Bất chấp thời tiết rét đậm, kinh tế khó khăn nhưng trong những ngày nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, lượng khách đến các điểm vui chơi, giải trí trên địa bàn vẫn khá đông đúc, nhộn nhịp.
Đặc biệt, vào đêm 31/12, người dân Hà Nội và du khách đã tập trung rất đông tại khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm để cùng nhau đón chào thời khắc của năm mới 2013.
Mặc dù, theo quan sát của PV so với các năm trước, lượng khách đến các điểm vui chơi này có thấp hơn nhưng cảnh bị "chém" đẹp bởi không ít các dịch vụ vây quanh vẫn diễn ra.
"Chặt chém" kinh hoàng nhất vẫn thuộc về các bãi gửi xe quanh khu vực Bờ Hồ vào đêm Giao thừa. Theo ghi nhận của PV, giá gửi xe máy ở các phố xung quanh khu vực này đều được các nhân viên trông giữ "hét" từ 30.000 - 50.000 đồng/xe/lượt và cũng tùy vào loại xe.
Giá trông giữ ô tô cũng đắt hơn bình thường từ 20.000 - 50.000 đồng/xe/lượt, bình quân từ 70.000 - 120.000 đồng/ lượt.
Tuy nhiên, cũng theo quan sát của PV, năm nay các bãi trông giữ xe tại đây vắng vẻ hơn so với các năm về trước.
"Năm nào cũng vậy, cứ dịp lễ, dịp Tết này là các điểm gửi xe ở đây lại đua nhau chặt chém giá gửi xe. Năm nay, dù mình thấy lượng người đến đây có phần thấp hơn nhưng cũng không ngoại trừ, mình gửi xe máy phía phố Hai Bà Trưng mà bị "chém" tới 40.000 đồng.
Có nói, có ý kiến thì không những bị mắng mà không cẩn thận còn bi hăm dọa, chửi bới nên thôi thì cả năm có một dịp này nên cũng đành chấp nhận để được vui vẻ trong năm mới", chị Nguyễn Thị Thùy (Hà Đông, Hà Nội) bày tỏ.
Tương tự vậy, tại các điểm vui chơi như công viên Thủ Lệ, Văn miếu Quốc tử giám, khu vực Hoàng thành... trong dịp nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, dù nhân viên đưa vé cho người gửi ghi rõ giá 2.000 đồng/ lượt nhưng đều bị thu tới 5.000 đồng/ lượt đối với xe máy.
Bên cạnh dịch vụ trông giữ xe, các dịch vụ ăn uống, vận tải trong dịp này cũng "được thể" tăng giá theo.
Tại khu vực ga Hà Nội, một bát phở bình thường bị "hét" tới 60.000 đồng trong ngày cuối cùng của năm, cùng với đó, các lại bún, cháo cũng tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/ bát.
Lý do được các chủ ở đây đưa ra là ngày cuối cùng của năm mọi người đi chơi, nghỉ mà quán vẫn phải làm, thực phẩm tăng...
Cũng theo ghi nhận của PV tại một số bến xe như Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm... dù các lực lượng chức năng đã "siết chặt" công tác quản lý, chống tăng giá nhưng trên một số tuyến như Hà Nội - Thanh Hóa, Hà Nội - Hà Tĩnh - Nghệ An, Hà Nội - Thái Bình... giá vé vẫn tăng hơn từ 20% đến thậm chí gấp đôi so với giá niêm yết.
"Những ngày bình thường em về Thanh Hóa chỉ mất cùng lắm là 80.000 - 90.000 đồng nhưng cả hôm về và hôm ra đây em đều phải chịu mức 150.000 đồng. hỏi thì chủ xe bảo xe nào cũng tăng dịp này nên chẳng còn biết thế nào, đành chấp nhận mà đi thôi", bạn Nguyên Thị Yến (quê Thanh Hóa, sinh viên trường ĐH Điện lực cho hay).