Một thời gian ngắn sau khi cuốn từ điển của Vũ Chất bị “tuýt còi”, độc giả lại tìm thấy trên thị trường những cách giải thích ngô nghê xuất hiện trong cuốn “Từ điển tiếng Việt” do NXB Bách khoa Hà Nội biên soạn, với đối tác liên kết là Nhà sách Huy Hoàng.
Có thể kể một số ví dụ như: “niết bàn” là “nát bàn”; “nhọ” là “lọ”; “bia” là “rượu giải khát”; “yếu hèn” là “hèn yếu”; “phi quân sự hóa” là “làm một vùng thành phi quân sự”.
Hay cách giải thích có phần “thô” như “nữ phi công” là “phi công đàn bà”; “nữ tu sĩ” là “tu sĩ đàn bà”; “nữ tướng” là “đàn bà làm tướng”…
Liên quan tới cuốn từ điển này, GS. Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định:
“Qua các ví dụ nhà báo nêu, tôi thấy cuốn từ điển này tuy không quá tệ hại như cuốn từ điển của Vũ Chất, nhưng cách giải nghĩa của họ cũng vi phạm nguyên tắc giải thích của từ điển.
Chẳng hạn, giải thích một từ bằng chính từ ấy, như “phi quân sự hóa” là “làm một vùng thành phi quân sự”, “nhọ” là “lọ”, “niết bàn” là “nát bàn”.
"Bôi bác" hơn, còn giải thích “nữ phi công” là “phi công đàn bà”…
Những cách giải thích trên không những không làm rõ khái niệm, sự vật mà còn rất "thô thiển".
Nó cũng có thể tạo ra một hình mẫu sai lầm, làm cho các bạn trẻ, nhất là các bạn học sinh nhận thức không đúng về cách giải thích từ ngữ.
Theo tôi, NXB Bách khoa Hà Nội phải kiểm tra lại những từ điển kiểu này. Nếu thấy quá tệ thì nên tự giác thu hồi không nên để cơ quan chức năng phải can thiệp".
Tại 1 số cửa hàng sách, chúng tôi cũng tìm thấy những cách giải thích "thô" về nữ giới được in trong từ điển.
Cũng theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, các nhà xuất bản phải chọn được tác giả có chuyên môn và phải biên tập thật chu đáo trước khi xuất bản và đưa sách ra ngoài thị trường.
Những cuốn từ điển “kinh dị” như “Từ điển Vũ Chất" hay cuốn từ điển nói ở trên là bằng chứng về cách làm việc cẩu thả của tác giả và nhà xuất bản. Làm ẩu là cách hạ uy tín của mình nhanh nhất.
Ở nước ta hiện nay, không có chế độ kiểm duyệt sách. Trước khi sách được phát hành, Cục Xuất bản có đọc lưu chiểu để phát hiện sai sót.
Tuy nhiên, thường thì Cục Xuất bản chỉ tổ chức đọc lưu chiểu những cuốn sách có đề tài “nhạy cảm”, dễ sai sót. Vả lại, “phép vua thua lệ làng”, các nhà sách liên kết bây giờ có mấy ai đợi lệnh phát hành của nhà xuất bản mới cho sách xuất kho?
Trước tình trạng này, chúng ta cần chấn chỉnh công tác liên kết xuất bản. Với sai phạm do quản lý sách liên kết lỏng lẻo như trường hợp cuốn từ điển này, Cục Xuất bản có thể đình chỉ hoạt động liên kết của nhà xuất bản và đối tác liên kết.
Đồng thời, các cơ quan có trách nhiệm và nhà báo cần vào cuộc quyết liệt để tìm hiểu tác giả thực sự là ai, để sau này họ biết sợ chứ không thể kí vào sách một cái tên vu vơ rồi muốn viết gì thì viết.
“Bản thân tôi khi đi mua từ điển, tôi phải tìm tên tác giả và nhà xuất bản mà tôi biết rõ. Nhưng, chúng tôi là người trong ngành thì làm như vậy được. Còn người ngoài ngành thì không thể có đủ thông tin để cân nhắc, lựa chọn.
Trước những sai phạm liên tục trong liên kết xuất bản như thế này, cơ quan hữu trách của Đảng và Nhà nước nên cân nhắc chấp nhận xuất bản tư nhân.
Để tư nhân hoặc các tổ chức ngoài Nhà nước tham gia công tác xuất bản còn hơn để họ “núp bóng” cơ quan Nhà nước dưới hình thức liên kết, mà thực chất là mua bán giấy phép xuất bản.
Khi tư nhân “núp bóng” cơ quan Nhà nước thì trách nhiệm của họ không cao. Còn khi một ông chủ tư nhân bỏ tiền ra tổ chức nhà xuất bản thì họ phải làm rất cẩn thận để xã hội đón nhận sản phẩm của họ, chứ không quay lưng với họ” – GS. Thuyết phân tích.