Thu hồi tài sản tham nhũng như "hy sinh đời bố củng cố đời con"

Hoàng Đan |

Đại biểu Huỳnh Nghĩa cho rằng, cử tri rất quan tâm đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng đạt rất thấp và cho rằng, đang có hiện tượng "hy sinh đời bố để củng cố đời con".

Tham nhũng chính sách

Phát biểu tại Quốc hội vào chiều 28/10, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhấn mạnh, tham nhũng là vấn đề nhức nhối của nhiều quốc gia trên thế giới. Bởi lẽ, tham nhũng là tình hình chính trị, thể chế suy yếu và để lại hậu quả xã hội nghiêm trọng...

Theo ông Phương, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo tham nhũng là giặc nội xâm còn Đảng ta gọi là nguy cơ đối với Đảng cầm quyền, thách thức, tồn vong của chế độ, quốc gia, dân tộc.

Đồng tình với báo cáo đánh giá công tác phòng chống tham nhũng năm 2015 có nhiều kết quả nổi bật, thể chế, chính sách PCTN được hoàn thiệ nhưng ông Phương cũng nêu rõ:

"Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ tham nhũng chỉ ở những người có chức, có quyền, lợi dụng quyền lực để mưu lợi riêng, lợi ích nhóm, biểu hiện ở tham ô, nhận hối lộ, cố ý làm trái pháp luật.

Không chỉ thế, tôi thấy còn một số hình thức tham nhũng khác, đó là tham nhũng hầu hết mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ người có địa vị thấp đến người có địa vị cao trong xã hội. Người không tham nhũng có khi bị người tham nhũng cô lập.

Tham nhũng đã làm lây lan đến người dân thường, chỉ cần họ có một chút chức trách gì đó như trông xe, giữ đền, làm văn phòng...

Tệ hại hơn nữa tham nhũng chính sách cho hộ nghèo, chế độ chính sách cho người có công, liệt sỹ, kể cả chính sách cho người đã chết.

Hình hài tham nhũng xuất phát từ những cơ hội do môi trường tạo ra, cấp dưới cũng như cấp trên.

Tiền thất thoát, hối lộ có thể xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, thanh tra, kiểm toán... Các công chức có thể tạo cớ, yêu cầu thêm thủ tục, trì hoãn... để tạo lệ phí làm luật, bôi trơn".

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình).
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình).

Một dạng tham nhũng tinh vi nhất, lâu nay ít được đề cập và trong báo cáo của Chính phủ nêu không rõ mà ông Phương nhắc tới, đó là tham nhũng chính sách.

"Thông qua việc mua chuộc, chạy chọt sửa đổi, ban hành các văn bản pháp luật, điều chỉnh quy trình mà ở đó tạo ra cơ sở pháp lý, những kẽ hở tạo lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân", ông Phương nhìn nhận.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cũng đánh giá, việc xử lý tham nhũng chưa đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi của dư luận xã hội, công tác điều tra, truy tố, xét xử loại tội này thường kéo dài. Đây là điểm rất đáng quan tâm.

"Thiệt hại do tham nhũng gây ra trên 958 tỷ đồng và gần 10.000 m2 nhưng thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt 55,8% về tiền và 29,5 % về đất.

Như vậy, tài sản tham nhũng thu hồi thấp và đây là vấn đề cử tri quan tâm, cho rằng, đang có chuyện "hy sinh đời bố củng cố đời con".

Tôi đề nghị Quốc hội xem xét ra nghị quyết quy định tội phạm tham nhũng, tài sản thu hồi là căn cứ để tòa án xem xét khi xét xử, không cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ khi tài sản thu hồi chưa đạt 100%.

Tỷ lệ tham nhũng thu hồi càng ít thì mức án càng cao. Như vậy mới có tác dụng răn đe tội phạm tham nhũng, thu hồi tài sản cho nhà nước

Đồng thời, quy định, tội phạm tham nhũng chỉ được tha tù, đặc xá khi thu hồi đạt được ít nhất 80% tài sản đã gây ra thiệt hại cho nhà nước", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Giải pháp chống tham nhũng chưa đủ mạnh

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Tp Hồ Chí Minh) cũng bày tỏ sự đồng tình với báo cáo của Chính phủ nhưng cho rằng, nhiệm vụ giải pháp chưa đủ mạnh, đáp ứng được thực tế đặt ra và nhiều nhiệm vụ giải pháp không khả thi.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm.

"Lợi ích nhóm ở đâu? Giải quyết vấn đề lợi ích nhóm này như thế nào để không còn tham nhũng trong lợi ích nhóm. Tôi chưa thấy bóng dáng về mặt giải pháp.

Và điều quan trọng có tính tổ chức rất nguy hiểm, vậy thì giải pháp nào để giải quyết tham nhũng có tính tổ chức rất nguy hiểm này. Tôi chưa thấy yên tâm về vấn đề này...", bà Tâm nêu ý kiến.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Đại hội 12 tới đây, cử tri đề nghị Đảng cần kiên quyết loại trừ những người lãnh đạo thiếu gương mẫu, suy thoái đạo đức, vì nhân sự là khâu quyết định mọi vấn đề.

“Tôi cho rằng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị của chúng ta, nếu thực sự vì dân, quyết tâm dựa vào dân, nghiêm khắc với mình, làm theo huấn thị và di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì hoàn toàn có thể cải thiện, sửa đổi, khắc phục được”, ông Nghĩa phát biểu.

Ông cũng nói thêm: “Rất nhiều việc, nhiều thiệt hại là do khuyết điểm, sai phạm, suy thoái đạo đức của cán bộ, công chức, bộ máy của chúng ta, chẳng phải do âm mưu bên ngoài hay thế lực thù địch nào. Cây có lõi tốt thì không sợ mối mọt.

ĐB Trần Đình Nhã (Thừa Thiên – Huế) cũng cho hay, cử tri và nhân dân rất quan tâm tới công tác phòng chống tham nhũng.

Trong các buổi tiếp xúc cử tri, ĐBQH sẽ phải trả lời cử tri về vấn đề này. Vậy sẽ phải trả lời cử tri thế nào?

ĐB Nhã nêu: “Tôi sẽ trả lời trong 10 năm qua, cuộc chiến chống tham nhũng chúng ta đang trụ vững. Như thế là tốt rồi”.

ĐB Nhã tiếp tục đặt câu hỏi: nếu cử tri hỏi, vậy bao giờ chúng ta sẽ phản công thì sao? Không thể cứ giằng co mãi được?

Theo ĐB Nhã, phải dựa vào Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi trong thời gian tới, và dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2018.

“Tôi đồ rằng năm 2018 chúng ta sẽ bắt đầu phản công tham nhũng. Tôi thấy câu trả lời với cử tri như thế là chấp nhận được”, ĐB Nhã chia sẻ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại