Tặng quạt cho nhà có 2 con gái: Chuyện chưa bao giờ kể

Gia Bảo |

Người phê duyệt chủ trương tặng quạt cho những gia đình sinh 2 con gái ở Thái Bình lần đầu tiết lộ những chuyện chỉ người trong cuộc mới biết.

Những ngày gần đây, dư luận vẫn chưa hết tranh cãi về đề xuất "Hỗ trợ kinh tế cho gia đình sinh con một bề là con gái" trong Đề án Can thiệp, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS).

Thái Bình được cho là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam hiện thực hóa ý tưởng này từ năm 2012 – thời điểm diễn ra hội nghị tổng kết công tác dân số.

Trao đổi với phóng viên, bà Cao Thị Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình thừa nhận: “Không biết Thái Bình có phải là tỉnh đầu tiên làm vậy không nhưng chúng tôi đã thực hiện việc đó từ khi tổng kết công tác dân số năm 2012”.

Theo bà Hải, Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình (Sở Y tế Thái Bình) – đơn vị tổ chức hội nghị tổng kết đã đứng ra tặng quà cho các gia đình sinh hai con gái để động viên họ cũng như hạn chế việc trọng nam khinh nữ.

“Khi đó ở Thái Bình chênh lệch giới tính nhiều. Tỷ lệ bé trai và bé gái chênh lệch là 114/100.

Từ đó đến nay chúng tôi vẫn tặng cho mỗi gia đình sinh 2 con gái một chiếc quạt trị giá khoảng 400 – 500 nghìn đồng. Món quà có ý nghĩa động viên tinh thần là chính”, bà Hải nói thêm.

Xuất phát từ sự tủi thân của 2 lãnh đạo Sở

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, Sở Y tế của tỉnh là đơn vị đề xuất chính sách trên với mong muốn người ta sẽ dần mất đi tư tưởng trọng nam khinh nữ.

“Ở Sở Y tế có 2 đồng chí lãnh đạo cũng sinh toàn con gái. Họ vẫn vui vẻ nhận quà và chính các đồng chí ấy đề xuất với lãnh đạo tỉnh về việc này.

Các đồng chí ấy thấy tủi thân khi nhà toàn con gái, mọi người ít quan tâm đến. Có hai con gái họ vẫn vui vẻ nhưng họ nghĩ kể ra Đảng, Nhà nước có thêm chính sách nào đó động viên họ thì càng tốt.

Xuất phát từ thực tế cha mẹ tôi cũng sinh toàn con gái, tôi thấy cần phải làm gì đó để hạn chế việc trọng nam khinh nữ.

Bởi vậy, khi các đồng chí ấy báo cáo, tôi thấy hợp lý nên làm. Chúng tôi quyết định tặng mỗi gia đình một chiếc quạt mát để họ vui vẻ, thoải mái hơn”, bà Hải kể lại.

Bà Hải khẳng định, chủ trương trên được áp dụng trên toàn tỉnh, nhưng không phải gia đình nào cũng được tặng quạt.

Lý giải về điều này, bà Hải cho hay, việc tặng quà cho gia đình nào là do kết quả bình xét. Các địa phương sẽ bình xét, tổng hợp danh sách rồi gửi lên Sở.

Cũng theo bà Hải, tiêu chí bình xét quan trọng nhất là các gia đình đó phải cam kết không sinh thêm con nữa.

“Chưa thấy ai phản ứng”

Sau gần 4 năm triển khai việc tặng quạt cho gia đình sinh 2 con gái, được biết đến nay, sự chênh lệch giới tính ở Thái Bình đã giảm. Tỷ lệ bé trai và bé gái hiện nay là 112/100.

“Tôi nghĩ con nào cũng là con. Để tránh tình trạng phân biệt con trai, con gái người ta mới phải làm như vậy.

Trong quá trình triển khai, chúng tôi chưa thấy ai phản ứng với chủ trương trên và tôi nghĩ chẳng có gì để mà phản ứng. Trái lại người ta lại thấy phấn khởi”, bà Hải khẳng định.

Vị lãnh đạo tỉnh này đề xuất nếu ngân sách không đủ, có thể kêu gọi, vận động xã hội hóa để có kinh phí hỗ trợ, động viên các gia đình sinh 2 con gái.

“Ở Thái Bình, chúng tôi lấy kinh phí từ nguồn xã hội hóa và từ tiết kiệm chi của Sở Y tế.

Tất nhiên muốn người ta thay đổi tư tưởng thì phải dần dần. Cùng với việc tặng quà, hỗ trợ tiền vẫn phải tuyên truyền, vận động để người ta tự giác”, bà Hải nêu quan điểm.

Trước những lo ngại rằng việc tặng quà, hỗ trợ tiền có thể không mang lại hiệu quả gì hoặc phản tác dụng khi gia đình đã nhận quà vẫn sinh thêm con, bà Hải cho rằng nếu họ không giữ đúng cam kết, họ sẽ tự thấy ngại với xóm làng, với dư luận.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại