Giữa cái nắng oi bức của những ngày đầu hè. Chúng tôi về thôn Mai Động, xã Hồng Đức, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương và được nghe câu chuyện buồn rơi nước mắt về vợ chồng anh Phạm Văn Vẻ (32 tuổi) và chị Chu Thị Bốn (24 tuổi) nghèo đến kiệt quệ nuôi con mù bẩm sinh hai năm nay. Đến thăm gia đình vào buổi trưa muộn, chúng tôi càng xót xa hơn khi chứng kiến bữa cơm đói lòng của 4 miệng ăn bên nồi cháo nấu với rau dại ngoài vườn đã tồn tại với gia đình anh Vẻ gần 3 năm nay. Nhìn gương mặt gầy hốc hác, đen sạm, khắc khổ của anh đang bế con trai bị mù trên tay và những giọt mồ hôi trên trán khiến chúng tôi không cầm được nước mắt.
Mù lòa, bệnh tật, bé 2 tuổi ngằn ngặt khóc trên manh chiếu rách...
Buông vội bát cháo ăn dở đầy cọng rau dại, anh Vẻ cho biết: “Có được bữa ăn như thế này là tốt lắm rồi anh ạ! Không biết, sang tháng gia đình tôi còn có cái gì để ăn nữa không”. Quay sang nhìn đứa con bị mù đang quấy khóc trên chiếc chiếu rách giữa nhà, anh Vẻ chảy nước mắt. Trong câu chuyện buồn tủi đẫm nước mắt của người phụ nữ nghèo, anh Vẻ kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời đầy bất hạnh nghèo khó, đứa con xấu số bị bệnh mù bẩm sinh hai mắt và cuộc sống cùng cực hiện nay của gia đình.
Năm 2003, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về. Do gia đình đông anh em, bố mẹ già yếu, bệnh tật và khó khăn, anh Vẻ quyết định đi Quảng Ninh để làm thuê kiếm sống tự lập và mong có được ít tiền để giúp bố mẹ chữa bệnh. Trong những lần đi làm xây dựng tại Móng Cái, anh đã gặp chị Chu Thị Bốn, người dân tộc Tày. Thương và hiểu được hoàn cảnh hai người đã quyết định làm đám cưới năm 2010. Năm 2012 cháu Phạm Hữu Phương chào đời mang theo bao niềm vui, hạnh phúc và tương lai tươi sáng của đôi vợ chồng nghèo. Nhưng trớ trêu thay, do hoàn cảnh khó khăn, nên trong quá trình mang thai chị Bốn không được ăn uống đủ chất, không có điều kiện đi thăm khám bào thai. Khi chào đời cháu Phương chỉ nặng 1,5 kg, co giật, suy dinh dưỡng. Đến tháng thứ 3, gia đình phát hiện cháu hay bị sốt, hai mắt đau chảy nước, kích thước mắt nhỏ hơn nhiều đứa trẻ khác cùng tháng tuổi và ở lòng mắt có màu trắng mờ. Sau khi đi khám tại Bệnh viện mắt Trung ương, các bác sĩ kết luận, cháu Phương bị mù bẩm sinh giai đoạn cuối.
Người mẹ nghèo, đen đúa hàng ngày phải ẵm em trên tay ra vườn nhặt rau dại làm thức ăn hàng ngày
Gia đình anh Vẻ bao năm nay vốn đã nghèo, nay biết được bệnh tình của con càng khiến cho cảnh nghèo khó trở nên túng quẫn hơn. Thương con nhỏ bị bệnh mù hai mắt. Vợ chồng chị đã cầm cố mảnh đất của tổ tiên cho ngân hàng và đi vay nợ với lãi suất cao để chữa bệnh cho cho con. Hết tiền, nhưng bệnh tình của cháu không khỏi và có nguy cơ nặng thêm. Cháu Phương hiện nay đã hai tuổi, nhưng không biết nói, không biết đi, không nhìn được và suốt ngày quấy khóc. Do ảnh hưởng của việc mù mắt bẩm sinh đã biến chứng sang nhiều bệnh khác. Cách đây 4 tháng, sau khi lên cơn sốt co giật, người cháu bị phù nề, áp xe cổ trái. Không có tiền để làm phẫu thuật, nên hàng ngày hai vợ chồng đành nhìn con bị bệnh tật hành hạ, sự sống của con để cho số phận quyết định. Thương con, nhưng nhà không còn tiền, đến cái ăn còn phải tính từng bữa. Vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc.
Đưa tay gạt vội những giọt nước mắt lăn trên gương mặt đen sạm, khắc khổ, anh Vẻ ngậm ngùi cho biết: “Gia đình đã nợ trên 300 triệu đồng để chữa bệnh cho cháu rồi anh ạ!. Bây giờ không còn khả năng vay chạy để chữa bệnh nữa và không biết bấu víu, nương tựa vào ai. Vì anh em ai cũng nghèo khổ”. Không còn tiền để chữa bệnh cho con, phải nhìn cảnh đứa con thơ dại sống thoi thóp từng ngày khiến cho ai ở thôn Mai Động cũng rơi nước mắt. Ngày nào cháu Phương khỏe thì anh tranh thủ đi làm để có tiền đong gạo, mua thuốc. Những ngày bệnh tái phát cả gia đình lại ăn cháo với rau dại cầm hơi. Lao động quá sức, dinh dưỡng lại chẳng có nên tháng 7 năm 2013, anh Vẻ bị ung thư dạ dày và đã phải cắt 1/3.
Nằm trên giường bệnh, bác Phạm Văn Trại – bố anh Vẻ khóc sụt sùi: “Tại sao ông trời lại đày đọa đứa cháu tội nghiệp của tôi đến vậy. Sao không làm cho tôi mù để cháu tôi được mắt sáng cơ chứ?”.
Cụ Lê Thị Đào (84 tuổi), hàng xóm cho biết: “Khổ thân nhà anh Vẻ, một mình phải nuôi con mù lòa, vợ ngớ ngẩn. Hàng xóm chúng tôi ai cũng nghèo, nên không giúp được gì. Nghĩ mà thương, tội nghiệp”.
Nếu có tiền phẫu thuật, con mắt bên trái của em có hy vọng nhìn thấy ánh sáng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Đoài – Trưởng thôn Mai Động cho biết: “ Địa phương tôi nghèo khó và khổ quá anh ạ! Nhìn trường hợp gia đình anh Vẻ ai cũng xót thương. Địa phương chỉ tạo điều kiện cho hộ nghèo, ngoài ra không giúp được gì”.
Vừa cho tôi xem bệnh án của cháu Phương, anh Vẻ nghẹn ngào: “Nếu như gia đình có tiền thì sẽ cứu được một bên mắt trái của cháu. Nhưng khổ nỗi cái ăn còn chạy từng bữa, nói chi đến việc mong chữa bệnh cho con”. Câu nói của anh Vẻ khiến cho chúng tôi như thắt từng khúc ruột.
Đội tạm chiếc nón rách, bế đứa con mù hai mắt đang gào khóc trên tay tiễn chúng tôi ra cổng. Vừa dỗ dành cháu Phương, anh Vẻ vừa mếu máo khóc: “Khổ thân con tôi, bố biết lấy đâu ra tiền để chữa bệnh cho con bây giờ?”.
Khuôn mặt khắc khổ của người cha trong cái nghèo đến não nề và hình ảnh đôi mắt mù trắng đục của cháu Phương cứ ám ảnh mãi chúng tôi. Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi chỉ mong sao sẽ có một phép màu cứu giúp đôi mắt của cháu Phương được sáng lại, để cháu có thể nhìn được thế giới xung quanh và cuộc sống tươi đẹp này. Hay chí ít cháu cũng có tiền để được phẫu thuật cứu lấy con mắt bên trái, để cậu bé đáng thương được nhìn thấy chút ánh sáng của cuộc đời.
Hãy chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh đáng thương bằng cách gửi tiền ủng hộ đến Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí thức trẻ.
Tài khoản: 1902.798.7602.011
Dương Thị Hà Vân - Techcombank Lĩnh Nam - Hà Nội
Địa chỉ: Tầng 17, tòa nhà VTC số 18 đường Tam Trinh, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.