Thủ tướng nói về thực hiện “quy hoạch báo chí”

Minh Đức |

“Chúng ta có khoảng 18 nghìn phóng viên, 35 nghìn người làm trong lĩnh vực báo chí. Không thể quy hoạch mà đẩy họ ra đường, không có việc làm”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói hôm nay 19-6.

Tại buổi gặp mặt hơn 100 lãnh đạo các cơ quan báo chí tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lắng nghe chia sẻ của các nhà báo.

Vấn đề “quy hoạch báo chí” được nhiều nhà báo quan tâm.

Chia sẻ với các nhà báo, Thủ tướng nêu rõ, mục đích của quy hoạch là để báo chí làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ và vai trò của mình, để báo chí phát triển nhanh mà vững chắc.

Thủ tướng cho biết, Bộ Thông tin truyền thông xây dựng đề án quy hoạch, lấy ý kiến các bộ ngành, cơ quan chủ quản, trình Bộ Chính trị nhiều lần rồi mới trình Trung ương.

Trung ương đã kết luận cơ bản đồng tình đề án đó, giao Chính phủ triển khai, phê duyệt quy hoạch và tổ chức thực hiện.

“Bây giờ cần phải làm vững chắc, dân chủ, lắng nghe ý kiến tất cả các đồng chí”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng cho biết, tại phiên họp Chính phủ vừa rồi, ông đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, trên cơ sở đề án đã trình Bộ Chính trị và Trung ương, làm việc với từng cơ quan, để nghe các cơ quan đề xuất việc sắp xếp thế nào, nội dung, yêu cầu ra sao, giải pháp và lộ trình rồi từ đó tổng hợp lên.

"Khi đó Thủ tướng phê duyệt thì chúng ta đã đồng thuận và cùng nhau chung sức làm", ông nói.

Thủ tướng so sánh cách làm quy hoạch báo chí giống như sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước: “Chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa điều chỉnh”.

Thủ tướng dẫn chứng, chúng ta từ 15.000 doanh nghiệp nhà nước đã sắp xếp, cổ phần hóa còn lại gần 500 doanh nghiệp mà không gây ra bất cứ chấn động gì.

“Cách làm là nghị quyết của của Trung ương Đảng có rồi, Chính phủ dự thảo đưa ra định hướng, từng bộ, ngành, từng doanh nghiệp quán triệt quan điểm chung này mà đề xuất. Khi đề xuất có rồi thì phê duyệt và triển khai làm.

Trong quá trình làm, thực tiễn nảy sinh vấn đề gì chúng ta sẵn sàng lắng nghe, điều chỉnh”.

Thủ tướng ví dụ, tổ chức đoàn Thanh niên có nhiều cơ quan báo chí như báo Tiền Phong, báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Hoa Học trò… 

Mỗi báo lại có báo in và báo điện tử. “Chúng tôi yêu cầu Trung ương Đoàn cùng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng ngồi lại, bàn xem nên giữ thế nào, nên phát triển thế nào cho phù hợp.

Chẳng hạn, Báo Thanh Niên, là tờ báo do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, vậy phải giữ và phát huy nó thế nào. Nếu báo không trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thì đưa về Ủy ban Quốc gia về Thanh Niên.

Thủ tướng dẫn chứng báo Vietnamnet trước đây là báo của doanh nghiệp, nhưng theo tinh thần Luật báo chí, doanh nghiệp không có báo, nên Vietnamnet đã trở thành tờ báo điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông.

“Chúng ta có 18 ngàn phóng viên, 35 ngàn người làm trong lĩnh vực báo chí, không thể để sắp xếp lại mà đẩy họ ra đường không có việc làm.

Doanh nghiệp nhà nước có 2 triệu người, giờ sắp xếp lại vẫn đảm bảo ổn định”, Thủ tướng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại