Bộ GD&ĐT vừa đưa ra Đề án về việc thay đổi cách dạy và học môn Lịch sử bằng cách “ép duyên”, biến lịch sử thành một phần của môn học “mới”: Công dân với Tổ quốc, bao gồm lịch sử, an ninh - quốc phòng, đạo đức - công dân(!)
Trước hết, xin nhấn mạnh rằng, không phải vì dạy sử mà người viết bài này “bênh vực” mà sẽ phân tích trên tinh thần khách quan, khoa học điều tai họa về một nhầm lẫn…
Hãy hiểu đúng về tích hợp
Tâm lý "sính ngoại", cao hơn nữa, "sùng ngoại" vừa là điểm mạnh nhưng cũng luôn là điểm yếu của tính cách Việt.
Có lẽ, tâm lí thích ăn sẵn vì được “dọn cỗ” từ lâu về chữ viết, văn hóa đến cách thức tổ chức xã hội, Nhà nước…, đã làm cho người Việt tự xa xưa cứ tin rằng cái gì của ngoại cũng tốt!
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cho biết, một quan chức của Bộ GD&ĐT mới đây viện dẫn rằng, người Mĩ cũng thế, một số bang của họ có môn học Công dân với chính quyền (Người Đô Thị, 11.11.2015, 18:44 PM), nên ta cũng có môn tương tự?
Quan chức đó không hề biết rằng, chỉ xét riêng cái vỏ của ngôn từ, “Công dân với Tổ quốc” (CDTQ) khác xa lắm "Công dân với chính quyền" (CDCQ).
Người ta đã “chẻ từ” theo từ điển như định nghĩa của Tự điển tiếng Anh, Integration là: hợp thành một thể thống nhất, bổ sung để trở thành một thể thống nhất.
Xin hỏi nếu cái gì cũng có thể cho vào một rọ thành cái gọi là thống nhất, sao không dạy một môn học Thần học như thời Trung cổ ở Tây Âu, bằng cách cho cả Toán, Lí, Hóa… thành 1 môn duy nhất?
Câu hỏi tiếp theo là các vị “nghĩ” ra cái tích hợp lạ kì này có biết rằng, bản thân lịch sử, tự nó, cũng là một môn tích hợp rồi?
Dẫn chứng có ngay - ở cái thời ai cũng học tiếng Nga, hầu hết đều biết Viện Sử học trong tiếng Nga là Viện các Khoa học(thuộc về, về, của) Lịch sử (Institut Istoritrecskic Nauk).
Rõ ràng, trong lịch sử, khi học về lịch sử của tiên tổ, của loài người, có dư đủ các bài học, kiến thức về an ninh, quốc phòng, về đạo đức của người yêu nước.
Đó là chưa kể các môn đặc thù như lịch sử nghệ thuật, lịch sử Vật lí…
Không hề ngẫu nhiên khi F. Engels nói “Chỉ có một khoa học duy nhất, đó là khoa học lịch sử”. F. Engel đã quá nhấn mạnh đến vai trò của lịch sử nhưng suy cho cùng, điều ông nói là đúng…
Những bất cập khi đưa lịch sử vào môn học mới
Những nhà giáo dục gần giống với các đầu bếp lừng danh. Các vua bếp có thể chế biến hàng trăm món ăn từ chừng đó (như mọi đầu bếp kém cỏi khác) thịt, rau, cá, gia vị…
Có một nguyên tắc bất di bất dịch: Không được trộn lẫn những thứ xung khắc – đối chọi nhau để gây ra độc hại, hoặc hương vị của món ăn này làm triệt tiêu cái ngon, cái tốt của thực phẩm kia.
Ai không biết câu ca dao "Con gà tục tác lá chanh/Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi/ Con chó khóc đứng khóc ngồi/ Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng"?
Cách TRỘN của Đề án “tích hợp” mà Bộ GD&ĐT môn học CDTQ sai và kém từ căn bản.
Thứ nhất, chỉ có 35 tiết học mà bắt học sinh gánh cả hàng ngàn năm lịch sử, cùng với hàng ngàn tiêu chí, chuẩn mực của an ninh quốc phòng cùng với vô số điều cần và cấm, không nên của đạo đức.
Như thế chẳng khắc gì những người soạn thảo đang nấu lẩu thập cẩm với “chất liệu” là các đề mục, tên gọi, cả thầy và trò ghi mỏi tay vẫn chưa… đủ thời gian.
Thứ hai, một khi đã phạm sai lầm từ thứ nhất, lịch sử sẽ bị biến thành cái nhạt nhẽo không rõ bến bờ vì lịch sử không thể được tiếp nhận bằng cách hời hợt và tẻ nhạt, vô lí như thế.
Các vị ấy nghĩ sao khi để “gánh” cả khối kiến thức đồ sộ, có thầy cô nào không cảm thấy bất lực?
Thứ ba, ai có đủ kiến thức để dạy cả lịch sử, tâm lí học, chính trị, quốc phòng ở các trường học phổ thông?
Hàng vạn giáo viên ở bất kì bộ môn, lĩnh vực nào đã được đào tạo về cái chuyên môn tổng hợp dị kì để đảm nhận có chất lượng môn học mới? Theo thiển nghĩ của tôi, những người đó xứng đáng trao học vị TS và học hàm GS ngay lập tức!
Thứ tư, có một bài báo viết rất hay rằng, ai cũng nói học sử để nuôi dưỡng lòng yêu nước mà quên mất rằng người ta yêu quê hương, giống nòi mới tìm đến lịch sử.
Học lịch sử để nuôi dưỡng lòng yêu quê hương, đất nước; mặt khác, chính vì tình cảm thiêng liêng đó có sẵn trong máu thịt của mỗi con người nên con người mới khát khao tìm về cội nguồn.
Nói như thế để thấy rằng, không phải học sinh chán sử mà là chán cái lịch sử mà những người viết SGK đã viết ra bằng sự khô khan, đơn điệu, vô hồn...
Thứ năm, ý thức cội nguồn, hiểu biết đủ và đúng những bài học từ sai lầm để không lặp lại là những điều không có gì thay thế được.
Cũng như các môn học khác, lịch sử chắc chắn đem đến những giá trị tự nó.
Xin hỏi rằng, phải chăng một phần vì muốn né tránh những sai lầm, chẳng có cách gì tốt hơn là xóa nhòa nó trong kiến thức? Nếu đây là điều giả định có thật thì quả là tai họa. Tôi rất mong đây là cách hiểu sai.
Vài kiến nghị
Trước hết, hãy rút kinh nghiệm là các tác giả của Đề án làm biến mất lịch sử đã nhầm lẫn từ căn bản. Tại sao không dũng cảm thay đổi khi biết rằng, một khi hàng ngàn người phản đối thì đó không còn là chuyện không sai nữa?…
Điều tiếp theo, nếu cứ thấy dư luận phàn nàn về học sinh chán sử mà tích hợp nó luôn vào cái chung chung nào đó để đỡ đau đầu thì sẽ để lại hậu quả khó lường.
Con người PHẢI BIẾT đúng, biết đủ về lịch sử của giống nòi. Do đó, phải thay một cách căn bản triết lí biên soạn SGK.
Nói có vẻ to tát chứ thực ra cuộc đời – cũng giống như lịch sử, giản dị hơn nhiều: Không che giấu, không làm “ảo thuật” với các con số, sự kiện vì, nếu làm thế, sẽ biến lịch sử thành sự phi lí. Thử hỏi trên đời này, có ai đồng cảm với điều vô lí?
Những con số phải có hồn, những sự kiện điển hình phải được trình bày sống động.
Thử nhìn lên màn hình khi truyền hình trực tiếp bóng đá, tiếng Anh là Live. Những hình ảnh đang xem thực sự đang sống cùng với người xem.
Lịch sử cũng thế: Nếu chính trị hóa quá mức sẽ trở thành sự khô cứng, nếu huyền thoại hóa nó quá đáng sẽ làm cho lịch sử bị biến thành khoa học… viễn tưởng.
Nếu lớp 6 học rồi (lịch sử VN hiện đại), lớp 9 học lại, rồi lớp 12 lại học nữa thì học sinh không chán mới là chuyện lạ.
Sau cùng, các nhà xây dựng Đề án hãy tự hỏi rằng, tại sao học sinh nước ngoài không chán sử như ta?
Cách đây chừng 20 năm, báo chí đăng tin ba nữ sinh Nhật Bản cùng cột tay nhau bằng khăn mouchoirs rồi nhảy từ trên lầu xuống.
Điều tra cho biết, các nữ sinh ấy thấy xấu hổ vì chỉ được điểm kém khi thi môn lịch sử nước nhà! Chẳng ai muốn thấy những cái chết như thế, nhưng “bài học” của vấn đề lại là sự ngợi ca… lịch sử.
Rất nhiều bài báo đã bàn về cái chông chênh, cái bất hợp lí và không ít cái sai trong những cái gọi là… đổi mới(!?) của cơ quan chuyên trách trong những năm gần đây.
Rất mong các nhà soạn thảo Đề án hãy trả lại cho lịch sử cái chức năng tự nó, đích thực là nó.
Bởi nếu làm ngược lại, hòa tan nó trong mọi cái chính trị, đời thường thì, chẳng khác gì “bắt” các thế hệ tương lai thờ ơ, nếu không muốn nói là khinh khi, bỡn cợt với tất cả mọi cái mờ nhòa, chạng vạng của hiểu biết…
Huế, 15.11.2015