Trước đó, khoảng 16h40 phút ngày 4/10, một tổ công tác CSGT có 2 chiến sỹ làm nhiệm vụ gần ngã tư Cầu Dậu, Thanh Trì, Hà Nội (đoạn đường vành đai 3 đi Kim Giang).
Camera hành trình của người tham gia giao thông đã ghi lại được diễn biến của một tình huống tai nạn và quy trình làm việc của CSGT tại nút giao thông trên.
Theo hình ảnh mà camera hành trình ghi nhận, một người đi xe máy vi phạm luật giao thông bị cảnh sát ra chặn lại và yêu cầu vào chốt để xử lý.
Cùng lúc này, một thanh niên đi phía sau không kịp phản ứng, đã đâm vào đuôi xe của người vi phạm phía trước nên bị mất lái rồi ngã xuống đường, ngay trước đầu xe ô tô của một người đang tham gia giao thông khác.
Một thanh niên chao đảo khi va chạm với một phương tiện đi trước bị CSGT đang chặn lại (ảnh cắt từ clip)
Mặc dù nam thanh niên bị mất lái và ngã ra đường nhưng một chiến sỹ CSGT không ra giúp đỡ mà vẫn tiếp tục yêu cầu người vi phạm giao thông vào chốt.
Ở những giây cuối của đoạn clip mới xuất một chiến sỹ CSGT cùng tổ công tác thấy sự việc nên có ý định ra giúp đỡ thanh niên bị tai nạn, nhưng thanh niên trên đã tự đứng dậy.
Theo thông tin của người quay lại đoạn clip, nhiều người đi đường chứng kiến sự việc đều cho rằng, CSGT đứng sau ngã tư mỗi khi ra hiệu lệnh dừng phương tiện, khiến cho người tham gia giao thông bị khuất tầm nhìn nên người dân bị ngã vì bất ngờ.
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV, lãnh đạo Đội CSGT số 14 (Công an TP Hà Nội) cho biết, chốt làm việc của CSGT trên thuộc đơn vị này quản lý.
Lãnh đạo Đội CSGT số 14 khẳng định: “Chốt làm việc của chiến sỹ CSGT tại ngã tư trên là theo kế hoạch và hoàn toàn đúng quy định. Đây là chốt làm việc công khai và cũng thường xuyên xử lý những lỗi liên quan đến vi phạm giao thông.
Tuy nhiên, thông tin bạn đọc phản ánh qua một đoạn clip ngắn chưa cụ thể những tình huống phía sau. Chúng tôi sẽ kiểm tra và thông tin đến bạn đọc sau…”.
CSGT có vi phạm?
Nói về tình huống trên, Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng Văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, CSGT trong clip đã vi phạm Thông tư số 65/2012 Bộ Công An, ngày 30 tháng 10 năm 2012.
"Tại khoản 2 điều 14 của Thông tư này quy định, CSGT dừng phương tiện phải bảo đảm các yêu cầu như: An toàn, đúng quy định của pháp luật; Không làm cản trở đến hoạt động giao thông...
Thế nhưng, ở đây, khi CSGT bắt lỗi người vi phạm đã làm người tham gia giao thông khác bị tai nạn, nguy hiểm đến tính mạng", ông Hòe cho hay.
> Mời xem clip sự việc: (nguồn clip: Otofun)
Tại Điểm b, Khoản 2, Điều 13, Thông tư số 65/2012 Bộ Công An, quy định về hiệu lệnh dừng xe cũng quy định CSGT khi ra hiệu lệnh dừng phương tiện bằng gậy chỉ huy giao thông tại Trạm Cảnh sát giao thông hoặc tại một điểm trên đường giao thông như sau:
a. Ngoài khu vực nội thành, nội thị: Cán bộ đứng nghiêm, hướng về phía phương tiện giao thông cần kiểm soát, thổi một hồi còi dài, mạnh, dứt khoát; đồng thời, tay phải cầm gậy chỉ huy giao thông đưa lên theo phương thẳng đứng.
Từ đầu gậy chỉ huy giao thông đến khuỷu tay tạo thành đường thẳng vuông góc với mặt đất; từ khuỷu tay đến vai tạo thành đường thẳng song song với mặt đất, lòng bàn tay hướng về phía sau giữ cho gậy chỉ huy giao thông ở vị trí thẳng đứng sau đuôi mắt phải.
Khi người điều khiển phương tiện nhận được tín hiệu và giảm tốc độ, dùng gậy chỉ huy giao thông chỉ vào phương tiện cần kiểm soát, kết hợp với âm hiệu còi hướng dẫn cho phương tiện cần kiểm soát đỗ vào vị trí phù hợp để kiểm soát.
b. Trong khu vực nội thành, nội thị: Cán bộ đứng nghiêm, hướng về phía phương tiện cần kiểm soát, tay phải cầm gậy chỉ huy giao thông đưa lên và chỉ vào phương tiện cần kiểm soát, đồng thời thổi một hồi còi dài, mạnh, dứt khoát.
Khi người điều khiển phương tiện nhận được tín hiệu và giảm tốc độ, dùng gậy chỉ huy giao thông kết hợp với âm hiệu còi hướng dẫn cho phương tiện cần kiểm soát đỗ vào vị trí phù hợp để kiểm soát.