Hơn 50.000 người chen chân tham gia ngày khai hội Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) vào sáng qua (8/2, tức mùng 6 Tết).
Ngay từ sáng sớm, con đường từ thị trấn Ba La Bông Đỏ (Hà Đông, Hà Nội, cách Chùa Hương khoảng 30 km) đã chật kín dòng người, xe. Trong khi đó, khu vực diễn ra lễ hội luôn trong tình trạng tắc nghẽn.
“Chặt” nhanh, “chém” mạnh
Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Phó trưởng Ban quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, cho biết, trong ngày khai hội, đã có khoảng 5 vạn du khách đến vãn cảnh, thưởng ngoạn di tích nổi tiếng nhất nhì miền Bắc. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, để chuẩn bị cho mùa lễ hội năm nay, huyện đã đầu tư chỉnh trang tuyến đường từ Hà Đông đến Mỹ Đức, mở rộng bến đò Thiên Trù. Huyện cũng đã tổ chức tập huấn cho người dân 6 thôn thuộc xã Hương Sơn về giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, không chèo kéo, lừa gạt du khách... Các cửa hàng trong khu vực chùa Hương bị nghiêm cấm kinh doanh, giới thiệu thịt thú rừng...
Thịt thú rừng giả được bán từ 500.000 - 700.000 đồng/kg. Ảnh: T.Phương
Tuy nhiên, theo ghi nhận, tình trạng “chặt chém” du khách vẫn không thuyên giảm so với các mùa lễ hội trước là bao. Cách trung tâm lễ hội vài cây số, lực lượng “cò mồi” đi xuồng, đò liên tục chèo kéo khách. Giá xuống đò theo quy định là 25.000 đồng/người/vé, tuy nhiên trên thực tế mỗi du khách ít nhất cũng phải bỏ thêm từ 50.000 - 100.000 đồng/người phí “bồi dưỡng” để có thể đi đò đến động Hương Tích. Giá vé gửi xe máy là 2.000 đồng/xe ngày theo quy định, song thực tế ai cũng phải bỏ ra từ 10.000 - 20.000 đồng, còn gửi ô-tô cũng mất 40.000 - 60.000 đồng/xe, trong khi quy định chỉ có 15.000 - 30.000 đồng.
Dịch vụ nhà nghỉ cũng được dịp “cắt cổ” du khách khi hét giá tới 300.000 đồng/đêm, trong khi ngày thường chỉ vài chục ngàn. Còn nếu không chuẩn bị đồ ăn từ trước, du khách có thể sẽ “bất ngờ” với giá từ 40.000 - 70.000 đồng/bát phở lèo tèo vài miếng thịt bò mỏng, cộng với chút nước dùng “không mấy thiện cảm”. Muốn lên động Hương Tích bằng cáp treo, đội ngũ “phe vé” luôn trong tư thế sẵn sàng phục vụ. Nếu giá vé niêm yết là 60.000 đồng/lượt lên, thì mua của đội “phe vé” giá 70.000 đồng, mặc dù phòng vé ngay bên cạnh và có thể dễ dàng mua bất cứ lúc nào. Hai bên đường lên động Hương Tích, các “thầy thuốc” gia truyền thi nhau trổ tài “bắt mạch miễn phí” nhưng nếu “dụ” được du khách mua vài nhúm lá được cho là thuốc thì giá đều ở “trên trời”.
Treo đầu dê…
Nói về tình trạng “chặt chem.” ngày khai hội, ông Nguyễn Chí Thanh cho biết tình trạng giá cả hàng hoá ngày hội có đắt đỏ, song việc kiểm tra, giám sát không phải dễ. Ông Thanh khuyến cáo, du khách nên thỏa thuận trước khi sử dụng dịch vụ, tránh dùng xong mới hỏi giá.
Đến lễ hội Chùa Hương năm nay, hiện tượng bán thịt thú rừng “dỏm” vẫn tràn lan trong các quán ăn ngay trước cổng lên động Hương Tích. Các con thú nếu theo quan sát bằng mắt, các du khách sẽ dễ dàng bị đánh lừa và cho rằng đó là động vật thú rừng quý hiếm. Theo lời rỉ tai của các chủ quán, thịt hươu sao, thịt chồn đá, hoãng hay sóc đều được mua từ đội thợ săn, đảm bảo “hàng xịn”. Giá một cân thịt hươu sao “xịn” từ 500.000 - 700.000 đồng/kg; chồn đá có giá từ 300-400.000/cân; hoẵng từ 300.000 - 500.000 đồng/cân… Trao đổi với phóng viên về tình trạng này, ông Thanh khẳng định: “Không có thịt thú rừng, chỉ có thịt giả thú rừng. Hươu, nhím có thể nuôi được, song việc nhận biết chỉ có các cơ quan chức năng kiểm định mới có thể đánh giá được có được nuôi hay đánh bẫy”.
Thực tế, những động vật bình thường đã được chủ quán biến hoá thành động vật quý hiếm bằng cách: chó nhà được kéo dài mõm, thui vàng, chặt chân cho khó nhận biết giả thành hoẵng; hay thỏ được cắt tai, thui vàng biến thành chồn đá… “Rất khó có thể xử lý tình trạng này bởi các nhà hàng không trưng biển “thịt thú rừng”, việc biến hoá hay “phẫu thuật thẩm mỹ” cho các mặt hàng của họ không thể cấm. Phải tìm hiểu nguồn gốc hàng hoá và thoả thuận trước khi mua”, ông Thanh khuyến cáo.
Theo Đất Việt