Theo Bộ Lao động Thương binh Xã hội, mỗi năm cả nước có gần 6.000 vụ tai nạn lao động làm khoảng 600 người chết. Tuy nhiên, số liệu tại các bệnh viện cho thấy lượng người tử vong nhiều hơn gấp 3 lần.
Sáng 8/12, Bộ Lao động Thương binh Xã hội tổ chức hội nghị tổng kết 18 năm thi hành pháp luật an toàn, vệ sinh lao động và định hướng triển khai đến năm 2020. Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh nhận định, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có xu hướng ngày càng gia tăng.
Hơn 10 năm qua, bình quân mỗi năm cả nước có gần 6.000 vụ tai nạn lao động làm 600 người chết. Tai nạn tập trung ở lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản.
Tuy nhiên, thống kê tại các bệnh viện, cơ sở y tế về số người nhập viện do tai nạn lao động thường nhiều gấp 3 lần số liệu được báo cáo về Bộ, mỗi năm có khoảng 1.700 người chết.
Dự báo số lượng người bị tai nạn sẽ ngày càng tăng lên, đặc biệt là lực lượng lao động trong khu vực nông nghiệp bởi quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ngày càng sử dụng nhiều máy móc, phân hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật. Trong khi đó, lực lượng làm công tác bảo hộ lao động ở cấp xã không có.
Thứ trưởng Lĩnh cũng cho hay, Việt Nam hiện có 28 bệnh được đưa vào danh mục bệnh nghề nghiệp được thanh toán bảo hiểm. Tổng số người mắc bệnh nghề nghiệp đã qua giám định tính đến cuối năm 2011 là hơn 27.000 trường hợp, trong đó, chủ yếu là bệnh bụi phổi silic, điếc nghề nghiệp.
Ngoài hậu quả gây chết người, thương tật, tai nạn lao động còn gây ra thiệt hại lớn về của cải vật chất với hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Đó là tiền bồi thường, trợ cấp từ người sử dụng lao động và thiệt hại do người lao động phải nghỉ việc.
Nguyên nhân số lượng tai nạn lao động nhiều và gia tăng được thứ trưởng Bộ Lao động lý giải là do sự phát triển mạnh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ với trình độ công nghệ còn lạc hậu. Mặt khác, việc nhập khẩu các máy móc, công nghệ, vật liệu mới còn tiềm ẩn những nguy cơ về an toàn vệ sinh lao động do kết cấu, hình thức máy không phù hợp với vóc dáng, sức khỏe người Việt Nam.
Xu thế phát triển mạnh các ngành công nghiệp khai khoáng, xây dựng, năng lượng, hoá chất và sự gia tăng sử dụng điện trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng làm tăng nguy cơ mất an toàn, vệ sinh và ô nhiễm môi trường lao động...
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn lao động chưa tương xứng với trách nhiệm đối với người lao động. Theo Bộ trưởng, dù Bộ luật lao động được sửa đổi năm 2012 có một chương về vấn đề an toàn lao động nhưng quy định này mới chỉ chi phối một bộ phận đối tượng có quan hệ lao động. Vì vậy, luật vệ sinh an toàn lao động cần sớm được ban hành làm cơ sở pháp lý để thực hiện công tác bảo hộ cho tất cả những người tham gia lao động.
Theo Bộ trưởng Chuyền, nguyên nhân tai nạn lao động cao trước hết là do chủ sử dụng lao động chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong các phương án để bảo vệ điều kiện lao động, đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, bản thân người lao động hiểu biết về pháp luật an toàn còn hạn chế. Nhà nước chưa xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân không làm tốt quy định, từ đó họ xem nhẹ hoặc chưa nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về lĩnh vực này.