Kính thưa bác,
Cứ vào thời điểm này là lòng con lại xốn xang, vì con biết, cả đất nước Việt Nam này sắp được ngắm con vào thời khắc quan trọng nhất của một năm.
Hỏi con có vui không, có hạnh phúc không, thì con trả lời ngay rằng, con rất vui, rất hạnh phúc vì con đã mang đến niềm vui cho hàng triệu, thậm chí là hàng tỷ con người.
Nhất lại là, cái niềm vui con mang đến, lại ở cái thời khắc quan trọng của một năm. Cái thời khắc mà hàng triệu ánh mắt hướng lên trời và ao ước.
Ở đó, chao ôi, con tỏa sáng rực rỡ. Thế giới này lúc đó chỉ có con và bầu trời. Con rực rỡ muôn màu. Con lộng lẫy muôn kiểu dáng.
Người ta kéo nhau từ muôn phương về thành phố ngắm con. Người ta xóa hết muôn vàn lo toan, muôn vàn sầu não, thậm chí cả khổ cực, chỉ để hướng về con.
Ngay cả bác thôi, bác ơi, khi bác ngắm con, bác hoàn toàn dẹp bỏ hết mọi vất vả, cực nhọc ngày thường đi, đúng không?
Vì lúc con sáng nhất, con đã nhìn thấy bao nụ cười của những đồng bào nghèo như bác, ở bên dưới. Thậm chí, họ vỗ tay khi con thực hiện xong cái sứ mệnh đặc biệt của mình.
Từ niềm vui ấy, con xin minh oan cho một người, nên mong rằng bác đừng buồn sau khi con nhắc tên nhân vật này ra, dù con biết, có thể cộng đồng mạng sẽ ném đá con tơi tả. Đó là ông Phan Đăng Long, của Ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội ấy ạ.
Ông Long nói, người nghèo cần xem bắn pháo hoa để quên đi nghèo khó vất vả, bác thấy đúng, phải không? Ít nhất là trong thời khắc bác nhìn lên bầu trời chiêm ngưỡng sự lộng lẫy của con, phải không?
Bác biết không, khi con dõi đôi mắt ngà ngọc của con xuống dưới loài người đang đông đúc, trong đám đông ấy, thực sự, con không thấy nhiều người giàu.
Người giàu họ lên những quán cà phê sang trọng nhất trên tòa nhà cao chọc trời; Họ cùng ở yên trên những cao ốc sừng sững; hoặc như bar ngoài trời đẹp nhất để ngắm con.
Tuy nhiên, con cũng nói một sự thật là người giàu họ không mấy quan tâm đến con đâu dù họ cả năm trời cũng tất bật, cũng vất vả không kém gì người nghèo đâu.
Nhưng có lẽ, họ hưởng thụ cuộc sống đã nhiều, nên việc con có sáng thế chứ thêm cả đêm trên bầu trời rực rỡ cũng không phải là thứ kích thích niềm vui cho họ.
Đấy, bác thấy đấy, người giàu trông thế mà cũng bất hạnh. Chẳng có được mấy cái niềm vui hồn nhiên như người nghèo đâu.
Thưa bác!
Ở trên, con đã trả lời những câu hỏi về việc tại sao con vui. Những điều đó con không trả lời thì nhiều người cũng có thể hiểu (trừ chuyện minh oan cho ông Long).
Và bây giờ, con lại chia sẻ với bác về những nỗi buồn của con. Bác thấy đấy, con mang lại niềm vui cho bao người nghèo vào thời khắc quan trọng nhất trong năm, thế mà giờ bao oan trái đang đổ lên đầu con.
Người ta cho rằng tại vì con mà sự vô cảm của con người được phơi bày. Rằng những người nghèo như bác phải nhận gạo cứu trợ hàng năm nhưng người ta vẫn cho cho con tỏa sáng để tiêu tiền.
Tại sao người ta không sửa một từ thôi, để con nhẹ lòng hơn, là không phải “tại vì con” mà là “nhờ có con”? Bác đã nhận thấy nỗi hàm oan của con hay chưa?
Rồi người ta cho rằng con đã giúp cho một số bộ phận cơ hội và lợi ích có cơ hội tiêu tiền công ích một cách hợp pháp trong khi số tiền ấy có thể giúp đỡ bao nhiêu gia cảnh bần cùng, những gia cảnh mà đang phải nhận gạo cứu trợ hàng năm.
Oan lắm bác ơi. Con chẳng “giúp” ai cả mà người ta nghĩ con không biết nói năng nên người ta lôi con ra đốt. Phận pháo hoa, việc của nó là tỏa sáng thôi, chứ con nào đâu biết gì.
Bác biết không, mỗi đợt lễ lạt, người ta thường mang con đến những nơi trung tâm nhất để đốt. Giá mà con biết nói, biết chống cự, con sẽ chống cự tới cùng để được làm một việc mà con tâm nguyện.
Đó là, xin được cháy ở những vùng xa xôi hẻo lánh, những vùng quê nghèo, những trại dưỡng lão người neo đơn, những trung tâm cơ nhỡ mà cán bộ còn khổ hơn cả người cơ nhỡ, những góc phố có trẻ con không nhà đang co ro...
Để làm gì ư? Để cho người đời nhìn và cảm với những tăm tối phận người mà nhiều khi phải dùng đến thứ ánh sáng hư ảo và phù phiếm của con để soi vào cho rõ.
Con mang lại niềm vui cho người khác thì con cũng muốn người khác, từ ánh sáng của con mà nhìn kỹ những nỗi buồn, nỗi đau lớn nào đó còn đang hiện hữu trong cuộc sống này.
Dù con biết, nỗi buồn, nỗi đau thì không lúc nào có thể hết. Vấn đề là nó còn nhiều hay còn ít. Nếu còn nhiều quá, dân tình còn khổ quá, thì con xin được thú tội với bác rằng, con không nỡ nào sáng trên nỗi buồn khổ của họ được.
Nhất lại là, để con được sáng, là tiền mồ hôi nước mắt của người dân, trong đó có những người nghèo khổ như bác. Những người mà trước khi đi xem con, họ mới nhận tiền, nhận gạo cứu trợ từ những tấm lòng hảo tâm...
Kính thưa bác!
Lại một năm nữa qua đi và một năm mới lại đến. Bác sẽ lại được gặp con trong thời khắc quan trọng. Lúc đó, bác cũng như bao người nghèo khác đều nguyện cầu cuộc sống sung sướng hơn.
Là phận pháo hoa, tỏa sáng huy hoàng trong vài phút đó thôi, nhưng con mong rằng, sau phút huy hoàng của con thì chẳng còn nỗi buồn nào “le lói suốt trăm năm nữa”.
Và cũng mong cho chúng ta, con và bác, đều có những niềm vui thực sự trọn vẹn khi chúng ta cùng tìm đến nhau trong thời khắc quan trọng của một năm mới!