Xe máy, ôtô vẫn liều lĩnh vượt qua đường sắt dù xe lửa đang lao tới.
Sau khi tai nạn trên xảy ra, phóng viên Tuổi Trẻ có mặt tại nhiều đường ngang dân sinh và chứng kiến những hiểm họa vẫn rình rập hằng giờ, hằng phút.
Vụ tàu SE5 đâm vào xe tải đang băng qua vị trí này làm văng ba toa tàu ra khỏi đường ray dường như trôi qua rất nhanh mà không có sự thay đổi nào cả mặc dù hậu quả để lại không hề nhỏ (lái tàu tử vong, đường sắt Bắc - Nam tê liệt gần 24 giờ, thiệt hại tính sơ bộ 23 tỉ đồng).
Phần lớn các vụ tai nạn đường sắt đều từ nguyên nhân tranh đường với tàu lửa. Mối họa đó vẫn chưa dừng một khi đường ngang vẫn còn băng qua đường sắt, dù là hợp pháp hay tự phát.
Sau một tuần “cắm chốt” ở các đường ngang, chúng tôi nhận thấy nhiều người dân vẫn vô tư băng ngang đường sắt ngay trước đầu tàu mà không cần quan sát, bất chấp đèn hiệu hay còi tàu hú inh ỏi bên tai.
Trên chuyến tàu SE4 từ Đà Nẵng ra Đồng Hới, trả lời chúng tôi, lái tàu Lê Ngọc Sơn, đội trưởng đội lái tàu của Xí nghiệp đầu máy Đà Nẵng, cho rằng:
“Người dân sống hai bên đường ray dường như muốn giỡn mặt với tàu lửa”.
Theo ông Sơn, sau 27 năm lái tàu, ông thuộc lòng từng đường ngang, nhưng dù cẩn thận đến mấy, tàu của ông cũng đã đâm làm thương vong gần 20 người.
Số may mắn nhờ tàu dừng đúng lúc, suýt đâm hay tàu chỉ đâm phương tiện, còn người kịp thoát thân nhiều không kể xiết.
Nguy hiểm nhất là ban đêm, khi đi qua đường ngang tự phát không có đèn báo, tàu chạy tốc độ đến 80 km/giờ nhưng người dân cứ tưởng tàu còn xa hoặc đang chạy chậm nên cứ thản nhiên băng qua đường.
Lái tàu Đinh Tiến Thành (Xí nghiệp đầu máy Đà Nẵng) phân tích thêm nguyên nhân: “Xe tải, xe khách đóng cửa kín mít, mở nhạc ầm ầm, gặp chỗ tầm nhìn hạn chế, tàu hú còi mấy họ cũng không nghe”.
Theo thống kê của ngành đường sắt, toàn tuyến đường sắt quốc gia hiện có 5.751 điểm giao cắt.
Trong đó 651 điểm có người gác, 310 đường ngang có cảnh báo tự động, 555 đường ngang có biển báo, còn lại hơn 4.200 đường ngang dân sinh không gác chắn.
Điều đó có nghĩa hiện có hơn 4.000 mối nguy hiểm chết người đang rình rập trên dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Đường ngang không rào chắn đi qua thôn Lương Điền (xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) dù nơi này đã có gần chục vụ thương vong do tàu lửa nhưng người dân vẫn chủ quan vượt qua khi có đèn đỏ
Dù anh Nguyễn Văn Đèn (đội xe thồ Cửa Hữu, TP Huế) đã dang tay ngăn cản nhưng người đàn ông đi xe máy vẫn vượt qua. Anh Đèn cho biết cả chục năm nay nhờ đội xe thồ “gác tàu” đã giảm được nhiều thương vong do tai nạn tàu lửa
Chở con vượt đèn đỏ, băng ngang đường tàu tại điểm giao nhau giữa đường Yết Kiêu và Lê Duẩn (TP Huế)
Đoàn tàu đã cận kề nhưng hai người đi xe máy vẫn cố vượt qua tại đường ngang dân sinh ở thôn Trung (xã Hải Trường, huyện Hải Lăng, Quảng Trị)
Lái tàu Lê Ngọc Sơn suýt phải phanh gấp khi người đàn ông lái xe máy lao vút trước đầu tàu dù lái tàu đã liên tục bóp còi. Ảnh chụp từ cabin tàu SE4 tại địa phận TP Đà Nẵng
Còi tàu inh ỏi và ánh đèn pha sáng chói nhưng người phụ nữ này vẫn thản nhiên băng qua đường ray
Năm 2009, người dân xóm Cồn Tàu (thôn Lương Điền, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) lập am ngay sát đường tàu để ngày rằm, ngày tết cúng bái những người đã tử nạn do tàu lửa
Khoảnh khắc tàu lửa phanh gấp, suýt đâm xe tải lúc 9g46 ngày 20-3 ngay tại nơi xảy ra tai nạn giữa tàu SE5 và xe tải ở thôn Thượng Lâm (xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị).
Xe tải này cùng loại với xe trong vụ tai nạn với tàu SE5 của doanh nghiệp Tuyết Liêm (Huế) chuyên cung cấp vật liệu cho đơn vị thi công quốc lộ 1