“Quy định được nổ súng để phòng vệ khi thi hành công vụ là cần thiết”

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - Nổ súng để phòng vệ trong một số trường hợp đặc biệt khi thi hành công vụ là cần thiết. Đây không chỉ là thực thi công vụ mà còn là sự cụ thể hóa quyền phòng vệ chính đáng đã được pháp luật quy định.

Chống lại người thi hành công vụ có xu hướng gia tăng

Mới đây, Bộ Công an đã đưa ra dự thảo nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ để lấy ý kiến góp ý rộng rãi từ phía người dân.

Một trong những nội dung của dự thảo được dư luận quan tâm đó là quy định người thi hành công vụ được nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra.

Theo dự thảo tờ trình của Bộ Công an, thời gian qua tình trạng chống người thi hành công vụ đang diễn biến rất phức tạp, với tính chất, mức độ nguy hiểm ngày càng cao, ở hầu khắp các địa phương, trên rất nhiều lĩnh vực, nhất là trong các lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, quản lý và bảo vệ rừng, quản lý đất đai, giải quyết mặt bằng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực biên giới, cửa khẩu, đấu tranh phòng chống tội phạm...

Trong những năm gần đây, tình trạng người vi phạm pháp luật chống lại người thi hành công vụ có xu hướng gia tăng.
Trong những năm gần đây, tình trạng người vi phạm pháp luật chống lại người thi hành công vụ có xu hướng gia tăng.

Số liệu thống kê, báo cáo của các bộ ngành cho thấy từ năm 2002 đến tháng 6/2012, trên cả nước xảy ra trên 8.500 vụ với trên 13.700 đối tượng vi phạm. Cơ quan chức năng đã xử lý hình sự gần 6.900 vụ với trên 11.000 đối tượng. Trong đó trên 90% số vụ chống lại lực lượng công an, chủ yếu trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, đấu tranh phòng chống tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội, tội phạm ma túy và giải quyết các vụ việc về an ninh trật tự ở cơ sở.

Bộ Công an đánh giá tình trạng chống người thi hành công vụ thể hiện ý thức coi thường pháp luật của một bộ phận không nhỏ những người có hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc duy trì kỷ cương phép nước, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ. Nguyên nhân do chưa có quy định đầy đủ của pháp luật về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi này. Đó là lý do cần thiết phải ban hành nghị định nêu trên.

Nghị định này cũng xác định người thi hành công vụ là người được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.

“Quy định được nổ súng là cần thiết”

Ông Trần Vi Dân - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an (cơ quan chủ trì soạn thảo) - khẳng định: Quy định này của dự thảo được đưa ra để bảo vệ người thi hành công vụ nhưng phải đảm bảo về mặt nguyên tắc không cho người thi hành công vụ lợi dụng quyền hạn nhiệm vụ của mình để xâm phạm trái pháp luật quyền lợi hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo ông Dân, người thi hành công vụ theo quy định tại dự thảo không chỉ là cảnh sát mà còn có nhiều lực lượng như biên phòng, kiểm lâm, hải quan, cảnh sát biển... Ông Dân cho biết dự kiến cuối tháng 6/2013, Bộ Công an sẽ trình Chính phủ để ban hành nghị định này sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân và các bộ, ngành liên quan.

Trong khi đó, theo Thượng tá Lê Đức Đoàn – Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) thì quy định được nổ súng để phòng vệ trong một số trường hợp đặc biệt khi thi hành công vụ là cần thiết. Đây không chỉ là thực thi công vụ mà còn là sự cụ thể hóa quyền phòng vệ chính đáng đã được pháp luật quy định.

Thượng tá Lê Đức Đoàn cho rằng: “Trong những năm qua, trang bị cho CSGT nói riêng và lực lượng công an nói chung khi làm nhiệm vụ không ngừng được cải thiện nhằm đảm bảo an toàn khi thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, tình hình diễn biến của tội phạm càng ngày càng phức tạp hơn, mức độ và cách thức gây án cũng ngày một tinh vi và manh động hơn.

Thượng tá Lê Đức Đoàn (Phòng CSGT CA TP Hà Nội):
Thượng tá Lê Đức Đoàn (Phòng CSGT CA TP Hà Nội): "Quy định được nổ súng để phòng vệ trong một số trường hợp đặc biệt khi thi hành công vụ là cần thiết".

Điều này không chỉ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người thi hành công vụ mà còn đe dọa cả tính mạng, tài sản của công dân. Bởi vậy, quy định được nổ súng để phòng vệ trong một số trường hợp đặc biệt khi thi hành công vụ là cần thiết”.

“Đây không chỉ là thực thi công vụ mà còn là sự cụ thể hóa quyền phòng vệ chính đáng đã được pháp luật quy định từ trước đó”, Thượng tá Lê Đức Đoàn khẳng định.

Cũng theo Thượng tá Lê Đức Đoàn, quy định được nổ súng không chỉ áp dụng cho một lực lượng cụ thể nào mà nên áp dụng cho tất cả lực lượng công an: “Không nên cụ thể quá trong quy định rằng quyền được phép nổ súng khi thực thi công vụ chỉ áp dụng với lực lượng nào mà nên áp dụng cho tất cả lực lượng công an”.

“Trên thực tế, lực lượng công an chính là lực lượng vũ trang, đảm nhiệm trọng trách gìn giữ an ninh trật tự của đất nước và tính mạng, tài sản cho công dân, thường xuyên phải đối mặt với những nguy hiểm.

Quy định này theo tôi là cần thiết, vừa tạo tính răn đe đối với các loại tội phạm, lại vừa là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ tính mạng người thi hành công vụ trong những trường hợp đặc biệt”, Thượng tá Lê Đức Đoàn cho biết thêm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại