Thi hành án tử tốn 300 triệu đồng: Có nên dồn tử tù vào một chỗ?

Trường Giang |

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật tạm giam, tạm giữ chiều 19/6 nhiều ĐBQH cho rằng, dù độc lập quản lý trại tạm giam,tạm giữ cũng khó giảm tình trạng bức cung, nhục hình so với quản lý hiện nay

Tốn kém “quản” tạm giam, tạm giữ nếu độc lập

Theo ĐB Phạm Thị Kim Chi (Phú Yên), qua khảo sát trại tạm giữ, tạm giam trên địa bàn tỉnh Phú Yên nhiều ý kiến cho rằng nên giữ nguyên mô hình trại tạm giam, tạm giữ theo hiện tại thì thuận lợi cho điều tra.

Tuy nhiên, để chống bức cung nhục hình thì phải trang bị ghi âm, ghi hình.

“Các cơ sở tạm giữ, tạm giam hiện nay thuộc huyện, tỉnh quản lý khi có tố cáo bức cung, nhục hình thì độ tin cậy của những băng ghi âm, ghi hình có đủ khách quan?”- ĐB Kim Chi đặt câu hỏi.

Vì thế, ĐB Chi cho rằng, nên quản lý trại tạm giam, tạm giữ theo mô hình dọc, cụ thể là đưa về Tổng cục 8 trực thuộc Bộ Công an quản lý sẽ khách quan hơn, tránh sự nghi ngờ.

Tuy nhiên, ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) lại cho rằng, nên giữ nguyên mô hình quản lý hệ thống cơ sở trại tạm giam, tạm giữ theo hiện hành, nghĩa là trại tạm giam cấp huyện/tỉnh thì do cơ quan công an cấp huyện/tỉnh trực tiếp quản lý...

ĐB Thường lập luận, công tác quản lý giam giữ thời gian qua mô hình này cho tới giờ phút này không nảy sinh vấn đề quá lớn.

Khi tổ chức bộ máy độc lập theo ngành dọc phải xây dựng thêm 700 nhà tạm giam, 700 nhà tạm giữ thì không phù hợp với điều kiện hiện nay.

Hiện nay nhà tạm giữ cấp huyện và cả lực lượng công an cấp huyện bảo vệ an toàn cho nhà tạm giữ này. Tách ra theo hệ thống ngành dọc thì kinh phí đầu tư lớn, không khắc phục được bất cập hiện nay.

Hiện đang cố gắng giảm tạm giam, giảm nhà tù thì giờ lại dự kiến xây dựng thêm thì không hợp lý.

Từ thực tế quản lý, ĐB Lê Đông Phong – Phó Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, hiện nay trong thực tế, Bộ Công an đã có hệ thống tổ chức quản lý từ cơ quan bộ đến các địa phương.

Ở cơ quan Bộ, hệ thống này do Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp quản lý. Ở Công an cấp tỉnh, trại tạm giam là một đơn vị độc lập, không có mối liên hệ bên trong với cơ quan điều tra.

Ở cấp tỉnh có Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp quản lý việc này, do một Phó Giám đốc Công an tỉnh quản lý, cấp huyện cũng có đội thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.

Như vậy, hệ thống quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ tách riêng với cơ quan điều tra đã được thực hiện từ lâu.

Việc đưa người bị tạm giữ, tạm giam vào nhà tạm giữ, trại tạm giam phải tuân thủ những quy định chặt chẽ, chịu sự kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp chứ không phải thực hiện tuỳ tiện.

Chia sẻ mong muốn chống bức cung, nhục hình, ĐB Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) cho rằng cần phải tạo ra cơ chế hạn chế tối đa việc này.

Tuy nhiên, dự thảo luật cũng đã tách quản lý tạm giam tạm giữ thành những cơ quan độc lập, nên không nhất thiết phải thành hệ thống ngành dọc.

“Việc này gây tốn kém cho việc xây dựng cả bộ máy, cán bộ. Và nói rằng nếu quy định thế này sẽ hạn chế bức cung, nhục hình cũng không phải.

Nên giải quyết chính bằng công tác cán bộ và thủ tục pháp lý chặt chẽ sẽ hạn chế được việc này”- ĐB Hồ Trọng Ngũ chia sẻ.

Vì thế, ông Ngũ nhấn mạnh, không nên thành lập hệ thống riêng tốn kém bộ máy, cơ sở vật chất mà chưa chắc đã hạn chế được bức cung nhục hình.

“Bức cung nhục hình giải quyết chính là công tác các bộ, các thủ tục pháp lý. Chúng ta thực hiện tốt, chặt chẽ thì khắc phục được”- ĐB Ngũ nói.

300 triệu đồng thi hành án tử hình

Đối với quản lý người thi hành án tử hình, ĐB Thường bày tỏ sự băn khoăn nếu dồn tất cả bị can bị thi hành án tử hình vào 1 trại tập trung thì khó khăn cho công tác bảo vệ, rủi ro lớn.

Hiện nay tách ra cho mỗi địa phương quản lý vài bị can tử hình đã rất vất vả, khi bị tuyên án tử hình thì tâm lý rất phức tạp.

Nếu giờ giam tập trung các đối tượng này vào một nơi thì không hiểu Bộ công an xử lý ra sao, sức ép của cán bộ quản lý như thế nào?

“Thực hiện thi hành án hiện nay đang rất tốn kém. Đơn cử, mỗi trường hợp thi hành án tử hình đưa từ Lào Cai xuống Sơn La cũng tốn 200 – 300 triệu đồng, hay từ Thái Bình vào Nghệ An cũng tốn tương tự.

Nhưng quan trọng là không an toàn”- ĐB Thường trăn trở. Vì thế, ông Thường đề nghị vẫn nên giam các đối tượng tử hình tại các trại tạm giam cấp tỉnh như hiện nay.

Đồng thời, Quốc hội tạo điều kiện để Bộ Công an nghiên cứu tổ chức xe tử hình lưu động. Riêng với khiếu kiện của người tạm giam, tạm giữ, ông Thường đề xuất phải giải quyết theo khiếu nại tư pháp chứ không nên giải quyết hành chính.

ĐB Hồ Trọng Ngũ thì cho rằng, thi hành án tử hình không thể gom vào một chỗ nên để nhà tạm giam nhưng kiên cố hoá nhà tạm giam tử hình.

Với quy định người bị giam giữ nếu vi phạm nội quy cơ sở giam giữ thì tùy mức độ vi phạm mà bị cùm chân, ĐB Kim Chi đề nghị phải bỏ quy định này do người bị tạm giam, tạm giữ chưa hẳn đã là tội phạm, quy định như vậy sẽ vi phạm quyền con người.

Bà Chỉ cho rằng, với trường hợp như vậy chỉ nên giam họ ở phòng cách ly là đủ.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại