy được”
Hơn một năm trước, khi sự kiện Festival đờn ca tài tử lần đầu tiên tổ chức tại Bạc Liêu, người dân thành phố Bạc Liêu chứng kiến hàng loạt công trình hoành tráng được lần lượt khởi công xây dựng trong thời gian ngắn.
Sòng phẳng mà nói, nhiều công trình đã mang lại diện mạo mới, trở thành điểm nhấn đặc sắc của đô thị Bạc Liêu, khiến nhiều địa phương lân cận phải thèm thuồng.
Tuy nhiên, phía sau cái hoành tráng ấy còn ẩn chứa nhiều điều mà mọi người chưa biết. Để xây dựng 13 công trình phục vụ festival, lãnh đạo tỉnh quyết bỏ ra số tiền gần 500 tỉ đồng.
Trong đó, ngân sách địa phương chỉ có thể cân đối được trên 14 tỉ đồng, còn lại hơn 477 tỉ đồng phải nhờ vào nguồn vốn xổ số kiến thiết.
Khi tiến hành kiểm toán thì mọi người mới bật ngửa là các công trình này đều không thuộc danh mục ưu tiên đầu tư nằm trong kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm của tỉnh.
Công trình tiêu biểu cho chuỗi công trình phục vụ festival là Trung tâm triển lãm văn hóa - nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu. Đây là một trong những công trình được tỉnh quyết “xây cho bằng được” theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”.
Mục tiêu của dự án là phục vụ triển lãm, trưng bày các tác phẩm văn hóa, văn học và nghệ thuật; trung tâm hội thảo, hội nghị của tỉnh, quốc gia, khu vực và quốc tế; nơi giao lưu, gặp gỡ sáng tác của các văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh; đồng thời quảng bá hình ảnh Bạc Liêu...
Với mục tiêu như vậy, tỉnh Bạc Liêu tiến hành xây ba khối nhà chính như ba chiếc nón lá đan xen nhau, gồm: khối nhà hát 800 chỗ ngồi, khối nhà trưng bày rộng 2.326m2 và khối nhà hội thảo rộng 2.810m2.
Tổng vốn đầu tư cho toàn dự án là 222 tỉ đồng.
Khối nhà hát được hoàn thiện cuối tháng 10-2015, từ đó tới nay chỉ diễn ra một sự kiện mang tầm quốc gia là cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015, sau đó không có sự kiện nào được tổ chức, ngày thường cửa đóng then cài.
Hai “chiếc nón lá” còn lại hiện chưa xong, vẫn đang tiếp tục làm.
Nhằm có số tiền xây các công trình này, UBND tỉnh Bạc Liêu phải làm văn bản xin hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Bộ Kế hoạch - đầu tư có ý kiến trả lời là rất khó khăn, do nhu cầu vốn thực hiện dự án trên “vượt quá khả năng của ngân sách”.
Dù vậy, lãnh đạo Bạc Liêu vẫn quyết định đầu tư. Trong quyết định phê duyệt dự án, nguồn vốn được xác định là từ nguồn xổ số kiến thiết, tiền đấu giá quyền sử dụng đất và “dự kiến” xin ngân sách trung ương hỗ trợ 155 tỉ đồng.
Điều đáng nói là trong quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu tháng 12-2013, thời gian thực hiện hơp đồng là 10 tháng, tức là tháng 10-2014 mới hoàn thành, còn festival tổ chức vào tháng 4-2014, thế nhưng lãnh đạo tỉnh vẫn cho đây là công trình cấp bách phục vụ festival để chỉ định thầu.
Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu - nhà hát ba nón lá (Bạc Liêu) - có vốn đầu tư 222 tỉ đồng - Ảnh: Chí Quốc
Xây rồi... bỏ hoang
Một trong nhiều công trình gây nhiều điều tiếng ở Bạc Liêu là công trình nhà ở sinh viên của tỉnh. Theo hồ sơ dự án, ban đầu UBND tỉnh Bạc Liêu có văn bản giao Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu làm chủ đầu tư dự án với quy mô 6.060 chỗ ở cho sinh viên.
Đây là khu ký túc xá có 8 khối nhà ở 5 tầng với tổng diện tích sàn là 38.400m2, gồm các hạng mục như nhà ăn, khu dịch vụ, khu thể thao trong nhà, nhà trực, nhà bảo vệ, đường nội bộ cùng các trang thiết bị khác.
Tổng mức đầu tư hơn 263 tỉ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, ngân sách tỉnh và xã hội hóa.
Theo một báo cáo kiểm tra tình hình sử dụng ngân sách tại tỉnh Bạc Liêu của Bộ Tài chính, dù chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận bố trí vốn từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ nhưng tỉnh Bạc Liêu vẫn khởi công dự án.
Ban đầu tỉnh xin nguồn trung ương hỗ trợ trên 248 tỉ đồng, sau đó điều chỉnh “chỉ” xin 213 tỉ đồng nhưng cho đến thời điểm tháng 11-2015, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - đầu tư chưa có văn bản nào đồng ý cho tỉnh Bạc Liêu sử dụng nguồn tiền trái phiếu chính phủ để xây dựng công trình nhà ở sinh viên.
Do thiếu tiền, tháng 4-2012 Sở Xây dựng đề nghị điều chỉnh dự án còn 17 hạng mục gồm hai khối nhà 5 tầng, hai khối 12 tầng và một khối 9 tầng (hiện xong hai khối 5 tầng với tổng kinh phí 84 tỉ đồng từ nguồn xổ số kiến thiết).
Sau hơn một năm đưa vào sử dụng, chỉ có 6 sinh viên đăng ký vào ở.
Một số sinh viên cho biết sở dĩ họ không vào ở ký túc xá này bởi xa trường (cách trên 2,5km), các tuyến đường nối vào ký túc xá đều chưa hoàn thiện, đi lại rất khó khăn, xung quanh không có dịch vụ ăn uống trong khi ở tại ký túc xá lại không được nấu ăn...
Trước thực trạng không có sinh viên vào ở, tháng 11-2015 chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu có văn bản giao Trung tâm phát triển quỹ nhà và đất tỉnh Bạc Liêu phối hợp với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh hướng dẫn, vận động và tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên vào ở ổn định, yên tâm học tập.
Trong khi đó trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dương Hoàng Ân, phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ nhà và đất tỉnh Bạc Liêu, nói trước đây có 6 sinh viên vào ở ký túc xá nhưng hiện tại các em đều dọn ra ngoài hết vì ở đây... buồn.
Theo ông Ân, qua làm việc với Trường đại học Bạc Liêu và các trường cao đẳng trên địa bàn, trung tâm có văn bản đề xuất với UBND tỉnh Bạc Liêu giảm giá thuê còn 180.000 đồng/tháng/sinh viên, thay vì 240.000 đồng/tháng/sinh viên như mức phê duyệt trước đây, đồng thời làm hoàn thiện con đường nối từ đường Hùng Vương vào ký túc xá.
Những đề xuất này đều dựa vào nguyện vọng của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Trung tâm còn đề nghị chủ đầu tư (Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu) làm căngtin trong khu ký túc xá này để phục vụ việc ăn uống của sinh viên.
“Phải có sinh viên vào ở thì dịch vụ xung quanh mới phát triển. Còn hiện tại không có dịch vụ xung quanh nên sinh viên không muốn ở” - ông Ân chia sẻ.
Chi xài vô tội vạ
Một khu đất rộng trên 12.000m2 nằm ngay trung tâm TP Bạc Liêu nhiều tháng nay trở thành khu đất hoang. Người qua kẻ lại không hiểu chuyện gì sau khi ba khối nhà là trụ sở Tỉnh ủy cũ, tọa lạc tại vị trí này lần lượt bị đập bỏ.
Tháng 9-2011, UBND tỉnh Bạc Liêu giao toàn bộ khu đất cho Sở VH-TT&DL làm Bảo tàng Bạc Liêu.
Ban đầu chỉ cho sửa chữa nhỏ, chống lún, chống thấm, lát nền và thảm đỏ để bảo tàng trưng bày hiện vật. Qua nhiều lần thay đổi, công trình trở nên có tầm vóc quy mô với khoản tiền đầu tư gần 80 tỉ đồng.
Nhằm tiến hành các bước xây dựng, các khối nhà trên khu đất bị đập bỏ. Công trình đang thi công thì bất ngờ ngày 10-2-2015, UBND tỉnh Bạc Liêu có công văn đồng ý cho một doanh nghiệp xây dựng trung tâm thương mại - dịch vụ - giải trí tại khu đất.
Hai tháng sau ngày 16-4, đơn vị chủ đầu tư dự án bảo tàng là Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu có kiến nghị ngưng dự án đầu tư sửa chữa Bảo tàng Bạc Liêu, xin được xây mới bảo tàng ở một địa điểm khác.
Ngày 7-5, Sở Tài chính phê duyệt thanh lý vật liệu tận dụng từ việc phá dỡ các khối nhà với giá trên 42 triệu đồng. Con số này không đáng là bao so với 23 tỉ đồng đầu tư cho dự án Bảo tàng Bạc Liêu.
Theo ông Trần Thanh Tâm - giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu, chủ đầu tư dự án Bảo tàng Bạc Liêu, trách nhiệm liên quan tới dự án thuộc thời kỳ của giám đốc sở nhiệm kỳ trước. Hiện vẫn chưa có cá nhân, đơn vị nào bị xem xét trách nhiệm.
Không chỉ có dự án bảo tàng gây lãng phí ngân sách tiền tỉ, tại dự án “Bố trí sắp xếp lại dân cư ở khu vực rừng phòng hộ xung yếu ven biển trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2006-2010” cũng đang rơi vào tình trạng không ai chịu trách nhiệm.
Theo tìm hiểu, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án trên 65 tỉ đồng, do Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu làm chủ đầu tư.
Sau hai lần điều chỉnh, mức đầu tư của dự án đội lên trên 359 tỉ đồng, đồng thời đổi tên thành dự án “Đầu tư xây dựng mới khu dân cư, tái định cư hoàn chỉnh để di dời, sắp xếp tái định cư 915 hộ dân sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ xung yếu ven biển và tái định cư tại chỗ cho các hộ dân trong khu vực xây dựng dự án”.
Chủ đầu tư đã chi ra 6,4 tỉ đồng để thực hiện dự án ban đầu như: tư vấn lập dự án, thiết kế bản vẽ thi công, điều chỉnh dự án... nhưng rốt cuộc bị dẹp bỏ khi điều chỉnh tổng mức đầu tư và đổi tên dự án.
Tương tự, dự án “Đầu tư xây dựng trại sản xuất giống thủy sản mặn, lợ cấp I tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu” được triển khai từ năm 2008 đến 2013 với số tiền quyết toán gần 34 tỉ đồng. Khi được hoàn thành thì dự án này cũng... “đắp chiếu”.
Hiện UBND tỉnh Bạc Liêu cho phép bán đấu giá dự án trên với giá trên 27 tỉ đồng. Một cán bộ Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết muốn dự án vận hành được đúng mục tiêu ban đầu thì phải cần thêm khoảng... 10 tỉ đồng nữa.
Cho nên cách “gọn” nhất là bán dự án để thu hồi vốn dù ngân sách phải gánh khoản lỗ nặng nề.
Xây cầu 290 tỉ đồng rồi... để đó chờ đường dẫn
Cầu Giá Rai (thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) bắc ngang qua quốc lộ 1 và kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau nối đường Giá Rai - Cạnh Đền với đường Giá Rai - Gành Hào được khởi công từ đầu năm 2012 (trị giá 290 tỉ đồng) bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, do Sở Giao thông vận tải tỉnh Bạc Liêu làm chủ đầu tư.
Cầu hoàn thành năm 2013 thì bị... bỏ không cho tới nay. Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Bạc Liêu, còn phải làm khoảng 4km đường dẫn hai bên cầu với tổng vốn đầu tư hơn 230 tỉ đồng mới có thể đưa cầu Giá Rai vào sử dụng, nhưng hiện đang vướng nguồn vốn.
Ông Ngô Hữu Dũng, giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bạc Liêu, cho biết để giải quyết trước mắt, UBND tỉnh Bạc Liêu đã có chỉ đạo UBND thị xã Giá Rai làm đường tạm nối cầu Giá Rai với các tuyến đường hiện có, khi nào có vốn làm đường dẫn thì sở sẽ làm sau.
C.QUỐC
Từ từ sẽ hoàn thành “hai nón lá” còn lại
Đề cập tính hiệu quả của công trình Trung tâm triển lãm văn hóa - nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu, ông Trần Thanh Tâm - giám đốc Sở VH-TT&DL Bạc Liêu - cam đoan công trình nhà hát 3 nón lá khi đưa vào sử dụng sẽ phát huy hiệu quả.
“Bằng chứng là khi vừa mới hoàn thành “cái nón lá” đầu tiên là có ngay sự kiện liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc” - ông Tâm nhấn mạnh.
Còn ông Lê Minh Chiến, phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết công trình Trung tâm triển lãm văn hóa - nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu chỉ được trung ương hỗ trợ phần nhỏ, còn lại chủ yếu vốn của tỉnh.
“Thành ra tới bây giờ vẫn chưa hoàn thành hết “ba cái nón lá” được. Phải bố trí vốn từ từ thôi, năm nay mình hoàn thành được một cái nón lá rồi, mấy cái kia chỉ còn nội thất bên trong thôi. Tỉnh sẽ bố trí, khai thác sao cho có hiệu quả” - ông Chiến nói.
Nhiều dự án y tế, giáo dục thiếu tiền
Theo Bộ Tài chính, trong khi ở tỉnh Bạc Liêu có công trình không thuộc dự án cấp bách vẫn được tỉnh cấp tập xây dựng thì các dự án cấp bách thuộc ngành giáo dục - đào tạo, y tế... lại bị hụt đi trên 163 tỉ đồng.
Trong số đó có đến 7 dự án đầu tư thuộc ngành y tế được quyết định đầu tư từ năm 2010 vẫn còn dang dở.
Bộ Tài chính còn cho rằng lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cho một số đơn vị tạm ứng vốn ngoài dự toán được HĐND tỉnh thông qua với số tiền trên 754 tỉ đồng là không đúng quy định của Luật ngân sách. Đến cuối tháng 10-2015, tỉnh vẫn chưa thu hồi được số tiền trên 529 tỉ đồng.
(Nguồn: Bộ Tài chính)