Thanh niên trêu ghẹo khiến thiếu nữ chết thảm phạm tội gì?

Hoàng Đan |

Theo luật sư Đạt, nếu hành vi trêu ghẹo của hai thanh niên kia sau khi được cơ quan điều tra xác định là nguyên nhân dẫn đến cái chết của cô Hồng thì có thể bị truy cứu tội Giết người.

Có thể bị truy cứu tội Giết người?

Một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra vào khoảng 17h47 phút ngày 8/8, tại chợ Gốt, Đông Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội.

Theo lời kể của những người chứng kiến, vào thời gian trên, nạn nhân Trần Thị Hồng (18 tuổi, ở đội 3, thôn Đông Hạ, xã Đông Yên, Quốc Oai, Hà Nội) đang trên đường từ Khu công nghiệp Phú Nghĩa về nhà.

Khi đi đến đoạn chợ Gốt thì bị hai thanh niên cởi trần, đi xe máy Dream đánh võng bên cạnh và buông lời trêu ghẹo. Sau khi bị hai thanh niên đập vào vai, nạn nhân bị chệch tay lái, ngã ra đường.

Đúng lúc đó, chiếc xe tải mang BKS 29C-03161 của tài xế tên Hạnh (Phú Nghĩa, Chương Mỹ) đi ngược chiều do không xử lý kịp đã chèn ngang người cô gái. Nạn nhân đã tử vong tại chỗ.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn Luật sư Tp Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là vụ tai nạn giao thông rất đáng tiếc.

"Nếu đúng như nhân chứng kể thì với hành vi của hai đối tượng thanh niên này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến những người đang tham gia giao thông vào cùng thời điểm đó.

Đồng thời, nếu như sau khi điều tra cơ quan công an xác định đúng hành vi trêu ghẹo trên thì hai đối tượng này đã gián tiếp gây nên cái chết của nạn nhân do không thể làm chủ được tay lái bởi sự tác động một cách thô bạo.

Vì vậy, nếu đúng như trên thì với hành vi của 2 đối tượng này cần phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3, điều 202 BLHS về tội: Vi phạm qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Theo đó, thì khung hình phạt sẽ từ 7- 15 năm tù do gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng", luật sư Thảo nhận định.

Hiện trường vụ tai nạn xảy ra.
Hiện trường vụ tai nạn xảy ra.

Còn luật sư Bùi Quốc Đạt (Đoàn Luật sư Tp Hồ Chí Minh) cho hay, để có câu trả lời chính xác cần có biên bản khám nghiệm hiện trường và có kết luận từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Công an và cơ quan điều tra).

Vì đây là vụ việc nghiêm trọng có khả năng khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS và BLTTHS.

Đặc biệt là phải xác định được nguyên nhân dẫn đến cái chết là do hành vi của hai thanh niên đập vào vai thiếu nữ này hay bởi hành vi điều khiển xe của tài xế Hạnh. Từ đó mới có cơ sở và căn cứ định tội danh.

"Tuy nhiên, theo thông tin mà báo chí phản ánh, đối với hành vi của hai thanh niên, nếu sau khi điều tra, cơ quan điều tra xác định, kết luận đây là hành vi dẫn đến cái chết của cô Trần Thị Hồng.

Nghĩa là tài xế Hạnh quá bất ngờ về việc cô Hồng ngã ra đường,và không phản ứng kịp để né tránh và do đó, tài xế Hạnh vô tội thì hai thanh niên kia có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo Điều 93 BLHS", luật sư Đạt nêu quan điểm.

Lái xe tải bị xử lý thế nào?

Đối với hành vi của lái xe tải, luật sư Thảo cho biết:

"Nếu người lái xe tải không sử dụng chất kích thích thì việc gây ra vụ tai nạn trên là hoàn toàn bị động, tài xế không kịp phản ứng với sự kiện bất ngờ này.

Do vậy, cần thiết phải xem xét trách nhiệm của tài xế trong một hoàn cảnh hết sức khách quan phù hợp vào diễn biến của sự việc".

Còn Luật sư Bùi Quốc Đạt cho rằng, nếu trong điều kiện bình thường thì một tài xế xe tải có thể né tránh hoặc phản ứng kịp thời trước tình huống nạn nhân bị ngã ra đường.

"Nhưng nếu trong trường hợp này tài xế không có bằng lái, do say rượu.... dẫn đến mất kiểm soát và gây ra tai nạn thì có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể là theo quy định tại Điều 202 BLHS về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ", luật sư Đạt bày tỏ.

Cả luật sư Thảo và luật sư Đạt đều nhấn mạnh, thông tin về việc lái xe tải đã bỏ đi khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn là rất đáng chê trách.

"Lẽ ra trong trường hợp này, người lái xe tải nên chủ động đưa nạn nhân đi cấp cứu ngay khi có thể nhưng đã không làm như vậy còn bỏ đi.

Do vậy với hành vi này cũng nên có biện pháp xử phạt nhằm răn đe nếu như việc gây tai nạn của tài xế không bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Thảo nhấn mạnh.

Luật sư Đạt khẳng định thêm, nếu kết luận điều tra xác định, tài xế hạnh vi phạm Điều 202 BLHS thì việc gây tai nạn rồi rời khỏi hiện trường có khả năng bị xem xét thêm tình tiết tăng nặng định khung.

Cụ thể, theo Điểm c Khoản 2 Điều 202 quy định về "Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại