Ngày 31-3, theo một nguồn tin riêng của Pháp Luật TP.HCM cho biết các cơ quan chức năng đang tiến hành giám định máy của tàu đẩy sà lan đâm sập cầu Ghềnh để xác định tội của các nghi can.
Theo đó, các cơ quan chức tiến hành giám định để xác định lúc đâm sập cầu Ghềnh thì máy của tàu đẩy đang hoạt động hay bị chết máy. Nếu máy của tàu đẩy chết thì phải làm rõ vì sao chết.
Mục đích của việc giám định máy tàu đẩy là rất quan trọng và là một trong những yếu tố để xác định tội của các nghi can.
Cũng theo nguồn tin này, trong trường hợp nguyên nhân khiến sà lan đâm vào cầu Ghềnh là do tàu đẩy chết máy, có nghĩa là do nguyên khách quan thì tài công có thể vô tội.
Như đã đưa tin, trưa 30-3, đội trục vớt cầu Ghềnh thuộc Công ty Xây dựng Cô ng trình Giao thông 1 (Bộ GTVT) đã tiến hành trục vớt thành công tàu đẩy sà lan đâm sập cầu Ghềnh.
Trong một diễn biến khác chiều 30-3, VKSND tỉnh Đồng Nai đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam bốn tháng đối với Phan Thế Thượng (62 tuổi, quê Sóc Trăng, là chủ tàu mang số hiệu SG 3745 dùng để đẩy sà lan SG 5984 đâm sập cầu Ghềnh) vì đã có hành vi điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy theo Điều 215 BLHS.
Trong khi đó, Trần Văn Giang (36 tuổi, ngụ Bạc Liêu, lái tàu chính gây sập cầu Ghềnh) cũng bị VKSND tỉnh Đồng Nai phê chuẩn quyết định khởi tố và bắt tạm giam bốn tháng vì đã có hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy theo Điều 212 BLHS.
Riêng đối với Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi, quê Bạc Liêu) theo CQĐT Công an tỉnh Đồng Nai, được hủy bỏ lệnh tạm giữ hình sự và xem xét xử lý sau do chưa đủ cơ sở để xử lý hình sự.
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, ngày 20-3, ông Thượng cùng với Giang và Lẹ điều khiển tàu đẩy sà lan chở cát từ miền Tây lên Đồng Nai bán.
Khi tàu chạy đến khu vực TP.HCM do ông Thượng lên bờ đi làm việc riêng đã giao tàu lại cho Giang và Lẹ điều khiển mặc dù ông Thượng biết hai người này không có bằng lái.
Đến khoảng 11 giờ 30 cùng ngày, tàu chạy đến đoạn sông chảy qua cầu Ghềnh thuộc TP Biên Hòa (Đồng Nai) do không có kinh nghiệm trong điều khiển sà lan lại gặp dòng nước xoáy, cộng với việc tàu đẩy bị chết máy nên Giang đã để sà lan đâm vào trụ cầu Ghềnh, gây sập cầu.
Sà lan và tàu đẩy đã bị lật chìm xuống đáy sông.
Sau khi xảy ra sự cố, Giang và Lẹ bỏ về quê và báo cho ông Thượng biết vụ đâm sập cầu Ghềnh. Đến ngày 21-3, ông Thượng cùng hai tài công là Giang và Lẹ đã bị Công an tỉnh Đồng Nai tạm giữ.