“Thấy rung, bỏ chạy rồi mà người ta lại giục quay lại”

Thanh Uyên |

Gần 1 ngày sau vụ sập giàn giáo ở Formosa, nhiều nạn nhân vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại. Có người trong cơn hôn mê hoảng loạn vẫn nói: “Xuống đi, xuống đi, nhanh không chết”.

“Sếp bảo an toàn, quay lại làm việc đi”

Nạn nhân Phạm Anh Dũng (SN 1992, quê Quảng Trạch – Quảng Bình) gần như không thể nói được lên lời khi chúng tôi bắt đầu hỏi chuyện.

Dũng bị thương ở đầu và chân, không nguy kịch tính mạng như nhiều đồng nghiệp của mình. Tuy nhiên, do bị rơi từ độ cao 30m trong đêm mưa lạnh, lại tiếp đất trong sự hoảng loạn và tiếng la hét của những người xung quanh, khiến Dũng bị sốc nặng.

Khoảng 7 rưỡi tối 25/3, bọn em nghe thấy tiếng kêu lạch cạch. Giàn thủy lực sụt xuống như sụt cầu thang máy khoảng 10 phân. Nhiều người hô nhau bỏ chạy vào cầu thang thoát hiểm.

15 phút sau, các anh lớn bảo: “Sếp bảo an toàn, quay lại làm việc đi”, Dũng kể.

Dũng bảo, lúc đó dù trong người còn có chút kinh hãi, nhưng vì anh em đều quay lại cả nên Dũng cũng đành quay lại. Chỉ vài chục phút sau, Dũng và các công nhân khác lao thẳng xuống đất.

"Em chỉ kịp nghe tiếng rầm một cái thì đã thấy đau điếng. Nhìn sang hai người bên cạnh em bị thương nặng, máu tung tóe. Còn mấy người tiếp đó thì không ú ớ được một tiếng nào, họ gần như chết ngay lập tức.

Bọn em – những người còn sức để gào – thì gào lên thất thanh. Em cũng bị sắt thép đè lên gãy cổ chân, nhưng em cũng hét.

Khoảng một tiếng rưỡi sau thì người ta đưa bọn em lên được. Nhưng thời gian ngồi chờ trong đống đổ nát đó thật kinh khủng”, Dũng im bặt rồi rùng mình.

Khi được hỏi về công tác bảo đảm an toàn lao động tại công trường trong thời gian trước đó, Dũng cho hay, anh đã làm việc tại đây hơn một năm, và “lúc nào các sếp cũng nhắc nhở an toàn là trên hết”.

Phúc tổ ba đời nhà tôi to quá. Chết quả nửa mà con tôi còn sống. Thật khủng khieps

Mẹ của Dũng bần thần: "Phúc tổ ba đời nhà tôi to quá. Nhiều người tử vong nhưng con tôi may mắn còn sống. Vụ tai nạn thật khủng khiếp!".

Dũng chia sẻ: “Họ (ý nói chủ thầu người nước ngoài - PV) cũng nhắc bọn em về các nguyên tắc an toàn lao động, như ở độ cao trên 2m là phải thắt dây an toàn, đội mũ bảo hiểm là cài quai… Nếu vi phạm thì sẽ bị phạt tiền khá nghiêm khắc.

Tuy nhiên, ở thời điểm xảy ra tai nạn, bọn em đứng trên một mặt phẳng rộng gần 100m2, không cần cài dây an toàn. Hơn nữa, sập cả giàn giáo từ độ cao 30m bất ngờ như thế, cũng không có cách nào không bị thương cả”.

"Bỏ chạy thì bị giục quay lại..."

Cũng may mắn thoát chết nhưng không may mắn như Dũng, người đồng hương của cậu là nạn nhân Đàm Trung Hiếu (SN 1988, quê xã Quảng Tùng – Quảng Trạch – Quảng Bình) đang nằm mê man từ tối qua đến nay.

Hiếu bị thương nặng ở đầu, nứt xương gò má, dập nát 3 ngón tay, gãy một cẳng tay. Hiếu được đưa vào hồi 11h đêm qua và bất tỉnh mấy tiếng đồng hồ. Từ lúc tỉnh lại, Hiếu chỉ nói thì thào được mấy tiếng: “Bỏ chạy rồi mà người ta lại giục quay lại”.

Nạn nhân Đàm Trung Hiếu.

Nạn nhân Đàm Trung Hiếu.

Vợ nạn nhân Hiếu - chị Đàm Thị Lan – kể lại trong nước mắt: “Anh không nói được gì. Chỉ rên khẽ rồi nằm im từ đêm qua. Đến sáng nay, câu đầu tiên anh kể là “thấy rung rung, bỏ chạy thì bị giục quay lại. Quay lại thì rơi”.

Nhận được tin báo chồng bị vùi trong đống đất cát, chị Lan gửi đứa con nhỏ cho người quen, rồi mang bụng bầu 4 tháng đón xe khách đi Hà Tĩnh ngay trong đêm.

Chị Lan, vợ nạn nhân Hiếu.

Chị Lan, vợ nạn nhân Hiếu.

Chị bật khóc: “Tưởng đâu con chào đời không kịp nhìn mặt bố, anh em gia đình khóc hết nước mắt. Ra tới nơi thấy chồng được như thế này cũng là mừng rồi. Không chết cũng là mừng rồi”.

Anh Tưởng Như Vũ (SN 1985), anh họ của Hiếu may mắn thoát chết do làm ca ban ngày bàng hoàng tiếp lời chị Lan: “Suýt chút nữa tôi mất em. Mà cũng suýt chút nữa gia đình tôi có hai cái tang. Thật kinh khủng!”.

Anh Vũ cung cấp thêm thông tin, Hiếu vừa đi làm cho công ty Nibelc  (trụ sở Quảng Bình - cung ứng lao động cho công ty Sam Sung làm việc tại Formosa) được 20 ngày, tiền công mỗi giờ 21 ngàn đồng.

Mỗi ngày các công nhân được yêu cầu làm việc đủ 12 tiếng, để có số tiền lương trung bình khoảng 7 triệu đồng/tháng.

Anh Vũ (áo đen) ngồi chăm

Anh Vũ (áo đen) ngồi chăm Hiếu ở viện.

“Trước khi vào làm việc, tôi phải đóng vào 5 triệu đồng ( Vũ làm từ năm 2013), còn Hiếu phải đóng vào 3 triệu (từ tháng 1/2015).

Công ty giải thích số tiền này dùng để mua trang thiết bị lao động, tiền trang bị công cụ lao động, tiền cược, tiền ăn…. Nếu không đóng thì không được nhận.

Nhưng nghĩ thôi thì 5-7 triệu không nhiều, nhưng được cái ổn định nên chúng tôi mới đi làm.

Hiếu làm thợ xây ở quê, tháng được đôi ba triệu chi tiêu ra vào. Ra Tết túng bấn nên khi công ty yêu cầu thế, vợ Hiếu cũng phải vay khắp nơi mới đủ 3 triệu đấy. Giờ nó lại bị như thế này cũng tội.

Cứ tưởng sẽ ổn định được cuộc sống, ai ngờ tình cảnh giờ thế này. Rồi đây chắc tôi cũng nghỉ làm luôn chứ không nghĩ chuyện quay lại đó nữa”, anh Vũ bùi ngùi nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại