Tác hại "khủng khiếp" của thuốc quá hạn sử dụng

Diệu Linh |

Tuy từng loại thuốc sẽ có mức độ nguy hại khác nhau khi sử dụng phải thuốc quá hạn sử dụng, các thuốc đặc trị nếu quá hạn thậm chí còn làm bệnh nhân tử vong.

Lực lượng công an và Sở Y tế Hà Nội vừa bắt một “bà trùm” chuyên “phù phép” thuốc tân dược quá hạn thành thuốc còn hạn để bán ra ngoài thị trường. Tổng cộng có hơn 500.000 đơn vị thuốc với hơn 200 loại thuốc đã được “chế biến”.

GS Hoàng Tích Huyền – Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Dược lý (Đại học Y Hà Nội) cho biết, các nhà khoa học, nhà sản xuất đã nghiên cứu ra thời hạn sử dụng thuốc là “có nguyên tắc chặt chẽ”.

Chỉ trong thời gian quy định thuốc mới không bị biến chất, giảm hàm lượng, làm tăng nguy cơ gây tác dụng phụ của thuốc.

Tuy từng loại thuốc sẽ có mức độ nguy hại khác nhau khi sử dụng phải thuốc quá hạn sử dụng.

“Trước hết là người bệnh không khỏi bệnh và khiến bệnh nặng hơn, làm mất thời gian vàng để điều trị bệnh khi bệnh đang còn nhẹ, thậm chí làm bệnh nhân tử vong nếu là các thuốc đặc trị.

Thuốc quá hạn có thể làm giảm hàm lượng thuốc, gây nhờn thuốc.

Nếu là thuốc kháng sinh thì gây kháng thuốc, lần sau bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc kháng sinh thế hệ cao hơn, bệnh khó trị hơn, tốn tiền hơn.

Bệnh nhân cũng có thể gặp các biến chứng, phản ứng phụ nguy hại của thuốc nếu dùng thuốc quá hạn” – GS Huyền phân tích.

PGS-TS Lê Văn Truyền - chuyên gia cao cấp về dược học của Bộ Y tế cũng cho biết, hạn sử dụng thuốc là tiêu chí quan trọng để khẳng định thuốc có chất lượng hay là không.

Sở dĩ phải nghiên cứu xác định hạn dùng của thuốc vì sau khi được bào chế, sản xuất, trong quá trình bảo quản, do đặc điểm hóa học, vật lý vốn có của dược chất hoặc của dạng bào chế, hàm lượng ban đầu có thể giảm sút ở một mức độ nào đó, và theo đó hiệu quả điều trị của thuốc không còn nguyên vẹn như ban đầu.

PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) nhận định, bán thuốc quá hạn là tội ác nghiêm trọng. “Được biết trong số thuốc quá hạn vừa bị bắt giữ có cả thuốc dành cho trẻ em.

Điều này đặc biệt nguy hại vì cơ thể trẻ em có sức đề kháng kém, mẫn cảm với các thành phần của thuốc.

Thuốc quá hạn sẽ biến chất, do đó, các phản ứng phụ, gây dị ứng, sốc cho trẻ cũng nhiều hơn. Đồng thời, khi bệnh không khỏi, trẻ em dễ nhờn thuốc, dễ bệnh nặng hơn” – PGS Dũng nói.

Luật Dược coi việc “thay đổi, sửa chữa thông tin về hạn dùng ghi trên nhãn mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” hành vi sản xuất thuốc giả, sẽ bị xử lý hình sự” – TS Lê Văn Truyền

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại