Trong hội thảo chuyên đề “Chống in lậu và sách giả” tổ chức ngày 13/11, lãnh đạo Cục Xuất bản, Bộ Thông tin – truyền thông và đại diện các nhà xuất bản sách đã đánh giá thực trạng, nguyên nhân sách lậu, sách giả được in và bày bán công khai đồng thời cũng đưa ra những kiến nghị thực tế để hạn chế nạn in lậu trên địa bàn thành phố.
Sách lậu, giả khó kiểm soát
Đánh giá về thực trạng hoạt động in trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Minh - Chánh Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông cho biết, hiện nay có trên 400 cơ sở in sử dụng thiết bị in công nghiệp, tập trung chủ yếu ở các quận nội thành như Đống Đa (72 cơ sở in), Thanh Xuân (72 cơ sở in)…
Ông Minh nhận định: “Tình trạng in lậu, in không đúng quy định vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp, sách vi phạm bản quyền được bày bán công khai trên địa bàn”.
Và TS Bùi Doãn Nề - Chủ tịch Hội In Hà Nội nêu ra: “Sự tồn tại sách giả đáng được lên án. Sách giả làm tổn hại lợi ích nhiều người, vào tính chất trung thực, sáng tạo và mong muốn đưa sản phẩm hữu ích, đẹp đến người tiêu dùng”.
Thẳng thắn đánh giá thực trạng in giả, buôn bán sách lậu hiện nay, TS Nguyễn Mạnh Hùng – TGĐ Công ty Thaiha Books bày tỏ: “Công ty sách Thái Hà cũng đã bị làm lậu, cuốn sách lậu đáng nhớ nhất là “Tôi là con gái của mẹ tôi” bị in lậu dịp 8/3/2008. Gần 10 ngàn bản được bán ra…đa phần là sách lậu”.
Ông Mạnh Hùng cũng đưa ra quan điểm, sách lậu mang hậu quả rất lớn. Đối tượng bị ảnh hưởng đó là tác giả, họ sẽ không nhận được tiền bản quyền mà họ xứng đáng được nhận và họ sẽ không vui khi chính “đứa con tinh thần” của họ nhem nhuốc, chất lượng kém đến tay độc giả.
Những công ty sách, nhà xuất bản đều bị ảnh hưởng nếu sách bị in lậu, làm giả. Họ sẽ mất uy tín, thương hiệu. Và người ảnh hưởng nhiều nhất đó chính là bạn đọc, họ bị lừa, bị mua sách sai nội dung, kém thẩm mĩ và có thể bị đắt hơn. Từ đó có thể ảnh hưởng đến cả thế hệ xã hội, đến sự giáo dục con trẻ…
Quản lý cơ sở in, sách lậu…bị buông lỏng?
Hiện nay, ở trên địa bàn, vài khu sách lậu được bày bán công khai mà ai cũng biết. Đôi khi người dân khó có thể phân biệt được đâu là sách thật, sách giả. Thậm chí, có cơ sở in lậu còn làm giả tem của nhà xuất bản để “lừa” độc giả.
Một điều dễ nhận thấy, sách lậu ở Hà Nội công khai và nhiều, mạnh hơn gấp nhiều lần so với thành phố HCM.
Việc in lậu ngày càng tinh vi khi tem chống hàng giả cũng được làm "giả" khó có thể nhận ra.
TS Nguyễn Đăng Quang – Nguyên Phó Tổng giám đốc Cty Nhà xuất bản giáo dục cho biết có một số “trùm” in lậu như Nguyễn Hữu Chiến in lậu sách giáo khoa, Đỗ Đức Thọ - nhà sách Tiến Thọ (Đường Láng, HN)… Tuy nhiên, Đỗ Đức Thọ bị bắt và chỉ bị xử phạt tù 6 tháng 25 ngày.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc sách in lậu “hoành hành” đó là buông lỏng quản lý. Hiện nay, những cá nhân sai phạm in lậu sách vẫn chỉ bị xử lý hành chính chứ không hề có biện pháp nào mạnh hơn.
“Nạn in lậu là bệnh nan y, các nhà xuất bản phải tự phòng vệ mình. Cách tốt nhất là sử dụng tem chống giả”, ông Đăng Quang nói.
Còn đại diện NXB Thaiha books đề xuất phải tăng cường kiểm tra cơ sở in, tiêu thụ sách lậu, cương quyết bắt, xử lý và công khai danh tính các cơ quan in lậu, tiêu thụ sách lậu trên mọi thông tin đại chúng để người dân đề phòng, không bị lừa.
Việc in sách lậu ngày càng tinh vi và phổ biến hơn. Thiết nghĩ, Nhà nước cần phải có các chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn chứ không thể chỉ xử lý hành chính hay phạt tiền ở mức không đáng kể như hiện nay.