Tác giả bức thư lay động “Gửi bố ở Trường Sa” muốn ra Trường Sa

Nguyễn Huệ - Thiên Di |

(Soha.vn) - Em Phạm Thùy Linh - tác giả bức thư “Gửi bố ở Trường Sa” gây xúc động mạnh mong muốn được một lần ra đảo gặp các chiến sỹ ngoài khơi xa đang canh giữ Tổ quốc.

Với cảm xúc chân thật, trong sáng thể hiện trong bức thư “Gửi bố ở Trường Sa”, em Phạm Thùy Linh (học sinh lớp 8D, Trường THCS Tô Hoàng Hà Nội) đã giành giải Nhì cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 43 (UPU43) của Việt Nam.

Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 43 (UPU43) có chủ đề: “Hãy viết một bức thư diễn tả âm nhạc có thể lay động đời sống như thế nào”. Phạm Thùy Linh đã hóa thân vào một người con có bố đang làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa. Bức thư ấy, Linh lấy cảm xúc từ chính câu chuyện của người bạn thân khi còn là những cô bé học sinh tiểu học. Để rồi, với tất cả tình cảm của mình dành cho màu xanh áo lính, Linh đã đưa người đọc đến nhiều cung bậc cảm xúc: tự hào, yêu thương, nhớ nhung chất chứa của cô con gái nhỏ gửi cho người cha yêu quý qua tiếng đàn ghi ta.

Tâm sự với chúng tôi, em Phạm Thùy Linh tỏ ra khá nhút nhát, rụt rè, khiêm tốn, em nói: “Ý tưởng này của em bắt nguồn từ một kỷ niệm với một người bạn thân học chung tiểu học. Em thường đến nhà bạn chơi và thấy một chiếc đàn ghi ta rất đẹp được treo ở góc nhà. Bạn ấy kể, bố bạn ấy là lính đảo Trường Sa đánh đàn rất hay và vì thường xuyên phải xa nhà nên đã tặng lại cho bạn ấy chiếc đàn để học”.

Em Phạm Thùy Linh - tác giả của bức thư Gửi bố ở Trường Sa giành giải Nhì cuộc thi UPU43.
Em Phạm Thùy Linh - tác giả của bức thư "Gửi bố ở Trường Sa" giành giải Nhì cuộc thi UPU43.

Linh cho biết, “chất liệu” được sử dụng trong bài chính là những gì mà em đọc, tìm hiểu ở trên mạng, qua lời kể của mẹ hay những câu chuyện thực tế khi giao lưu âm nhạc với các bạn học sinh khiếm thị Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội).

“Ban đầu em nghĩ ra câu chuyện sẽ gửi thư cho các bạn khiếm thị, nhưng 1 tuần sau em chợt nảy ra ý tưởng  này dưới sự gợi ý của mẹ. Em mất gần một tháng để thực hiện bức thư này và thực sự em rất bất ngờ, ngạc nhiên và vui sướng khi biết mình được giải Nhì cuộc thi UPU43”, Thùy Linh chia sẻ.

Linh cùng mẹ (trái) trong lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết thư quốc tế UPU.
Linh cùng mẹ (trái) trong lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết thư quốc tế UPU.

Mặc dù chưa lần nào được gặp hay nói chuyện với các chú lính hải đảo nhưng hình ảnh người lính hải đảo xa xôi ấy với em rất đẹp, các chú là những người gan dạ, dũng cảm, có tình yêu nước sâu sắc và luôn cầm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền đất nước.

Vì thế, Linh mong ước được một lần ra quần đảo Trường Sa để gặp và muốn nghe tiếng đàn ghi ta, lời hát của người lính hải đảo, đặc biệt là bài hát “Lá cờ” mà em yêu thích.

Nếu có cơ hội được ra đó, em sẽ mang tặng người lính hải đảo chính bức thư mà em đã được giải. Nhưng trước tiên là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, em sẽ nỗ lực học tập thật tốt để góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước”, Linh bộc bạch.

Em Phạm Thùy Linh chia sẻ về cảm xúc viết bức thư "Gửi bố ở Trường Sa".

Vui mừng khi bài viết của con gái được giải viết thư UPU43, chị Hoàng Thị Thanh (mẹ của Thùy Linh) – là giáo viên dạy Văn đồng thời là Tổng phụ trách của Trường THCS Tô Hoàng bày tỏ: “Mình thật sự rất ngạc nhiên khi biết tin. Cháu là người khá rụt rè. Là một người dạy Văn, tôi cảm nhận ngôn từ của cháu tự nhiên, cảm xúc thật, trong sáng, không tô vẽ màu mè.

Khi cháu tham gia cuộc thi này, tôi cũng có định hướng, khuyến khích cháu tự tìm hiểu trên mạng, có thể hóa thân vào ốc biển, cây đàn ghi ta để viết về cuộc sống, con người ở trên đảo cũng như nói lên tình cảm, suy nghĩ của mình về mảnh đất ấy. Và vài ngày sau, cháu nói với tôi về câu chuyện người bạn thân hồi tiểu học và sẽ hóa thân vào nhân vật đó gửi thư cho người bố là lính Trường Sa. Lúc đọc bản nháp cháu đưa, tôi thực sự rất xúc động bởi giọng văn chân thật, cảm xúc”.

Chị Thanh cũng nói thêm rằng, Linh cũng tham gia cuộc thi UPU lần thứ 42. Khi đó, Linh hóa thân thành giọt nước ở Trường Sa, vì thế em cũng đã có sự tìm hiểu cũng như mong muốn viết về Trường Sa, người lính nơi đảo xa.

 

Đánh giá về học sinh Phạm Thùy Linh, cô Nguyễn Thị Thuận – Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hoàng nói: “Em Linh khá nhút nhát, 8 năm liền đạt thành tích học sinh giỏi. Việc Linh giành giải Nhì cuộc thi viết thư UPU với bức thư làm lay động lòng người là niềm tự hào, vui mừng của nhà trường. Đây là hoạt động nhà trường năm nào cũng tham gia tích cực vì cuộc thi giúp các em thể hiện được khả năng, bộc bạch tính cách thoải mái nhất”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại