Quặn lòng người vợ quanh năm nhốt chồng thần kinh

daquynh |

Dù người chồng mắc bệnh thần kinh nhưng với chị Khanh sự có mặt của anh trong gia đình là một niềm hạnh phúc lớn.

Cứ đến bữa là chị lại khe khẽ đưa thức ăn cho chồng qua khe cửa rồi lại bón, lại đút từng thìa như chăm con mọn. Nhìn chồng, bát cơm chan nước mắt nhưng lần nào cũng thế chị lại phải vội vàng gạt đi bởi sợ con nhìn thấy .
Người phụ nữ khốn khổ ấy là Trần Thị Khanh (thôn Đông Trại, xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình). Chúng tôi đến gia đình chị khi trời đã nhá nhem tối, các nhà bắt đầu lục đục nồi xoong nấu cơm, riêng căn nhà của 4 mẹ con chị Khanh cửa vẫn im ỉm khóa.
Có người hàng xóm đi ngang qua cho biết: “Cả 4 mẹ con nó lại dắt díu nhau đi làm thuê rồi đấy cô ạ, 3 đứa tất cả thì có hai đứa đầu là Phạm Ngọc Tuấn (sinh năm 1998) và Phạm Thị Loan (sinh năm 2000) chiều được nghỉ học là đi làm với mẹ.
Còn con bé con là Phạm Thị Thảo mới lên 4 tuổi chưa biết gì cả nhưng mẹ đi là con đi bởi ở nhà nó sợ bố nó đánh đập”.

Vừa dứt lời kể, người hàng xóm thở dài ngao ngán nhìn vào căn nhà lạnh lẽo chưa được nổi lửa rồi quay mặt đi như ngậm ngùi  thương thay cho 3 đứa trẻ tội nghiệp.
Bằng tuổi con nhà người ta chỉ phải lo ăn và học, vậy mà mấy đứa trẻ này đã thạo hết cả những việc của người lớn bởi người đàn ông trụ cột trong gia đình là anh Phạm Ngọc Thế bị tâm thần gần 10 năm nay không thể lao động được.
Quặn lòng người vợ quanh năm nhốt chồng thần kinh 1
Cuộc sống khó khăn của 4 mẹ con chị Khanh trong căn nhà tuyềnh toàng.
Đợi một lúc thì thấy chị Khanh quẩy quang gánh về đằng sau líu ríu 3 đứa con thơ. Lấy tay quệt ngang dòng mồ hôi còn đang chảy dài ướt đẫm chị lật đật vội vàng vào căn phòng nhỏ để “ngó” anh rồi mới yên tâm làm việc tiếp.
Giọng nói run run thấm mệt chị cho biết: “Ngày nào cũng thế, cứ đi đâu về việc đầu tiên là tôi phải vào xem anh ấy thế nào đã chứ không thì trong lòng bứt rứt không yên cô ạ”.
Vừa dứt lời, thằng bé Tuấn nhanh nhảu hỏi mẹ: “Hôm nay bố có xé chăn không mẹ hay là đập ghế ạ?”. Nhận ra nhà có khách, chị ngại ngùng nên cúi gằm mặt xuống không nói gì nữa, vội vàng giục hai đứa đi thay quần áo cho em rồi còn nấu cơm ăn, học bài. Biết ý chúng tôi cũng không hỏi thêm điều gì chỉ nhờ chị dẫn xuống căn phòng nhỏ thăm anh.
Quặn lòng người vợ quanh năm nhốt chồng thần kinh 2
Biết bố bị điên, lũ nhỏ cũng sợ nhưng vẫn thương bố lắm.
Nơi anh Thế ở là một căn phòng nhỏ rộng chừng gần 10 mét vuông ẩm thấp và bốc mùi hôi khó chịu. Trên sàn nhà vương vãi những mảnh chăn bị xé nát, một vài mẩu bát vỡ và chiếc chân của một cái ghế gỗ có lẽ vừa bị đập cách đây không lâu.
Ngồi nép mình ở một góc người đàn ông có vẻ sợ hãi khi có người lạ vào thăm khiến chị Khanh phải kéo mãi anh mới chịu ra. Khác với những gì tôi nghĩ, anh nhìn hiền lành, chân chất đặc tính của người nông dân chỉ quen cảnh chân lấm tay bùn.
Nhìn chồng, chị Khanh lại ứa nước mắt chậm rãi kể: “Trước anh ấy hiền lành chăm chỉ làm ăn lắm cô ạ, rồi tự nhiên thành ra như thế này.
Dạo trước tôi không nhốt vào đây là anh ấy đi lung tung không ai tìm được, rồi những cơn co giật xuất hiện nhiều lần tưởng anh ấy đi rồi không còn ở với 4 mẹ con tôi nữa”.

Vừa nói đôi bàn tay thô ráp của chị nắm chặt lấy đôi bàn tay có phần trắng trẻo nhưng ẽo uột của anh như tìm nơi bấu víu. Nhưng đáp lại người phụ nữ khốn khổ chỉ là ánh mắt vô hồn đến ngơ ngác của anh. Nào giờ anh có nhận thức được gì đâu nên chị có khóc thế cũng chỉ mình chị biết mà thôi.
Quặn lòng người vợ quanh năm nhốt chồng thần kinh 3
Rồi đây, cuộc sống của mấy đứa nhỏ sẽ ra sao nữa khi gánh nặng chỉ một mình chị Khanh gánh.
Chồng bệnh đã thế nhưng trong sâu thẳm đôi mắt trũng sâu của chị điều lo lắng hơn cả đó là tương lai của 3 đứa nhỏ. Căn nhà trống không không một vật đáng giá và những chiều cùng mẹ đi làm thuê không đủ để nuôi ước mơ được học lên của cả 3 đứa.
Cuộc sống hiện tại mấy mẹ con rau cháo nuôi nhau nhưng: “Thằng Tuấn và cái Loan đều lớn rồi sẽ phải đi học cấp 3 nữa …mà hoàn cảnh thế này thì tôi không biết phải xoay sở ra sao nữa?”
Lo lắng cho con là vậy nhưng khi  chúng tôi có ý hỏi chị có trách anh không, người đàn bà lại nước mắt ngắn dài ngậm ngùi nói: “Anh ấy cũng nào có muốn thế đâu cô. Bị bệnh nhưng ông trời thương đừng bắt anh ấy đi là tôi mãn nguyện lắm rồi. Có nghèo có khổ thì anh ấy vẫn là chồng tôi, là bố của 3 đứa nhỏ …chúng tôi là một gia đình cô ạ”
Nghe chị nói tôi phải quay mặt đi cố giấu giọt nước mắt đang bắt đầu chảy. Người đàn bà quanh năm chân lấm tay bùn lại sống cảnh chăm chồng điên, con dại vậy mà lại suy nghĩ “đẹp” đến vậy?
Họ là một gia đình, một tổ ấm đấy chứ nhưng những ngày dài phía trước sẽ mịt mờ đáng thương lắm. Và rồi ba đứa trẻ sẽ ra sao khi cứ ngày ngày đi làm với mẹ vì miếng ăn và để “trốn” bố?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại