Thái độ của Tướng Chung và thái độ của Bộ trưởng Tiến

Bùi Hải |

(Soha.vn) - Phát biểu ngày hôm qua về vụ thẩm mỹ viện Cát Tường ném xác bệnh nhân của Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, giám đốc công an TP. HN, đã lên trang nhất của hàng chục tờ báo.

Ông khẳng định chắc nịch và nhắc đi nhắc lại nhiều lần: "Cơ quan công an quyết tâm là phải tìm thấy, bằng mọi giá phải tìm thấy... Chưa bao giờ có vụ nào mà cơ quan công an không tìm được xác. Chúng tôi quyết tâm là phải tìm thấy xác".

Thông điệp ấy không chỉ làm gia đình nạn nhân - đang tuyệt vọng trong nỗ lực tìm kiếm - ấm lòng, mà còn mang đến cảm giác tin tưởng cho hàng triệu người khác.

Tướng Chung hoàn toàn có thể chọn lối nói phòng thủ, giống nhiều quan chức khác: "Chúng tôi sẽ cố gắng cao nhất trong việc tìm kiếm...", nhưng ông đã không hề chọn lối đi an toàn cho mình.

Sau hơn 10 ngày “mất tích”, biết bao nhiêu yếu tố có thể khiến thi thể nạn nhân không bao giờ nổi lên nữa, trong khi đó lời khẳng định của tướng Chung thì mặc nhiên đã nổi trên công luận.

Thái độ của tướng Chung giống chiêu trong binh pháp Tôn Tử: Đưa quân đến bờ sông để họ không có đường lùi và phải quay lại quyết sống mái với giặc. Thái độ ấy vừa là động lực vừa là áp lực khiến cán bộ chiến sĩ công an Hà Nội quyết tâm tìm được thi thể bằng mọi giá.

Sự quyết đoán ấy, cũng hàm chứa lời khẳng định gián tiếp: Hung thủ Tường sẽ không có cửa để giảm tội, lách tội.

Và vì thế, cho dù điều rủi ro nhất có xảy đến là thi thể chị Huyền không được tìm thấy đi chăng nữa, thì cũng không ai nỡ trách cứ một người dám đối diện, không lập lờ hai mặt như tướng Chung.

Sự quyết liệt của tướng Chung đã khiến hình ảnh công an Hà Nội được cải thiện đáng kể: CSGT tận tình giúp đỡ thí sinh thi ĐH, công an chực chờ chở dân và phương tiện qua những phố ngập, không phô trương lãng phí trong những dịp lễ tết...

Trở lại câu chuyện cải thiện hình ảnh ngành Y tế. Trong những ngày qua, rất nhiều người tin rằng Bộ trưởng Y tế đang phải trải qua thời kỳ stress nặng nề như bộc bạch của bà. Người ta cũng tin lời bộ trưởng Vũ Đức Đam: “Chị Tiến cũng đang rất đau đớn, khổ sở”.

Và người ta cũng tin có rất nhiều văn bản chỉ thị, thông tư của ngành Y tế được gửi đi. Tin vào việc Bộ muốn chấn chỉnh sự lệch lạc y đức khi cử tới 5 thứ trưởng dẫn đoàn công tác đến các địa phương. Tin rằng Bộ đã có những cuộc họp bàn giải pháp đến 2h00 sáng...

Nhưng, giống như nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc nói: “Bộ trưởng xin lỗi để làm gì?”, nhiều triệu dân Việt Nam mong chờ Bộ trưởng Tiến biến sự đau đớn ấy thành những hành động quyết liệt đủ tầm – như sự quyết liệt của tướng Chung.

Ngoài việc muốn nghe một lời tuyên chiến, một cam kết, một tối hậu thư với những tiêu cực trong y tế, thì người ta muốn thấy Bộ trưởng bất ngờ xuất hiện ở nhà nạn nhân bị ném xác để xin lỗi và động viên họ.

Người ta muốn thấy Bộ trưởng xuất hiện một chút bên bờ sông Hồng để nhìn vào những đôi mắt đỏ quạch và thâm quầng của thân nhân chị Huyền, những người đang tìm kiếm thi thể người vợ, người chị, người em họ trong những nỗ lực cuối cùng.

Và người ta muốn thấy Bộ trưởng đột nhiên xuất hiện cùng thanh tra y tế ở một cơ sở thẩm mỹ nào đó, một bệnh viện nào đó lâu nay bị dân phàn nàn để đích thân chỉ ra những sai phạm, thậm chí tạm đình chỉ chức vụ người đứng đầu nơi có sai phạm lớn như Bộ trưởng Thăng đã từng thực hiện.

Dù muốn dù không, ngay lúc này, “đoàn quân y tế”, đã bị dồn đến tận cùng “bờ sông lòng tin”. Nếu chọn cách nhảy xuống sông và bơi trốn, thì phòng tuyến cuối cùng chắc chắn cũng sẽ mất nốt...

Chỉ có cách quay lại và đối mặt...

Mời Quý độc giả bình luận, phản hồi về vấn đề này. Xin gõ ý kiến vào ô Viết bình luận cuối bài báo. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại