Tiềm ẩn nguy cơ sóng thần ở ven biển Việt Nam

Tuy khả năng xảy ra sóng thần ven biển và hải đảo Việt Nam thời gian qua không lớn nhưng vẫn hiện hữu, tiềm ẩn nguy cơ khi tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng khó lường.

Đó là cảnh báo được đưa ra tại hội thảo tham kiến về quy hoạch xây dựng hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần cho các vùng có nguy cơ cao do Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) tổ chức ngày tại Đà Nẵng ngày 10/10.

Theo nghiên cứu về các đới đứt gãy của Viện khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, trên Biển Đông, có 5 khu vực có khả năng là nguồn động đất gây sóng thần ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Việt Nam, gồm: đới hút chìm Manila, khu vực phía bắc đảo Luzon và Nam Đài Loan, đới đứt gãy Ryukyu; khu vực Nam đảo Hải Nam và khu vực ngoài khơi Nam Trung bộ.

Sau 30 – 60 phút xảy ra động đất từ các đới đứt gãy ngoài Biển Đông, sóng thần sẽ hình thành và tàn phá các vùng ven biển, với độ cao cực đại từ 3 - 4m, có nơi lên đến 10m, tiến sâu vào đất liền 3 - 4 km. Do khả năng tàn phá rất nghiêm trọng của sóng thần, nhiều quốc gia ven Biển Đông đã xây dựng hệ thống báo tin, cảnh báo sóng thần giúp người dân tiếp cận thông tin một cách nhanh nhất.

Ông Nguyễn Xuân Hiển, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khí tượng Thủy văn biển cho biết, tuy khả năng xảy ra sóng thần ven biển và hải đảo Việt Nam thời gian qua không lớn nhưng vẫn hiện hữu, tiềm ẩn nguy cơ khi tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng khó lường. Do đó, một hệ thống trực canh cảnh báo sóng thần ven biển là rất cấp thiết.

Hội thảo tham kiến về quy hoạch xây dựng hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần cho các vùng có nguy cơ cao do Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) tổ chức ngày tại Đà Nẵng ngày 10/10 (Ảnh: HC)

“Cần sớm xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần cho các vùng có nguy cơ cao, nhằm đảm bảo các thông tin cảnh báo sóng thần đến được người dân nhanh chóng, chính xác giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản khi thiên tai xảy ra” – ông Nguyễn Xuân Hiển nói.

Theo Thượng tá Phạm Hồng Thanh, đại diện Tập đoàn Viễn thông quân đội, hệ thống cảnh báo sóng thần được xây dựng từ các thiết bị điều khiển cảnh báo với chức năng gởi cảnh báo còi đèn, kết nối với đài truyền thanh và nhắn tin SMS đồng loạt cho tất cả các số điện thoại di động trong khu vực có nguy cơ cao. Các trạm và đài trực canh có khả năng hoạt động độc lập trong điều kiện thiên tai, mất điện trong vòng 10 ngày.

Dự kiến có 529 trạm/đài cần được quy hoạch cho 13 tỉnh miền Trung. Các trạm, đài trực canh đa phần được lắp đặt tại các đài truyền thanh, cơ sở hạ tầng sẵn có, chỉ xây mới tại những nơi không có hạ tầng phù hợp. Kinh phí thực hiện đề án gần 200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa.

Theo ông Nguyễn Xuân Hiển, nếu hệ thống tháp trực canh cảnh báo sóng thần được xây dựng, đưa vào sử dụng và tích hợp vào hệ thống điều khiển để có thể nhận và phát những thông tin cảnh báo bão, lũ lụt hay nước dâng do bão sẽ rất hữu ích đối với các địa phương và người dân tại khu vực này.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng kiến nghị, ngoài 25 kịch bản sóng thần hiện có cho các vùng ven biển miền Trung, cần tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn động đất cực đại và cơ cấu chấn tiêu của các trận động đất trong khu vực biển Đông để nâng cao độ chính xác của các kịch bản sóng thần và xác định thêm các kịch bản động đất gây sóng thần trên Biển Đông để các đài trực canh khi đưa vào hoạt động sẽ sát thực hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại