Tàu TQ chĩa súng vào tàu VN: Hành động đe dọa tính mạng con người

Hoàng Đan |

Theo ông Dy, chắc chắn trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục có những hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế nên Việt Nam cần phải có biện pháp đấu tranh mạnh mẽ.

Trung Quốc không có quyền

Theo thông tin chúng tôi đã đưa, khoảng 11h ngày 13/11, tàu Hải Đăng 05 đi ngang qua bãi đá Xu Bi (thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) khoảng 12 hải lý thì Trung Quốc xua một tàu nhỏ ra đuổi.

30 phút sau xuất hiện thêm hai tàu hải cảnh mang số hiệu 2305 và 35115 tổ chức vây ép từ mũi và đuôi tàu Hải Đăng 05.

Tiếp đó, tàu chiến 995 được trang bị pháo 37 ly và nhiều loại vũ khí khác kéo đến, áp sát tàu Việt Nam, đồng thời liên tục bắn pháo hiệu qua tàu Hải Đăng 05, phát loa bằng tiếng Trung.

"Nghiêm trọng nhất là lúc 12h, tàu chiến 995 của Trung Quốc mở bạt pháo 37 ly, điều khoảng 10 người mặc quân phục dàn đội hình chiến đấu và chĩa AK từ boong tàu 995 sang tàu Hải Đăng 05", thuyền trưởng Trần Văn Nga kể.

Liên quan đến vụ việc, trao đổi với chúng tôi, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân khẳng định, những hành động này của tàu Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là công ước về Luật Biển năm 1982.

Tàu chiến 995 của Trung Quốc đang đe dọa tàu Hải Đăng 05 - Ảnh do thuyền viên tàu Hải Đăng 05 cung cấp (Tuổi trẻ).
Tàu chiến 995 của Trung Quốc đang đe dọa tàu Hải Đăng 05 - Ảnh do thuyền viên tàu Hải Đăng 05 cung cấp (Tuổi trẻ).

Theo Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, những ngọn hải đăng trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã được chúng ta tiếp quản, quản lý từ rất lâu, Trung Quốc không có quyền gì để ngăn cản.

Trong trường hợp có tranh chấp thì các nước, trong đó có Trung Quốc, phải tiến hành giải quyết, đàm phán đa phương, hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế chứ không có quyền ngăn chặn tàu tiếp tế của các nước khác đang hoạt động đúng luật.

Các nước lớn trong đó có Trung Quốc không phải cứ ỷ thế tiềm lực quân sự và nhiều tàu để chén ép các nước nhỏ. Trái lại các nước liên quan phải tuân thủ công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982.

Ngoài ra các nước phải tôn trọng truyền thống làm ăn, đánh bắt lâu đời của các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia ở Biển Đông; tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông.

Việt Nam và Trung Quốc còn phải theo bảy nguyên tắc xử lý va chạm trên biển mà lãnh đạo hai nước thông qua.

“Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là chủ quyền của Việt Nam. Việc Trung Quốc cử các tàu, trong đó có cả tàu chiến ngăn chặn tàu tiếp tế Việt Nam là hành động hung hăng và khiêu khích không thể chấp nhận được.

Chúng ta cần ghi lại những hình ảnh đó để công bố cho dư luận quốc tế biết và lên án hành động ngang ngược của Trung Quốc”, tướng Lâm nói.

Đồng thời, theo tướng Lâm, thực tế trong các chuyến thăm, gặp gỡ gần đây giữa lãnh đạo hai nước, lãnh đạo Trung Quốc đều đưa ra những lời nói tốt đẹp, bày tỏ giải quyết tranh chấp bằng hòa bình, hữu nghị...

Tuy nhiên, ngay sau đó, những hành động của họ trên thực tế thì lại hoàn toàn trái ngược lại.

"Việt Nam cần phải lên án mạnh mẽ những hành động ngang ngược này của nhà cầm quyền Trung Quốc là vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc, vi phạm Luật Biển quốc tế.

Nhưng trước hết, nhân dân phải đoàn kết, phải có quyết tâm làm chủ cho được vùng biển của mình. Nhân dân phải có dũng khí, chí khí và quyết tâm để làm được điều đó, đó chính là sức mạnh của toàn dân", tướng Lâm nêu rõ.

Đe dọa tính mạng con người

Đồng quan điểm đó, trao đổi với chúng tôi, ông Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu cũng nhấn mạnh, những hành động này của phía Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

"Đây không còn là những hành động bình thường nữa mà nó rất nghiêm trọng, bởi Trung Quốc đã sử dụng vũ khí để đe dọa đến an toàn, thậm chí tính mạng của con người trên tàu Việt Nam trong vùng biển Việt Nam có quyền đi lại tự do.

Hành động này đã vi phạm các quy định về Luật Biển của quốc tế và cần phải bị lên án mạnh mẽ.

Đồng thời, hành động này cũng tiếp tục thể hiện rõ âm mưu, mưu đồ của Trung Quốc trong dã tâm độc chiếm Biển Đông mà họ đã và đang thực hiện", ông Dy đánh giá.

Cũng theo ông Dy, mặc dù trước đó Trung Quốc đã nhiều lần nêu quan điểm xử lý tranh chấp bằng hòa bình, nêu mình là dân tộc có "gen hòa bình", nhưng trên thực tế, những hành động của họ luôn ngang ngược, vi phạm chủ quyền của Việt Nam, Luật Biển quốc tế.

"Hành động tàu Trung Quốc chĩa súng vào tàu Việt Nam vừa qua càng cho thấy một thực tế không thể chối cãi là lời nói và hành động của Trung Quốc không bao giờ đi cùng với nhau.

Người dân chúng ta, trong đó có tôi, có quyền không tin vào những tuyên bố của Trung Quốc về việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

Chắc chắn trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục có những hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế.

Vì thế, Việt Nam chúng ta cần thu thập, ghi lại những hình ảnh về các hành động ngang ngược, vi phạm của Trung Quốc để thông tin rõ với dư luận quốc tế cũng như có biện pháp đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa trên tất cả các mặt trận", ông Dy đề nghị.

người phát ngôn bộ ngoại giao
ông lê hải bình
Tôi xin khẳng định, lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết phản đối mọi hành vi sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực đối với các tàu thuyền của Việt Nam. Việc làm đó là vi phạm luật pháp quốc tế, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định ở khu vực và hoàn toàn không thể chấp nhận, biện minh được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại