Rón rén, run rẩy đi gặp “thánh chửi” ở Hà Nội

Bảo Khê |

Hà Nội đang đề xuất xử lý việc nói tục, chửi bậy nơi công cộng. Các “thánh chửi” nổi danh ở Hà Nội liệu có bị sờ gáy?

Chuẩn bị đến quán “bún chửi” ở Ngô Sĩ Liên (Hà Nội), tim tôi đập thình thịch vì lo lắng, bất an. Bất an bởi lẽ lần nào đến ăn ở đây, chúng tôi cũng chứng kiến những màn chửi “không ngẩng mặt lên được” của bà chủ.

Tôi còn nhớ một lần, có hai mẹ con người miền Nam đến ăn. Người phụ nữ ăn nói dịu dàng nhưng có lẽ do chưa quen nên đứng lớ ngớ ở cửa, hỏi han. Hai mẹ con cô đã lãnh trọn bài chửi của bà chủ mà không hiểu vì sao… bị chửi.

Trở lại quán bún chửi lúc 2h chiều. Tôi hỏi: “Cô ơi còn bún không ạ”? . “Còn. Còn đến 10h đêm. Cả đoàn đến ăn cũng không hết”, bà chủ quắc mắt, hất hàm sang bên đường, chỉ cho tôi chỗ để xe.

Tôi rón rén vào gọi tô bún lưỡi chấm. “Vâng, chị cứ ngồi đi, rồi chúng tôi phục vụ cho”. Nói rồi, bà chủ bảo với cô gái chạy bàn: “Đây, mang vào cho công chúa”!

Theo vài người khách ở đây, sau nhiều bài báo, có vẻ như bà chủ quán bún chửi ở đây cũng kiệm lời hơn. Bà không chửi bới thô thiển như hắt nước vào mặt giống trước đây mà chủ yếu chuyển sang chì chiết, “mát mẻ”.

Vả lại, thời điểm 2h chiều đã vãn khách nên bà cũng ít chửi hơn. “Vào tầm đông khách mà đòi hỏi nhiều, y rằng, kiểu gì cũng ăn chửi”, một nữ khách hàng cho biết.

Khi được hỏi, sắp tới những người ăn nói thô tục, thiếu văn hóa sẽ bị xử phạt, “thánh chửi” quắc mắt nhìn chúng tôi từ đầu đến chân rồi dài giọng: “Vâng, tôi chỉ thế thôi. Không lịch sự được như mấy công nương. Ăn được thì ăn, không thì phắn, đây không cần thiết”.

Được biết trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã giao Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, Sở Giáo dục - đào tạo và UBND các quận huyện, thị xã kiểm tra, xem xét, có biện pháp xử lý nhằm hạn chế cao nhất những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội.

Bun chui2
Chủ quán bún chửi đã ít mắng mỏ khách hàng hơn trước

Việc yêu cầu chấn chỉnh văn hóa ứng xử nêu trên là do gần đây TP tiếp nhận những thông tin báo chí phản ánh một bộ phận các bạn trẻ là học sinh trung học, các ca sĩ, người dẫn chương trình... có những lời nói thô tục, những ứng xử không văn hóa nơi công cộng.

Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội có chỉ đạo chấn chỉnh văn hóa ứng xử trong nhà trường và ngoài xã hội.

Từ cuối năm 2014, theo chỉ đạo của UBND TP, Sở VH-TT&DL Hà Nội đã tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến xây dựng “hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư TP Hà Nội” dự kiến ban hành trong năm 2015.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng, thực hiện được điều này rất tốt nhưng TP Hà Nội đang lúng túng khi thực hiện. Việc xác định thế nào là nói tục, chửi bậy cũng rất khó.

Chẳng hạn, những lời lẽ miệt thị, “mát mẻ” kiểu chủ quán bún chửi trên đây, có thể coi là nói tục, chửi bậy không?

Một số chuyên gia cho rằng, thực hiện điều này không hề dễ dàng bởi muốn thực hiện được văn bản không mang tính bắt buộc thì phải có điều kiện kèm theo và người thực hiện nó như thế nào.

“Chúng ta cần có quy định ở nơi công cộng, trong cơ quan và các nhà trường, thậm chí ra chế tài để xử lý.

Tuy nhiên, quan trọng hơn là việc tuyên truyền, tác động đến nhận thức của mọi người để hiểu được lời ăn tiếng nói và các hành vi”, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại