“Nếu người ta cứ nhập nhèm 2 khái niệm “tiểu đường bệnh lý” và “tiểu đường vật lý” thì tương lai không xa, toàn bộ các tuyến đường và gốc cây trên toàn quốc sẽ bị ố bởi ammoniac” – thày lang Lương Văn Tâm, Tổng thư ký Hiệp hội thày lang Việt Nam bày tỏ sự lo ngại.
Để đi đến đề xuất này, Hiệp hội thày lang Việt Nam đã tiến hành một cuộc khảo sát trên quy mô toàn quốc.
Những con số từ khảo sát này vô cùng đáng lo ngại: - 100% các tỉnh thành trên toàn quốc đều có đường.
- 98,96% các tuyến đường đều đã từng bị tấn công bởi ammoniac thứ phẩm phát sinh sau quá trình lọc thận và bài tiết (dân gian có cách gọi ngắn gọn hơn nhưng để tôn trọng nghiên cứu của Hiệp hội thày lang nên chúng tôi không ghi rõ ra đây).
- 87,2% số người được hỏi thừa nhận đã ít nhất 1 lần tiểu đường trong đời.
19,8% phủ nhận. 10% xé phiếu khảo sát và hành hung người hỏi. - 100% số người được hỏi cho rằng tiểu đường là bệnh lý.
- 100% số người kết luận tiểu đường là bệnh lý thay đổi quan điểm sau khi xem 1 số ảnh tiểu đường ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, và 1 số đô thị khác. Họ đồng ý với tên gọi “tiểu đường vật lý”.
Theo các thày lang uy tín hàng đầu từng chữa cho hàng nghìn người mắc bệnh nan y chỉ bằng lá đu đủ phơi khô uống kèm mùn cưa, thì không biết từ bao giờ, bệnh tiểu đường là đi tiểu ra đường lại nhập nhèm với việc đi tiểu ra đường.
Đấy, ngay cả câu vừa rồi cũng rất rối rắm và nhập nhèm.
Tức là không biết từ bao giờ bệnh lý đi tiểu ra đường lại bị đánh đồng với việc đi tiểu ra đường Thái Hà chẳng hạn (xin lỗi quý độc giả sống ở khu vực Thái Hà, chúng tôi buộc phải đưa tên địa danh vào đây để tránh mất thời gian hiểu lầm thêm nữa).
Sự việc còn đặc biệt rắc rối thêm nữa nếu thực sự bệnh nhân tiểu đường lại tiểu đường. Khi đó, cơ quan chức năng, báo chí và dư luận rất khó để xử lý hoặc đưa ra thông điệp phản đối.
“Một người tiểu đường đã tiểu đường Thái Hà sáng nay và bị chụp ảnh” – đó hẳn nhiên là một cái tít báo quá rối rắm. Mặt khác, những bệnh nhân tiểu đường nhưng chưa bao giờ tiểu đường cũng cảm thấy rất phẫn nộ.
Chị Nguyễn Thị Ngọt, nick name trên Facebook là “Bé Hảo Ngọt” đã viết một status dài hơn 2.000 chữ, trong đó 560 chữ là quảng cáo bán mỹ phẩm, còn lại hoàn toàn sử dụng để lên án những kẻ tiểu đường đã làm những người tiểu đường như chị bị mang tiếng oan.
- Tôi mắc tiểu đường nhưng tôi chưa bao giờ tiểu đường từ năm 6 tuổi đến giờ! – chị Ngọt nhấn mạnh.
Hiện việc kiến nghị lên Bộ Y tế của Hiệp hội thày lang Việt Nam vẫn chưa tiến hành, vì các thày lang đang kêu gọi mọi người tìm ra tên gọi mới cho bệnh tiểu đường trong y học.
Hoặc ngược lại, tìm cách gọi mới cho hành vi tiểu đường vật lý ngoài đường phố. Một số người đề nghị đổi tên bệnh tiểu đường là “tiểu ngọt”. Một số khác đề nghị gọi hành vi tiểu đường là “tiểu bậy”.
Cả 2 ý kiến này đều đang được cân nhắc, tuy nhiên hiện lại vướng một vấn đề khi dịch ra tiếng Anh. Vì “tiểu ngọt” – tiếng Anh là “little sweet”, dịch trở lại tiếng Việt sẽ là “một chút ngọt ngào.