Thủ khoa Đại học Y có bố ngủ trong ống cống hiện sống ra sao?

Đình Phong |

(Soha.vn) - Thủ khoa nổi tiếng nhất năm 2013 ăn cơm nguội muối vừng vào mỗi sáng, ăn suất cơm trưa 15 nghìn để tiết kiệm.

5 người sống trong căn phòng 12m2

Câu chuyện về người bố thủ khoa Đại học Y Hà Nội 2013 Nguyễn Hữu Tiến sống trong ống cống, bươn trải hơn 10 năm ngoài thành phố làm nghề xe ôm, bơm vá xe đạp, sống cảnh màn trời chiếu đất nay đây mai đó đã từng gây một ấn tượng mạnh mẽ trong dư luận xã hội.

Hàng trăm độc giả, nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã gọi điện chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ gia đình Tiến. Trong đó, có một người có tấm lòng thiện đã tạo điều kiện cho gia đình Tiến sống trong căn phòng 12m2 ở phố Pháo Đài Láng, đồng thời làm bảo vệ, trông xe cho khu chung cư mini với mức thu nhập 2,5 triệu đồng/ tháng.

Không phải lo lắng về chỗ ở, 5 người gia đình Tiến bao gồm em trai sinh đôi Nguyễn Hữu Tiền (ĐH Bách khoa Hà Nội), chị gái, bố và mẹ chăm chỉ, tiết kiệm từng đồng để lo cho cuộc sống đắt đỏ ngoài thành phố.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Định (bố của Tiến) trải lòng: "Hàng ngày hơn 6 giờ sáng kể trời mưa hay nắng, đợi sau khi Tiến, Tiền đi học, chú lại cầm “đồ nghề” quen thuộc của mình ra góc đường trên phố Chùa Láng để làm xe ôm, bơm vá kiếm đồng ra đồng vào cho gia đình".

Chú Nguyễn Hữu Định (bố của thủ khoa ĐH Y 2013 Nguyễn Hữu Tiến) trải lòng về cuộc sống khi hai con học đại học.
Chú Nguyễn Hữu Định (bố của thủ khoa ĐH Y 2013 Nguyễn Hữu Tiến) trải lòng về cuộc sống khi hai con học đại học.

Nhớ lại thời gian sống trong ống cống một mình bươn trải, ngày đi làm, chiều tắm giặt nhờ bên khu tập thể, đêm về ống cống ngủ, ông Định thật thà nói: “Tôi thường nói với các cháu cảnh đi thuê trọ khổ và không thoải mái bằng ở ống cống. Nhưng giờ còn các con đi học, ngày tôi đi kiếm tiền, mẹ cháu ở nhà trông khu căn hộ, cơm nước, lo bảo ban hai đứa học hành. Nếu giờ hai đứa thuê trọ ngoài hay ở ký túc xá đều đắt đỏ, không đảm bảo ăn uống để học tập”.

Hơn một năm cả gia đình chuyển ra ngoài thành phố, căn nhà nhỏ trống hoác ở quê không ai trông nom, lúc nào nhà có việc, đến vụ cấy gặt mẹ Tiến mới lại tranh thủ về nhà vài hôm.

Ông Định kể rằng, căn nhà ở quê không có đồ đạc gì giá trị nhưng vừa rồi cũng bị trộm cạy cửa lấy cái chăn, can dầu 5 lít trị giá hơn 1 triệu đồng.

Được biết, sắp tới gia đình Tiến sẽ tìm nhà trọ rẻ hơn gần khu vực hai anh em học tập  để việc đi lại đỡ vất vả. Ông Định vẫn đi xe ôm, còn mẹ Tiến sẽ về quê trông nhà cửa, cấy ruộng.

“Mỗi tháng tôi chạy xe ôm cũng được khoảng hơn 3 triệu đồng, chị gái Tiến cũng vừa học vừa làm thêm bán hàng nhưng cũng không được là bao. Vì vậy, hai bố con đang kiếm phòng trọ nào rẻ khoảng 2 triệu/ tháng để đủ chi trả. Cũng may mắn, Tiến và Tiền đều không mất tiền học phí, nếu không…không biết xoay xở thế nào”, ông Định buồn rầu nói thêm.

Thủ khoa gia sư, nhịn đói để tiết kiệm tiền

Một năm học trôi qua, hai anh em sinh đôi Tiến và Tiền đang gấp rút ôn thi hết năm. Cũng giống như ngày học cấp 3, Tiến và Tiền không đi chơi đâu, hết giờ học ở trường là về nhà bật đèn đến khuya để học.

Hai anh em dùng chiếc máy tính được tặng để học tiếng Anh, tìm tài liệu.
Hai anh em dùng chiếc máy tính được tặng để học tiếng Anh, tìm tài liệu.

Việc học tập của Tiến ở trường ĐH Y rất vất vả, hầu như không có ngày nào nghỉ. Hàng ngày, sau thời gian học ở lớp, Tiến vào thư viện trường đến hơn 9 giờ tối để ôn luyện và đọc thêm sách.

Còn Nguyễn Hữu Tiền học song song hai trường là ĐH Bách khoa Hà Nội và Aptech theo học bổng cũng vất vả không kém. Ngày ngày Tiền học xong ở Bách khoa, em vội vàng đạp xe gần 10 cây số lên Hoàng Quốc Việt để học Aptech.

Sau giờ học, để tiết kiệm hai anh em đều nhịn đói  đến hơn 10 giờ đêm, về nhà ăn cơm với bố mẹ.

Nhớ lại kỷ niệm ngày Tiền bị tai nạn xe đạp, em vẫn còn thót tim kể lại: “Chiếc xe đạp thể thao trị giá 4,5 triệu đồng được một bác sỹ tặng. Nhưng vào đúng ngày sinh nhật hai anh em, Tiền bị xe máy tông, chiếc xe đạp văng ra bị xe buýt nghiền nát vụn. Cũng may mà Tiền không bị sao!”.

Ngoài việc học tập vất vả, Tiền và Tiến đều đi gia sư kiếm thêm thu nhập 1,2 triệu đồng/ tháng đỡ đần bố mẹ. Số tiền ấy hai anh em dành để ăn trưa, mua sách vở và tiết kiệm chứ không xin bố mẹ.

“Sáng trước khi đi học hai đứa ăn bát cơm nguội với muối vừng. Bữa trưa, hai đứa kể chỉ ăn suất cơm 15 nghìn đồng. Lần nào về chúng cũng kêu đói vì được ít cơm. Ở nhà bình thường Tiến, Tiền ăn 4 bát cơm đầy”, ông Định kể thêm.

Hai anh em Nguyễn Hữu Tiến (phải) và Nguyễn Hữu Tiền (trái) tâm sự về cuộc sống đại học sau 1 năm.

Hai anh em Nguyễn Hữu Tiến (phải) và Nguyễn Hữu Tiền (trái) tâm sự về cuộc sống đại học sau 1 năm.

Nhìn hai em gầy và đen đi, Tiền nói bị giảm 2 cân so với đợt Tết. Hỏi về suất cơm 15 nghìn đồng và số tiền tiết kiệm, hai anh em nhìn nhau: “Đói chứ chị, cơm của họ chỉ được 2 bát vơi so với bình thường. Ăn cơm ở ngoài vừa không ngon lại nhanh đói nên hai anh em nhịn để về ăn cơm mẹ nấu”.

Tiến và Tiền nói rằng thời gian vừa qua chỉ là khởi đầu, còn cả chặng đường học đại học, xin việc phía trước nên hai anh em đều đang cố gắng học tập, học thêm tiếng Anh…

“Em sẽ học lên thạc sỹ, tiến sỹ sau khi hoàn thành xong bằng cử nhân trường ĐH Y. Trước mắt, em phấn đấu ôn tập có kết quả tốt để kỳ này đạt học lực giỏi, giành học bổng”, Tiến bày tỏ sự quyết tâm.

Nhìn hai con trưởng thành, chú Định vừa mừng vừa lo khi nhìn về tương lai phía trước. Tiến và Tiền sẽ còn cả chặng đường học tập dài ít nhất là vài năm nữa, chưa kể xin việc sau khi ra trường…

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại