Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc chiến lược thương hiệu cho Richard Moore Associates – một công ty tư vấn thương hiệu của Mỹ cho rằng, những hành động khum tay hình trái tim, xì-tin chào của các lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh là những hình ảnh đẹp.
"Cái hay ở đây là ý tưởng đi ngược lại với hình ảnh đạo mạo cứng nhắc của lãnh đạo người dân vẫn quen nhìn. Phần thưởng của những cách làm tiên phong khác biệt là dễ tạo được sự chú ý của dự luận - một mục tiêu quan trọng của truyền thông" - ông Sơn cho hay.
Ông Sơn đánh giá, đối với một chiến dịch xây dựng thương hiệu của địa phương thì những hành động kể trên bắt đầu từ các lãnh đạo sẽ có rất nhiều tác dụng
"Tác dụng đầu tiên là thể hiện một thái độ tích cực và một cách nhìn nhận tích cực của lãnh đạo đối với việc xây dựng thương hiệu địa phương. Nếu chưa có nhận thức đúng sẽ không có hành động đúng. Mọi cái đều cần một sự khởi đầu. Và đây là một sự khởi đầu tích cực" - ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Đức Sơn - Giám đốc Chiến lược thương hiệu Richard Moore Associate.
Đồng quan điểm đó, với những hình ảnh này, ông Nguyễn Thế Khoa, CEO Greem Standard cũng bày tỏ, thực tế việc này đã cho thấy, chúng ta đang có những lãnh đạo có 1 góc nhìn trẻ trung về mặt xây dựng hình ảnh thương hiệu du lịch Việt Nam như thế nào.
"Hàng năm có rất nhiều khách du lịch tới Việt Nam nhưng tỷ lệ quay chở trại là rất thấp. Lý do thì có vô vàn, 1 trong những lý do đó là việc xây dựng hình ảnh thân thiện của người Việt Nam còn chưa có.
Việc xây dựng hình ảnh thân thiện là cấp thiết để giữ chân khách du lịch. Quảng Ninh có vịnh Hạ Long được xem là át chủ bài lôi kéo khách du lịch của ngành du lịch Việt Nam. Nắm bắt được những yếu tố ấy, lãnh đạo tỉnh này đã đi đầu trong chiến dịch này là điều hiển nhiên để người dân làm theo" - ông Khoa chia sẻ.
Cũng theo ông Khoa, xây dựng hình ảnh địa phương vỗn dĩ đã được rất nhiều nơi trên thế giới xây dựng.
"Nói về bậc thầy xây dựng hình ảnh thương hiệu địa phương và quốc gia phải kể tới Singapore. Việc những lãnh đạo thống nhất lựa chọn mũi nhọn kinh tế Singapore sẽ theo hướng đẩy mạnh phát triển du lịch bằng cách xây dựng cho mình 1 chiến lược phát triển từ hình ảnh con người biến những gì rất riêng để thành điểm đến toàn cầu. Kết quả cho thấy 380.000 lượt khách Việt Nam đã tới Singapore trong năm 2013 và tổng doanh thu từ khách du lịch Việt Nam là 616 triệu USD.
Con số này tương ứng 1/12 doanh thu ngành du lịch Việt Nam thu được năm 2013 đủ thấy rõ sự chênh lệch về cách làm thương hiệu du lịch địa phương. Việc xây dựng hình ảnh khác biệt cho Hạ Long có thể sẽ là bước ngoặt lớn cho ngành du lịch của tỉnh. Khi có hình ảnh thân thiện, đồng nghĩa sẽ bỏ đi được rất nhiều điểm xấu trong nghành du lịch địa phương, tạo niềm tin và Hạ Long thành điểm riêng biệt của Việt Nam thành điểm đến toàn cầu được ưa chuộng" -ông Khoa nói.
Ông Nguyễn Đức Sơn cũng bác bỏ ý kiến cho rằng những hành động khum tay trái tim chào du khách của lãnh đạo Quảng Ninh có vẻ như là xì -tin quá.
"Như thế nào là quá xì-tin? Bất kỳ ý tưởng đột phá nào cũng có ý kiến trái chiều ở mức độ khác nhau. Việc "không giống như cách lãnh đạo thường thể hiện" mới là điểm cộng của chiến dịch này. Thực ra ở nước ta, hành động được xem là mới lạ chứ ở các nước lãnh đạo xì-tin hay có những hành động đời thường hơn cả thế này là chuyện bình thường"- ông Sơn cho biết thêm.
Cùng chung quan điểm đó, ông Thế Khoa cũng đưa ý kiến: "Việc các lãnh đạo này có những hành động xì-tin chẳng liên quan gì tới tuổi tác. Nhìn nhận rõ vấn đề, hình ảnh khum tay hình trái tim được chính các bạn trẻ sáng tạo và truyền đi rất nhiều thông điệp thân thiện. Ở đây, rõ ràng các hành động này đã mang lại giá trị vô hình rất lớn cho khách du lịch và người dân xung quanh.
Ai sẽ muốn tới đầu tư, du lịch mà nơi đó có những lãnh đạo mặt lạnh như tiền mà đi tuyên truyền hình ảnh thân thiện. Nên nhớ chính những chính khách ở Hawaii đã từng khoác lên mình những chiếc váy mạng đậm hình ảnh vũ điệu Samba và nhảy múa theo vũ điệu này để tuyền truyền hình ảnh về quần đảo du lịch nổi tiếng này ra toàn thế giới.
Sự thân thiện ngay từ phái chính quyền sẽ giúp người dân và khách du lịch tin tưởng hơn vào hình ảnh du lịch địa phương cũng như Việt Nam sẽ phát triển mạnh hơn trong thời gian tới".
Ông Nguyễn Thế Khoa.
Những việc Quảng Ninh nên làm...
Trước câu hỏi, Quảng Ninh cần làm gì sau khi lãnh đạo đã có những hành động khum tay trái tim, mỉm cười chào du khách hết sức thân thiện, bình dị, ông Đức Sơn cho rằng, mỗi địa phương đều có một điểm nào đấy hấp dẫn du khách.
"Quảng Ninh có gì thì du khách trong và ngoài nước đều đã biết. Đây là lợi thế cạnh tranh của Quảng Ninh có được so với số đông các tỉnh còn lại, nơi bản thân họ và khách du lịch không định nghĩa rõ ràng được họ khác biệt cái gì. Nhiệm vụ còn lại của Quảng Ninh là phát huy các lợi thế này, "kịch tính hoá" nó lên thành các câu chuyện hay. Và họ đã có bắt đầu...", ông Sơn nói.
Còn ông Thế Khoa cũng đưa ra lời khuyên, để xây dựng hình ảnh thân thiện thì buộc các lãnh đạo phải hiểu rằng để có được hình ảnh đó họ - những người nắm quyền quản lý phải giải quyết ngay vấn đề còn tồn tại trong vấn đề du lịch ở địa phương mình.
"Các nhà quản lý tại Quảng Ninh cần phải giải quyết ngay vấn đề còn tồn tại nhất là tình trạng chặt chém khách tại Hạ Long. Giải quyết việc này bằng những cách khác nhau, như xây dựng khung giá dịch vụ chung phù hợp với mặt bằng dịch vụ, yêu cầu các chủ kinh doanh phải ký cam kết thực hiện và phải có biện pháp chế tài nghiêm khác để không tái diễn chuyện chặt chém khách hàng.
Không thể có chuyện phòng nghỉ không tiêu chuẩn lại có giá đắt bằng khách sạn 4 sao 5 sao được. Khách du lịch sẽ gạch tên quốc gia đó ngay ra khỏi từ điển du lịch của mình.
Về môi trường, thì nên hiểu vấn đề không chỉ là ý thức mà thiêt thực hơn chính những nhà lãnh đạo Quảng Ninh phải tạo điều kiện và tuyên truyền cho vấn đề bảo vệ môi trường bằng nhiều cách khác nhau. Không thể chỉ nói, ý thức sẽ được xây dựng nếu tạo điều kiện và tuyên truyền đúng cách.
Chả ai lại đi từ tầng 2 du thuyền xuống tầng 1 bỏ rác, chả ai đi 500m mà chả tìm thấy 1 thùng rác công cộng hay chả thấy 1 biểu ngữ tuyên truyền nà cả. Tệ nhất là chả có 1 đội tuyên truyền và dọn rác nào ở những khu vực du lịch tập trung đông người nào cả" - ông Khoa chia sẻ.
Đồng thời, theo ông Khoa, Quảng Ninh nên đánh giá và cho mình 1 chiến lược phát triển du lịch bền vững đúng hơn là Quảng Ninh nên quy hoạch lại toàn bộ nghành du lịch của mình để phù hợp hơn với môi trường du lịch quốc tế. Sở dĩ nói như thế vì Quảng Ninh đã và chưa quản lý được hết những mô hình kinh doanh tự phát của nhân dân.
"Chính những mô hình kinh doanh tự phát không bài bản, chất lượng dịch vụ không tương xứng với giá trị tích hợp mang lại cho khách du lịch là điểm yếu cần loại bỏ. Khi loại bỏ và kiểm soát tốt hơn những chất lượng dịch vụ kinh doanh tự phát đồng nghĩa sẽ tạo ra cho mình 1 mặt bằng chung về chất lượng dịch vụ.
Yêu cầu các chủ thể kinh doanh hoàn thiện chất lượng dịch vụ cho phù hợp với tiêu chuẩn mà chính quyền đưa ra. Khách du lịch sẽ là đối tượng được đảm bảo được hưởng quyền lợi nhiều nhất. Từ đó loại bỏ đi hình ảnh xấu ảnh hưởng tới góc nhìn của khách du lịch tới Việt Nam.
Vấn đề thứ 2 nên quan tâm đó là tiếp thị hình ảnh du lịch tới khách hàng quốc tế. Đồng thời, nên đánh giá xem kênh tiếp thị nào là hợp lý tránh tình trạng lãng phí tiền. Học hỏi mô hình tiếp thị du lịch từ những địa phương và quốc gia có ngành du lịch nổi trội để sàng lọc rồi đưa ra những điểm mạnh để thu hút khách du lịch nhiều hơn"- ông Khoa đề xuất.